TP.HCM sẽ trở thành “Thủ đô sách thế giới”?
- Minh Long
- •
Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đề xuất TP.HCM đăng ký trở thành Thủ đô sách Thế giới vào năm 2025.
- TP.HCM dự kiến mở thêm 22 phố đi bộ ở khu trung tâm
- ĐBQH TP.HCM đề xuất ‘xây tượng đài’ vinh danh ngành y tế
- TP.HCM muốn thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe của vùng Đông Nam Á
Ngày 17/2, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết TP là “điểm sáng cho sự phát triển văn hóa đọc, là mô hình văn hóa đọc đầu tiên của cả nước hoạt động một cách hiệu quả”.
Theo đó, ông Thắng đề xuất TP.HCM đăng ký trở thành Thủ đô sách Thế giới vào năm 2025.
“Sở TT&TT TP.HCM sẽ nghiên cứu kỹ các tiêu chí”, ông Thắng nói.
“Chúng tôi rất ủng hộ sáng kiến đề nghị UNESCO công nhận TP.HCM trở thành thủ đô sách thế giới. Đây là một ý kiến rất tốt. Ban tuyên giáo chắc chắn ủng hộ. Sở hãy bàn với Ban tuyên giáo tỉnh ủy để đưa ra một đề xuất cụ thể, để xem cần làm gì, chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trần Thanh Lâm, cho hay, theo Zing News.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, việc đạt được danh hiệu thủ đô sách thế giới của TP.HCM là có khả năng, quan trọng hơn là hiệu quả và cách thức thực hiện của nó đối với ngành xuất bản.
Madrid (Tây Ban Nha) là thành phố đầu tiên được Đại hội đồng của UNESCO chọn là thủ đô sách thế giới. Năm nay và năm tới, danh hiệu này thuộc về thành phố Accra của Ghana và Strasbourg của Pháp.
Hiện TP.HCM có hơn 141 đơn vị phát hành sách, gần 1.000 cửa hàng sách tư nhân, 1.509 thư viện.
Từ năm 2015 đến năm 2021, bình quân mỗi năm, thành phố đã xuất bản, phát hành xấp xỉ 15.000 tựa sách với hơn 2 triệu bản và tăng dần theo mỗi năm, tốc độ gia tăng hàng năm khoảng 10%. Riêng trong năm 2022, hai nhà xuất bản của thành phố là Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt 2.632 tựa sách, tương đương hơn 5 triệu bản sách.
Theo số liệu của Sở TT&TT TP.HCM, năm 2022, ngành đã xuất bản 3.224 xuất bản phẩm điện tử, thu hút hơn 4 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 3,4 triệu bản sách được đọc), tăng 312% so với năm 2021.
Doanh thu toàn ngành xuất bản đạt gần 4.000 tỷ đồng
Theo Báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến hết năm 2022, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là hơn 38 nghìn xuất bản phẩm (tăng 15,42%) với gần 599 triệu bản (tăng 49,5%).
Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt hơn 32.000 cuốn (tăng 11,5%) với 540 triệu bản (tăng 54,2%); xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 xuất bản phẩm (tăng 45,6%) với ước tính khoảng 32,5 triệu bản (tăng 30%); xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại…) đạt hơn 2.000 xuất bản phẩm (tăng 48%) với 26,5 triệu bản (tăng 3,4%).
Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành xuất bản đạt gần 4 nghìn tỷ đồng (tăng 33,3%); nộp ngân sách hơn 414,8 tỷ đồng; lợi nhuận (sau thuế) đạt hơn 429 tỷ đồng. Trong đó, có 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng; Có 19/57 nhà xuất bản, chiếm 33,3% tổng số nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản và phát hành điện tử (tăng 72,7%).
Trong một diễn biến khác, trước đó, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định “sẽ kiên trì xây dựng TP.HCM thành trung tâm điều trị chuyên sâu một số lĩnh vực, trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả nước và vùng Đông Nam Á”.
Phát ngôn trên được ông Mãi nói tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 8 của HĐND TP khóa X, ngày 8/12/2022.
Cựu Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam bị bắt Ngày 13/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có quyết định khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Thái (SN 1962, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam), để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015. Ngoài ông Thái, còn 3 người khác cũng bị bắt, bị khởi tố. Cơ quan điều tra xác định ông Thái đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng 3 đồng phạm vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Hiện số tiền sai phạm chưa được tiết lộ. |
Minh Long
Từ khóa TP.HCM Thủ đô sách Thế giới