Hà Nội có tới 55% đăng kiểm viên bị khởi tố và TP.HCM là khoảng 40%. Dự kiến, khi các đăng kiểm viên bị kết án (trong các tháng 9 hoặc 10), mỗi địa phương sẽ chỉ còn 2 trung tâm đăng kiểm hoạt động.

trung tam dang kiem 29 15d
Trung tâm Đăng kiểm 29-15D ở huyện Thanh Trì, Hà Nội có sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện. (Ảnh: google-maps)

Việt Nam hiện có 275/295 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 448/547 dây chuyền kiểm định.

Ông Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết trong thời gian tới khi các cơ quan tố tụng kết thúc xét xử và ban hành bản án, sẽ có nhiều đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ và nhiều trung tâm đăng kiểm bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian 3 tháng theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.

Theo dự báo, số lượng phương tiện kiểm định sẽ giảm mạnh trong tháng 8/2024 (tháng 7 âm lịch) nhưng gia tăng trở lại vào các tháng cuối năm, trùng với thời điểm các bản án của tòa có hiệu lực, từ đó dẫn tới ùn tắc phương tiện đến kiểm định.

Ông An cho hay nếu áp dụng như quy định hiện hành thì cả nước sẽ có 91 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động 3 tháng. Nguy cơ ùn tắc tái diễn sẽ xảy ra tại 36 địa phương.

Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là những địa phương có nguy cơ cao nhất. Cụ thể, Hà Nội có tới 55% đăng kiểm viên bị khởi tố và TP.HCM là khoảng 40%. Khi các đăng kiểm viên bị kết án (trong các tháng 9 hoặc 10), mỗi địa phương sẽ chỉ còn 2 trung tâm đăng kiểm hoạt động.

Để giải quyết nguy cơ này, Bộ GTVT đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 139 theo hướng tạm thời không thu hồi chứng chỉ với đăng kiểm viên bị kết án treo hoặc cải tạo không giam giữ mà không cấm hành nghề.

Ngoài ra, không tạm đình chỉ trong thời gian 3 tháng đối với các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ.

Hiện Chính phủ đã cho phép ban hành nghị định bổ sung sửa đổi theo trình tự rút gọn. Bộ GTVT đã hoàn thành dự thảo lấy ý kiến Bộ Tư pháp và các bộ, ngành và nhận được 51 ý kiến góp ý. Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang hoàn chỉnh lại theo góp ý để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) cũng đã có quyết định điều động 60 đăng kiểm viên quân đội hỗ trợ. Phía Cục Cảnh sát giao thông cũng đã chuẩn bị lực lượng hỗ trợ đăng kiểm.

Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình bị đề nghị 23 – 25 năm tù

Ngày 6/8, phiên tòa xét xử 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng bước vào phần luận tội.

VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ 18 – 19 năm tù về tội Nhận hối lộ, từ 5 – 6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt từ 23 – 25 năm tù.

Bị cáo Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị đề nghị 20 năm tù về tội Nhận hối lộ; bị cáo Trần Anh Quân (Trưởng phòng VAR, Cục Đăng kiểm) bị đề nghị mức án 17 – 18 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Bị cáo Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm) bị đề nghị 4 – 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo VKS, bị cáo Trần Kỳ Hình phải chịu trách nhiệm và đã nhận hối lộ, hưởng lợi số tiền là 7,1 tỷ đồng.

Bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi Nhận hối lộ với tổng số tiền là 40 tỷ đồng, hưởng lợi số tiền 8,5 tỷ đồng.

Minh Long