Khoản kinh phí 140 tỷ đồng dự kiến chi hỗ trợ công nhân trong dịp Tết Nguyên đán bao gồm khoảng 110 tỷ đồng từ công đoàn các cấp, các doanh nghiệp, khoảng 25 tỷ đồng từ công đoàn cấp trên và ngân sách thành phố.

cong ty PouYen cat giam cong nhan 1
Khoảng 20.000 công nhân Công ty PouYuen Việt Nam phải nghỉ luân phiên (trong tổng trên 50.000 công nhân) do thiếu hụt đơn hàng. Ảnh: Công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam trong đợt tiêm vắc-xin COVID-19, tháng 9/2021. (Ảnh: Hội Công nhân Cty PouYuen Việt Nam/Facebook)

Chiều 23/11, Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết dự trù kinh phí dịp Tết Quý Mão năm 2023 cho đoàn viên – lao động khó khăn của các cấp công đoàn tại TP này là khoảng 140 tỷ đồng, thực hiện 10 chương trình, hoạt động cho Tết Quý Mão 2023.

Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết tổng kinh phí khoảng 140 tỷ đồng gồm kinh phí từ công đoàn các cấp, các doanh nghiệp khoảng 110 tỷ đồng, công đoàn cấp trên và thành phố khoảng 25 tỷ đồng.

Một số chương trình được nêu như Chương trình “Tết sum vầy – Xuân tri ân” dự kiến có 10.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn, người lao động tại các doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết nhận 1 triệu đồng/hộ (700.000 đồng tiền mặt, quà 300.000 đồng).

Chương trình “Gia đình công nhân vui Tết cùng Thành phố” lần 2 dự chi cho 5.000 hộ gia đình đoàn viên, công nhân lao động trực tiếp sản xuất không thể về quê đón Tết. Trong đó, mỗi gia đình được xét chọn sẽ nhận được gói tham gia chương trình, bao gồm vé vào cổng và tham gia các trò chơi cùng 4 suất ăn miễn phí tại Công viên Văn hóa Đầm Sen.

Ngoài ra là các chương trình họp mặt, tặng quà cho đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn như Phiên chợ nghĩa tình – Tết đoàn viên; Tấm vé nghĩa tình; Chương trình Tết cho em; Chương trình họp mặt tặng quà Đoàn viên nghiệp đoàn; Chương trình thăm, tặng quà đoàn viên làm việc tại các đơn vị có môi trường làm việc khó khăn, xa thành phố…

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM, từ nay cho đến hết quý 1/2023, do ảnh hưởng của lạm phát, xung đột giữa Nga – Ukraine, giá cả nhiên liệu, một số mặt hàng tăng, tổng cầu của thế giới giảm, một số nhãn hàng hủy hợp đồng, giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước không có đơn hàng mới, hoặc giảm đơn hàng.

Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng trong các ngành thâm dụng lao động như chế biến gỗ, da, giầy, dệt, may…, dẫn tới doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, không tăng ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, ứng phép năm năm 2023, tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động.

cong ty PouYen cat giam cong nhan
Bản thông báo nghỉ luân phiên 14 ngày của Công ty PouYuen với công nhân khu xưởng C, D, Y và Hóa công thuộc khối sự nghiệp PCaG, mức hỗ trợ 180.000 đồng/ngày/người. (Nguồn: PouYuen/Công nhân cung cấp)

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM thông báo đến thời điểm này, thành phố ghi nhận khoảng 2.600 người bị cắt giảm công việc, nhưng có một số đông người bị ảnh hưởng, giảm thu nhập.

Số lao động bị ảnh hưởng thu nhập lên tới 50.157 người (tại 155 doanh nghiệp), tính đến ngày 15/11/2022. Dự báo Tết năm nay sẽ có những doanh nghiệp không có tiền thưởng Tết, lương tháng 13…

Ngoài việc người lao động bị sa thải, cắt giảm giờ làm là tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phổ biến trong thành phố. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP.HCM, 48.699 đơn vị (chiếm 47,47%)  nợ đọng bảo hiểm từ 1 tháng trở lên, gây ảnh hưởng đến người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, không chốt sổ BHXH được cho người lao động… Theo nhận định từ Liên đoàn Lao động TP, tình hình quan hệ lao động tại TP.HCM từ nay cho đến hết quý 1/2023 tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Sơn Nguyên