Ủy ban Tư pháp đề nghị giải trình vụ ông Nguyễn Hữu Linh
- Hoàng Minh
- •
Ủy ban Tư pháp đã đề nghị các cơ quan chức năng giải trình về tiến độ xử lý vụ cựu Viện phó Viện KSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái.
Sáng nay 19/4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan để đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, Bà Nguyễn Thị Thủy – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã báo cáo các bộ, ngành về kết quả thực hiện kiến nghị và một số đánh giá của Nhóm nghiên cứu của Ủy ban. Đặc biệt, trong báo cáo, có vụ dâm ô của cựu Viện phó Viện KSND Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh.
Theo bà Thủy, vụ việc xảy ra từ ngày 2/4, đã có camera ghi lại hình ảnh, nhưng đến nay đã là ngày 19/4/2019 vẫn chưa có quyết định của Cơ quan điều tra.
Trong khi đó, theo Điều 147 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra phải ra một trong ba quyết định: Quyết định khởi tố vụ án; Quyết định không khởi tố vụ án; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh ở nhiều địa điểm thì mới có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng hoặc có thể gia hạn thêm 2 tháng nữa.
“Cử tri phản ánh việc giải quyết như vậy là chậm, trong khi vụ việc không phức tạp, không phải xác minh tại nhiều nơi. Nhiều ĐBQH đề nghị Bộ Công an giải trình ý kiến cử tri nêu liên quan đến tiến độ giải quyết tố giác, tin báo vụ việc này” – bà Thủy nói.
Một vụ việc khác cũng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là việc Đỗ Mạnh Hùng có hành vi dùng vũ lực, dùng tay giữ má nạn nhân để ép hôn trái ý muốn trong thang máy một chung cư tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vào ngày 4/3.
Khi giải quyết vụ việc, công an quận Thanh Xuân áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013NĐ-CP của Chính phủ xử phạt người vi phạm về hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu gẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác” với mức phạt là 200.000 đồng.
Việc biện pháp xử lý, này, cử tri phản ánh với hành vi nêu trên mà áp dụng quy định của Điều 5 Nghị định 167 “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu gẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác” là khiên cưỡng, không chính xác. Hành vi dùng vũ lực, dùng tay giữ má nạn nhân để ép hôn trái ý muốn thực chất là hành vi xâm hại tình dục, xâm hại đến thân thể của nạn nhân, không phải là “cử chỉ”. Mức xử phạt 200.000 đồng không có tính răn đe, gây bức xúc dư luận.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình ý kiến của cử tri liên quan đến tính chính xác của việc áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167 để xử lý hành vi trên và hướng đề xuất sửa đổi thời gian tới.
Về vấn đề này, ngày 23/3, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Công an rà soát, khẩn trương đề xuất sửa đổi các quy định của Nghị định 167 chưa đủ nghiêm khắc để bảo đảm răn đe.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Từ khóa Ủy ban Tư pháp Nguyễn Hữu Linh