Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, người tự test nhanh dương tính COVID-19 (F0), tự điều trị và không báo với y tế địa phương thì sẽ không có cơ sở để giới chức TP cấp giấy chứng nhận từng là F0 để cấp “thẻ xanh COVID-19”.

ong nguyen van vinh chau
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)

Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin hình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM, chiều 12/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu đề cập đến việc quản lý F0 tại địa phương.

Ông Châu nói trên thực tế, có trường hợp địa phương không quản lý F0, để F0 đi khỏi nơi cư trú, hoặc F0 đã hoàn thành cách ly nhưng không chưa được cấp giấy chứng nhận. Ngày 10/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM có công văn 3043, đề nghị Ban chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện đầy đủ hướng dẫn tại Quyết định 879 ngày 12/3/2020 của Bộ Y tế về việc việc giám sát cách ly F0 tại nhà.

Trong đó có một số nội dung cần lưu ý, như giám sát chặt chẽ việc tuân thủ cách ly y tế; trong trường hợp F0 không tuân thủ thì xử lý nghiêm, chuyển cách ly tập trung theo quy định.

Khi có F0 cách ly tại nhà thì Ban chỉ đạo phường, xã, thị trấn ban hành quyết định cách ly và có giấy xác nhận khi F0 đã hoàn thành cách ly.

Hơn nữa, ông Châu cho biết hiện nay đã có quy định khi người dân tự xét nghiệm dương tính (F0) thì phải thông báo địa phương để được hướng dẫn cách ly, điều trị và cấp túi thuốc điều trị.

Ông Châu cho biết hiện nhiều F0 cách ly tại nhà thắc mắc tự test dương tính, tự điều trị nên không có giấy xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà nên không biết làm thế nào để được cấp “thẻ xanh COVID-19”.

Theo ông Châu, nếu người dân tự điều trị, không báo cho chính quyền địa phương thì rất khó cho Ban chỉ đạo quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy nói trên. Vì vậy, người dân khi có kết quả xét nghiệm dương tính phải báo ngay y tế địa phương để được quản lý, chăm sóc và phát thuốc điều trị.

Vẫn chưa tính đến việc cấp giấy qua kết quả định lượng kháng thể tự nhiên 

Tại cuộc họp báo, câu hỏi “người dân có thể xét nghiệm để chứng minh trong người có kháng thể làm căn cứ cấp “thẻ xanh COVID” hay không” được đặt ra.

Trả lời câu hỏi này, ông Châu cho biết việc xét nghiệm định lượng kháng thể vô cùng phức tạp. Các xét nghiệm kháng thể thương mại trên thị trường hiện chỉ đo toàn bộ kháng thể. Còn kháng thể bảo vệ không bị nhiễm bệnh là kháng thể trung hòa – loại kháng thể ngăn chặn trực tiếp protein gai trên virus thì không phải xét nghiệm nào cũng đo được.

Do đó, việc đo kháng thể chỉ có tính chất tương đối. Nhiều trường hợp có nồng độ kháng thể trong máu cao vẫn mắc bệnh và trên thế giới cũng không áp dụng phương pháp này. Đây chính là nguyên nhân hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết nào đối với phương án xét nghiệm xác định định lượng kháng thể.

“Đo kháng thể một cách chung chung coi chừng tốn kém, lãng phí mà chưa mang lại thông tin cụ thể nào”, đại diện Sở Y tế TP.HCM đưa ra nhận định.

Biến chủng Delta làm nhiều người tiêm 2 mũi vẫn nhiễm virus

Ông Châu cho biết sau khi tiêm một mũi vắc-xin, cơ thể có kháng thể, ngăn khả năng mắc bệnh và bệnh nặng, tiêm 2 mũi thì cơ thể sẽ có nhiều kháng thể hơn. Tỷ lệ bảo vệ nhiễm bệnh dao động khoảng 70-80%, như vậy vẫn có 20% trường hợp bị nhiễm sau khi tiêm.

Riêng với biến chủng Delta, ông Châu cho biết có hiện tượng xuyên phá hệ thống miễn dịch, tức hệ miễn dịch của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được biến chủng này. Do đó, chủng Delta làm nhiều người tiêm vẫn nhiễm bệnh. Thống kê trên thế giới cho thấy người đã tiêm 2 mũi vắc-xin khi nhiễm bệnh sẽ được bảo vệ, không nhiễm nặng, với tỷ lệ khoảng 90%.

Với 90% trường hợp đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin thì thường bệnh nhẹ, không cần thở oxy, hồi sức tích cực, nhưng vẫn có 10% bệnh nặng và tử vong. “Không phải trường hợp nào cũng có đủ kháng thể để bảo vệ được cơ thể”, ông Châu nói.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

TP.HCM, Bình Dương tính áp “thẻ xanh” tiêm vắc-xin để quy định người dân được đi đâu