Dự kiến, TP.HCM sẽ thu phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh với mức 20.000-100.000 đồng/m2/tháng và dùng vỉa hè, lòng đường để giữ xe với giá từ 50.000-350.000 đồng/m2/tháng. Việc thu phí này có thể mang lại cho thành phố khoảng 1.522 tỷ đồng/năm.

tp hcm so gtvt de xuat thu phi long duong de giu xe cao nhat 350 000 dong m2 thang
TP.HCM sẽ thu phí thuê lòng đường và vỉa hè để kinh doanh, giữ xe hơi, xe máy, xe đạp với mức 20 – 350 nghìn đồng/m2/tháng. (Ảnh: vov.vn)

Truyền thông nhà nước đưa tin ngày 13/6, Sở GTVT TP.HCM đã trình dự thảo “Đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, hè phố tại TP.HCM”. Theo đó, mức thu phí thuê lòng đường để giữ xe được đề xuất khác nhau theo từng khu vực.

Cụ thể, khu vực 1 sẽ bao gồm các quận trung tâm thành phố như 1, 3, 4, 5,10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) với mức thu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh được đề xuất từ 50.000 – 100.000 đồng/m2/tháng. Mức thu sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ xe ôtô, xe máy, xe mô tô và xe đạp; sử dụng hè phố để trông giữ xe máy, xe mô tô và xe đạp từ 180.000 – 350.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 2 (Quận 2 cũ trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 6, 7 – trừ Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố – Quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân) có mức thu sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh từ 20.000 – 30.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe từ 70.000 – 100.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 3 gồm các quận 8, 9, 12, quận Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp và khu vực 4 gồm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi sẽ có mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 5 (huyện Cần Giờ), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.

Theo Sở này, việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể mang lại nguồn thu cho ngân sách thành phố khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm. Mức thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường ở TP.HCM như đề xuất trên được đánh giá là tương đương với Hà Nội và Đà Nẵng.

Số tiền này được Sở GTVT TP.HCM đề nghị nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố để duy tu bảo trì lòng đường, hè phố sau khi cấp một phần cho các quận, huyện làm nhiệm vụ thu phí.

Lý giải mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ cao hơn mức thu phí cho các hoạt động khác và các tuyến đường trung tâm cao hơn các tuyến đường còn lại, Sở này cho rằng việc đó nhằm hạn chế người dân gửi xe ở khu vực trung tâm, giúp giảm ùn tắc giao thông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng.

Sở GTVT cũng dự kiến đề xuất UBND TP.HCM xem xét trình Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua đề án, sớm ban hành áp dụng ngay trong năm 2023.

Theo Sở GTVT TP.HCM, vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Sở GTVT cho biết thành phố hiện nay có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên với chiều dài 1.716 km và 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,31 km.

Bảo Khánh