Triển lãm vì khoa học hay kiếm tiền trên thi thể người?
- Lê Trai
- •
Trải nghiệm về cái chết đến với tôi lần đầu năm 13 tuổi.
Ngày nghỉ lễ, bạn đuối nước khi qua sông. Sáng thứ 2, sân trường trùm màu tang thương. Những dãy hàng vẫn xếp thẳng tắp, dọc ngang, nhưng góc bạn đứng, hổng hoác, bơ vơ, vắng khôn cùng. Sớm hôm ấy, hơn 40 cô cậu học trò đứng chôn chân giữa sân trường khóc bạn. Mỗi người một nhành hoa trắng như thương gửi bạn tuổi 13.
Hơn hai chục năm trôi qua, tôi ngỡ ký ức đó đã vùi sâu. Nhưng tuần trước, trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, có người quen nhận ra tôi. Cô gợi lại ký ức cho tôi qua kỷ niệm về người bạn qua đời sớm đó. Chợt nhận ra sinh mệnh là vĩnh hằng, và trong không gian hạn hẹp này, chúng được lưu ghi lại trong ký ức của tất cả những người đang sống, lại sẵn sàng trở lại bất cứ khi nào ngay cả khi bạn tưởng đời sống của mình không còn liên hệ nào với việc đó nữa.
Sự yên nghỉ, trong một nghĩa rộng hơn, đó không chỉ ở việc một người được ra đi an nhiên, mà còn ở việc người sống giữ thái độ với sự ra đi đó như thế nào. Một cử chỉ nhỏ như ngả mũ khi một đám tang đi qua được mỗi thế hệ nhắc nhở, dạy bảo, bởi đó không chỉ đơn giản là việc tôn kính. Đó là sự trân quý một sinh mệnh đã đến, sống và góp một ý nghĩa trong nhân thế.
Hôm nay, tại Việt Nam, một cuộc triển lãm mang tên “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đang được diễn ra tại TP.HCM. Cuộc triển lãm làm nổi lên những luồng quan điểm trái chiều khi các “mẫu vật” là thi thể người thật, được lọc da, lóc tách mạch máu, gân, cơ…, cưa, xẻ, tạo dáng theo ý đồ. Thi thể phụ nữ đang mang thai, những bào thai còn nằm nguyên trong bụng hay trơ trọi trên mặt bàn; một cánh tay, một bàn chân, nửa khuôn mặt bên phải… Công nghệ nhựa hóa – làm khô thi thể – được quảng bá đã được sử dụng với những “mẫu vật” trên.
Những thảo luận đúng sai đang xoay quanh những giá trị về đạo đức, nhân tính và văn hóa. Yếu tố luật pháp được nhắc tới. Mục đích giáo dục, y khoa được viện dẫn.
Tuy nhiên, không một ý kiến nào phủ nhận những “mẫu vật” đó là những cơ thể người thật. Thực tế, chúng ta đang tranh cãi xem nên sử dụng những thi thể người thật kia như thế nào cho phù hợp mục đích và chuẩn mực của mỗi từng cá nhân.
Sinh mệnh có quyền lên tiếng. Nhưng sự câm lặng của những thi thể người khiến người ta tự cho mình quyền định đoạt cách hành xử với chúng. Nhưng nếu cho những sinh mệnh đó được lên tiếng, ai dám cam đoan việc sử dụng những thi thể này, lóc tách, nhựa hóa, trưng bày… là đúng với ý muốn của chính những con người đó hay không?
Tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong các nguyên tắc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, nguyên tắc tự nguyện được đặt lên hàng đầu: Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.
Lễ Tri ân (Macchabée) những người hiến tặng thi hài cho nghiên cứu, giảng dạy y khoa luôn được tổ chức bằng lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, từ giáo sư đầu ngành cho tới sinh viên y khoa. Họ gọi những người hiến tặng thi hài cho ngành y là “những người thầy không tên”. Trong một ngành khoa học động chạm nhiều nhất tới sự sống của con người, sự hiến tặng trở thành điều linh thiêng nhất. Và thi thể không vô tri. Không phải không có lý do khi nguyên tắc “Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học” chỉ được xếp thứ hai, sau nguyên tắc tự nguyện.
Nguyên tắc thứ ba: Không nhằm mục đích thương mại. Bởi, không ai có quyền định giá mạng người.
Nguyên tắc thứ tư: Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Điều này nhằm đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về thân thể và nguyên tắc tự nguyện của người hiến.
Việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác phải đảm bảo đủ 4 nguyên tắc trên. Đó là luật pháp được đặt ra để ràng buộc con người, giữ hành vi con người trong chuẩn mực đạo đức, văn hóa tối thiểu, để xã hội vận hành.
Theo thông tin hậu kiểm của Sở VH-TT TP.HCM – cơ quan cấp phép cho chương trình triển lãm, Sở nhận định các “mẫu vật” “là cơ thể người thật sau khi chết, hiến tạng cho khoa học và được nhựa hóa”. Thực tế, việc nhằm mục đích khoa học cũng phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, không khai thác thương mại. Ngay cả khi ngừng khai thác thương mại, việc đưa 137 “mẫu vật” cơ thể người thật vào mục đích khoa học cũng phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện của người hiến. Nguồn gốc thi thể cần được xác minh bằng đơn vị trung lập, thay vì chỉ dựa vào hồ sơ của đơn vị quản lý, bởi vì việc cố ý xâm phạm thi thể là một tội hình sự.
Sau thảm họa động đất và sóng thần 2004, người ta nhận ra sự mong manh của sự sống. Hiện tại, cả thế giới đang tập trung theo dõi cuộc giải cứu 13 thành viên của đội bóng tại Thái Lan. Hơn 1.000 người thuộc các lực lượng cứu hộ khác nhau đang chạy đua với thời gian để cứu 13 sinh mệnh. Một cựu biệt kích hải quân (SEAL) đã hy sinh. “Chúng tôi sẽ không để anh hy sinh vô ích“, đồng đội của anh tiễn biệt. Bài học Thái Lan cho ta biết trân quý một sinh mệnh không chỉ ở việc gìn giữ sự sống cho sinh mệnh đó, mà còn là sự biết ơn và nhắc nhớ ngay cả khi sự sống của cá nhân đó đã khép lại.
Nhưng hôm nay, tại Việt Nam, một cuộc triển lãm nội tạng và cơ thể người đang được diễn ra. Dù hiện tại chương trình đã được tạm ngừng, việc hủy bỏ hay vẫn chấp nhận để triển lãm diễn ra trong bất cứ khuôn khổ nào sẽ đều minh định vị trí của Việt Nam trong khía cạnh giá trị đạo đức.
Nhân chứng về tội ác không ở đâu xa. Nó nằm ở sự ung dung cắt xẻ thi thể người, nhựa hóa, tạo dáng, đóng dấu khoa học và đưa đi khắp thế giới trưng bày. Yếu tố khai thác thương mại chỉ tô đậm thêm tính tội ác ấy mà thôi.
Nguy hiểm hơn nữa, nó khiến con người trở nên mơ hồ về chuẩn mực đạo đức, tới tham gia triển lãm cũng là tham dự vào hành vi ác mà không tự biết. Đáng sợ nhất không phải là cái chết. Điều đáng sợ nhất là khi con người đánh mất tri giác của lòng thiện, trong lòng không còn sự thương cảm, bao dung.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa nhựa hóa cơ thể người triển lãm cơ thể người nhựa hóa nguồn gốc cơ thể triển lãm