Báo chí nhà nước hôm 3/11 cho biết UBND quận 1 (TP.HCM) đang tổ chức lấy ý kiến người dân đối với phương án thiết kế, chỉnh trang công viên cảng Bạch Đằng và công viên Mê Linh (phường Bến Nghé).

duc thanh tran cong vien me linh
Tượng đài Trần Hưng Đạo trong khuôn viên công viên Mê Linh (quận 1, TP.HCM). (Ảnh: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/Shutterstock)

Theo đó, người dân có thể góp ý trực tiếp vào sổ góp ý tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận 1 (số 47 Lê Duẩn, phường Bến Nghé) trong khoảng thời gian từ ngày 1/11 đến hết ngày 5/11.

Trong đoạn phim giới thiệu phương án chỉnh trang công viên cảng Bạch Đằng kéo dài từ cầu Khánh Hội với điểm nhấn là Cột cờ Thủ Ngữ, chạy dọc bờ sông là mảng xanh và một số cầu tàu, nhà ga bến thủy nội địa.

Theo thiết kế, công viên Mê Linh được cải tạo, tăng thêm mảng xanh. Riêng tượng đài Trần Hưng Đạo có thêm lư hương đặt trước tượng phía đường Tôn Đức Thắng hướng ra sông Sài Gòn.

Trước đó, vào ngày 17/2/2019, UBND quận 1 đã thực hiện di chuyển lư hương trước tượng đài về Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định.

Bà Trần Kim Yến – Bí thư Quận ủy quận 1 cho rằng việc này “không có vấn đề gì, rất bình thường”, và giải thích việc chuyển lư hương là để “thờ cúng, dâng hương dâng hoa được thực hiện trang nghiêm hơn, đúng vị trí hơn”.

“Công viên không phải là nơi thờ phụng, mà việc thờ phụng này nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc hết sức bình thường. Mình đưa việc thờ phụng về đúng vị trí”, bà Yến nói.

Tuy nhiên, việc làm này của giới chức TP.HCM khiến dư luận bức xúc, vì cho rằng đã “vi phạm các nguyên tắc về kính lễ tổ tiên và anh hùng, liệt sĩ”.

Tượng Đức Thánh Trần ở quảng trường Mê Linh do họa sĩ Phạm Thông (1943-2016) tạo tác, được xây dựng từ năm 1966-1967. Đây là tượng đài Trần Hưng Đạo đầu tiên trên cả nước.

Tượng Trần Hưng Đạo cao gần 6m, đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao gần 10m, trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông và nói: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”.

Mỗi mặt tam giác đều có các bức phù điêu lớn màu gạch son, kể lại điển tích ba lần nước Đại Việt đánh đuổi quân Nguyên Mông….

Trước mặt chính tượng đài, hướng ra bờ sông Sài Gòn, ngay từ khi xây dựng đã có một lư hương to lớn, chạm khắc rồng, đặt uy nghi trên bệ riêng. Đây là nơi dâng hương, không thể thiếu để tưởng nhớ Đức Thánh trong các ngày lễ trọng và cho khách thập phương thăm viếng.

Ngọc Long

Xem thêm:

UBND quận 1 (TP.HCM) đề xuất chi 32,5 tỷ đồng cải tạo tượng và công viên Mê Linh