Ấn tượng Việt Nam: Tuần 24/7 – 30/7
- Minh Hợp
- •
Bãi xỉ lấn biển của Formosa được điều chỉnh quy hoạch diện tích xây dựng từ 281,6 ha xuống còn 143 ha, có khả năng lưu trữ hàng triệu m3 xỉ thải; Khu vực biển Bình Thuận được Bộ TN&MT cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát thải tiếp tục “nóng lên” khi Viện Hải dương học công bố kết quả khảo sát môi trường biển và UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị chưa cấp phép cho EVNGENCO 3 nhận chìm 2,4 triệu m3 vật chất nạo vét; Các vấn đề về đạo đức – xã hội: khủng hoảng niềm tin, bạo lực, sự thờ ơ, vô cảm,… tiếp tục là những vấn đề thời sự trong nước nổi bật tuần qua.
Formosa và bãi xỉ thải lấn biển 143ha có thể lưu trữ hàng triệu m3 xỉ thải
Sau sự kiện Formosa xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng 4 tỉnh miền Trung Việt Nam vào tháng 4/2016, các vấn đề về xả thải, quản lý xả thải, xử lý môi trường của công ty này luôn được báo chí và dư luận quan tâm. Mới đây, thông tin về bãi xỉ thải lấn biển của Formosa tại thị xã Kỳ Anh tiếp tục là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Theo Bộ TN&MT, từ năm 2008, dự án của Formosa ở thị xã Kỳ Anh được quy hoạch bãi xỉ thải lấn biển có diện tích 281,6 ha; sau đó được điều chỉnh xuống còn 143 ha (phần diện tích còn lại của bãi xỉ đang được hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi thành khu vực lưu giữ nguyên liệu sản xuất cho giai đoạn 2 của dự án).
Thông tin về các loại chất thải rắn được lưu giữ ở bãi xỉ thải lấn biển này, Bộ TN&MT cho biết ngoài các chất thải rắn như tro, xỉ, thạch cao, chất thải nguy hại, khi lò cao số 1 và các hạng mục công trình phụ trợ đi vào hoạt động, Formosa sẽ còn phát sinh một số loại chất thải rắn khác gồm: xỉ hạt lò cao, xỉ thép, vật liệu chịu lửa, bùn và bụi.
Theo Bộ TN&MT, khi lò cao số 1 đạt công suất thiết kế sẽ phát sinh khoảng 1,1 triệu tấn xỉ hạt lò cao/năm (hiện phát sinh khoảng 90.200 tấn/tháng) và 423.150 tấn xỉ thép/năm. Trong đó một phần xỉ hạt lò cao được xuất khẩu ra nước ngoài, khoảng 34.100 tấn xỉ thép/năm sẽ được lưu giữ tại bãi xỉ thải.
Bộ TN&MT cho hay hiện Formosa vẫn đang lưu giữ an toàn các loại chất thải rắn phát sinh trong khu vực lưu giữ của nhà máy theo yêu cầu của Bộ, chưa lưu giữ trong bãi xỉ lấn biển.
Ngày 30/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra thông cáo báo chí cho biết việc quy hoạch, xây dựng và quản lý, giám sát bãi xỉ lấn biển của Formosa tại Hà Tĩnh do Bộ TN&MT phối hợp với địa phương thực hiện là đúng quy trình, đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong sự kiện ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung tháng 4/2016, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh mới đây đã công bố 10 cán bộ có dấu hiệu vi phạm trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện một số nội dung liên quan đến Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương. Trong đó, 5 cán bộ có vi phạm phải xem xét, xử lý kỷ luật; 5 cán bộ còn lại có khuyết điểm, vi phạm (chưa đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật) nhưng phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Kiến nghị dừng việc nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển Bình Thuận
Hồ sơ khoa học dối trá liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Tuy Phong (Bình Thuận) khiến các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và dư luận tiếp tục phản đối việc cấp phép của Bộ TN&MT liên quan đến dự án này.
Theo kết quả khảo sát đánh giá hiện trạng khu vực biển xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) – nơi dự kiến nhận chìm bùn thải – được Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện và công bố, đáy vùng biển được cấp phép nhận chìm là vùng đáy mềm, bùn cát khá nghèo sinh vật đáy có kích thước lớn, có một số ít bụi rong, cua ký cư, ốc, huệ biển và có sự hiện diện của cả 4 nhóm động vật đáy gồm: giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác và da gai. Trong nhóm thân mềm có một mẫu thu được với kích thước nhỏ của loài móng tay – là loài được khai thác làm thực phẩm.
Ngày 25/7, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo về tình hình 6 tháng đầu năm 2017, trong đó có đề cập tới việc kiến nghị dừng dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét xuống biển Vĩnh Tân, đồng thời đề xuất thay bằng giải pháp lấn biển hoặc xuất khẩu.
Cùng với đó, Thường vụ tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản gửi đến Trung ương kiến nghị dừng cấp phép cho Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) nhận chìm 2,4 triệu m3 vật chất xuống vùng biển này, nên tìm phương án, giải pháp khác phù hợp hơn.
Theo EVNGENCO 3, khối lượng bùn cát được công ty xin nhận chìm thu được trong quá trình nạo vét luồng và vũng quay tàu để làm cảng 100 nghìn tấn để nhập than từ Indonesia và Úc cho các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Thủ tục của dự án đã được trình Bộ TN-MT và dự kiến EVNGENCO 3 sẽ thực hiện trong năm nay.
Khủng hoảng niềm tin trong xã hội – Khi bạo hành và sự thờ ơ, vô cảm ‘lên ngôi’
Câu chuyện về khủng hoảng niềm tin trong xã hội Việt Nam tiếp tục được nhắc tới khi hai người phụ nữ đi bán tăm bị hàng trăm người dân thôn Thái Phù, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) vây lại tra xét, xúc phạm, đánh đập vì nghi ngờ hai người bắt cóc trẻ em vào trưa ngày 22/7.
Mặc cho hai người phụ nữ đã van xin, giải thích và một số người dân can ngăn nhưng nhiều người là nam giới, nam thanh niên đã dùng tay chân đánh đấm thẳng vào người, vào mặt hai người phụ nữ và dùng những lời gay gắt thóa mạ khiến một người nằm ngất, một người chảy nhiều máu trên mặt mũi.
Hai người phụ nữ sau đó được xác minh đều là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội) và không phải là đối tượng bắt cóc trẻ em. Cả hai gia đình đều mong muốn cơ quan chức năng làm rõ những người hành hung, buộc họ trả lại danh dự cho hai chị.
Khủng hoảng niềm tin ở Việt Nam tiếp tục được nhắc tới qua mối quan hệ giữa chính quyền và người dân với câu chuyện về việc xin cấp giấy chứng tử cho bố đẻ bị cán bộ phường Văn Miếu (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) “làm khó” khiến gia đình phải lùi ngày làm tang lễ.
Câu chuyện của chị Vũ Thanh Hoa (ở phố Trần Quý Cáp, phường Văn Miếu) chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về việc gia đình chị phải đi lại nhiều lần để xin phường cấp giấy chứng tử cho bố cùng với thái độ làm việc, tiếp xúc không tôn trọng công dân của cán bộ phường phản ánh sự thờ ơ, vô cảm ở ngay chính những người công bộc gần gũi với người dân nhất. Câu chuyện còn để lại những hoài nghi về định nghĩa “văn hóa” và “vô văn hóa” trong ứng xử giữa các giao tiếp trong xã hội.
>> ‘Khủng hoảng niềm tin’ ở Việt Nam, đâu là gốc rễ?
“Khủng hoảng Đồng Tâm” tiếp tục đặt ra những nghi vấn về tính minh bạch trong quản lý, sở hữu đất đai của Việt Nam khi Thanh tra TP. Hà Nội tiếp tục khẳng định “không có đất nông nghiệp tại xứ đồng Sênh”.
Với kết luận “Không có diện tích 59 ha hoặc 49 ha đất mà ông Lê Đình Kình và một số công dân nêu, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng”, “khủng hoảng Đồng Tâm” sẽ tiếp tục được xử lý như thế nào?
Vụ việc trồng 1.000 cây keo để hoàn nguyên môi trường tại khu vực núi đá thuộc vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bị Lữ đoàn 170 Hải quân bạt một góc để phục vụ “công trình quốc phòng”; Máy bay quân sự gặp sự cố khi đang thực hành bay tại TP. Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) khiến nhiều nhà dân bị hư hại, cửa sổ, tường, cửa kính bị thủng, vỡ toang; Những ý kiến không đồng thuận trong vụ việc san ủi lăng mộ vợ vua Tự Đức làm bãi đỗ xe 17.000 m2,… tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.
Minh Hợp
Xem thêm:
Từ khóa Formosa Formosa Hà Tĩnh niềm tin xả thải Bình Thuận xã Đồng Tâm bắt cóc