Từ năm 2018, công dân có quyền yêu cầu cơ quan NN cung cấp thông tin
- Vĩnh Long
- •
Kết quả trưng cầu ý dân, quyết toán ngân sách, thông tin quy hoạch, giải phóng mặt bằng, kết luận về thanh tra, giám sát môi trường… là những thông tin Nhà nước có trách nhiệm cung cấp và công dân được quyền yêu cầu tiếp cận.
Được thông qua từ tháng 4/2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Theo quy định, có 15 loại thông tin phải được công khai rộng rãi. Trong đó, đáng chú ý là các thông tin như:
– Nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của người dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước được đưa ra lấy ý kiến theo quy định của pháp luật.
– Dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước.
– Danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.
– Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn.
– Kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động;
– Thông tin về nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân.
– Thông tin về thuế, phí, lệ phí. (…)
Các cơ quan nhà nước từ Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ… đến UBND cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, trừ các trường hợp sau:
– Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật (công dân được tiếp cận khi thông tin được giải mật).
– Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
Theo quy định, công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin đối với những thông tin không được cơ quan nhà nước công khai, đồng thời có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
Ngoài ra, công dân không được làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp và không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Theo đánh giá của ngành tư pháp, việc Quốc hội thông qua Luật tiếp cận thông tin là sự kiện pháp lý quan trọng trong 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2016.
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết Luật tiếp cận thông tin sẽ góp phần làm tăng tính minh bạch, giúp phòng và chống tham nhũng, góp phần nâng cao tri thức và thực hiện vai trò giám sát của tổ chức, cá nhân và các cơ quan chức năng đối với các cơ quan nhà nước.
Luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018.
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa Luật tiếp cận thông tin yêu cầu cơ quan NN cung cấp thông tin minh bạch thông tin Quyền tiếp cận thông tin của công dân