Vết nứt dài 20 mét trên đèo Prenn: Chưa thể xác định nguyên nhân
- Minh Long
- •
Đèo Prenn ở Lâm Đồng vừa được nâng cấp, mở rộng với tổng mức đầu tư 553 tỷ đồng đã xuất hiện vết nứt dài hàng chục mét.
Chiều 29/7, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng cho hay đang phối hợp với đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các cơ quan liên quan để có báo cáo kết quả quan trắc hàng ngày và thường xuyên bố trí người ứng trực, theo dõi tình hình để đảm bảo an toàn giao thông tại đèo Prenn do đèo bị nứt cục bộ.
Ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, cho biết trên báo Thanh Niên rằng nguyên nhân của việc nứt này rất khó xác định.
“Để xác định nguyên nhân thì phải có quan trắc, nếu phát hiện tiếp tục nứt thì phải khoan hoặc đào xuống để kiểm tra, xem xét, đánh giá mới có hướng xử lý, chứ mới xuất hiện vậy thì khó nói được nguyên nhân gì. Chưa đào xuống thì chưa thể khẳng định được là do nước thấm hay nước ngầm hay đất sình, lún như thế nào”, ông Gia nói.
Cũng theo ông Gia, công trình này mới đánh giá đảm bảo an toàn giao thông và cho thông xe, giải quyết tạm thời vấn đề giao thông chứ công trình chưa đánh giá về mặt hồ sơ, thủ tục hay chất lượng gì cả nên chưa nghiệm thu, chưa bàn giao cho đơn vị nào quản lý. Kinh phí xử lý việc nứt này do nhà thầu chịu.
Trước đó, ngày 27/7, trong quá trình bảo trì tuyến đường đèo Prenn Đà Lạt, Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị thi công dự án) phát hiện một số vết rạn nứt cục bộ tại Km228+506 – Km228+530 (đầu đèo Prenn, hướng TP. Đà Lạt).
Vết nứt không sâu, có hướng đổ về phía ta luy âm. Vùng ảnh hưởng của vết nứt rộng khoảng 100m2, lún so với mặt đường chừng 3cm. Bề rộng vết nứt 0,5 – 1cm.
Tập đoàn Đèo Cả xác định thời gian qua có mưa liên tục với lượng lớn nên tại khu vực nói trên nước đã ngấm sâu xuống đất dưới nền đường khiến liên kết đất trở nên yếu, khả năng chịu lực cũng bị giảm.
Kết cấu đất tại khu vực là đất có hàm lượng sét cao, kết cấu địa chất yếu là nguyên nhân ban đầu gây ra hiện tượng nứt mặt đường.
Hiện đơn vị thi công đã dùng keo kháng nước trám lên vết nứt để hạn chế nước tiếp tục thấm sâu vào bên trong đường.
Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn có tổng mức đầu tư 553 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư. Đây là công trình giao thông cấp III miền núi, có chiều dài toàn tuyến khoảng 7,37km, điểm đầu tại cao tốc Liên Khương – Đà Lạt, chân đèo Prenn; điểm cuối tại nút giao vào bến xe Đà Lạt thuộc Quốc lộ 20.
Theo phương án thiết kế kỹ thuật, đèo Prenn có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 15,5m, mặt đường rộng 14,5m (bao gồm lề gia cố), dọc tuyến có thiết kế 1 cầu cạn cải tuyến. Dự án đã hoàn thành từ ngày 31/1/2024.
Mặt đường đèo từng bị bong tróc
Trước đó, tại Km 225+700 đến Km 225+950, mặt đường bê tông nhựa tại đèo bị bong tróc làm ảnh hưởng đến chất lượng của mặt đường, nghi “do hoá chất lạ”.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Lạt, tổ công tác trực tiếp quan sát, kiểm tra thực tế tại hiện trường ghi nhận tại địa điểm có hư hỏng như phản ánh nằm ở các đoạn đường cong có bán kính nhỏ, độ dốc dọc lớn nên khi các phương tiện xe ô tô tải trọng lớn đi qua các đoạn đường này với vận tốc cao làm một phần dầu từ bình chứa nhiên liệu bị rơi vãi xuống mặt đường. Do số lượng phương tiện lưu thông lớn và tình trạng diễn ra trong thời gian dài làm một số lượng lớn dầu đổ xuống mặt nhựa đường gây bong tróc mặt đường.
Như vậy, theo kết luận, việc bong tróc mặt đường đèo Prenn là do dầu nhớt từ xe ô tô tải trọng lớn, không phải do “hóa chất lạ”.
Từ khóa Lâm Đồng Đèo Prenn Sở GTVT Lâm Đồng