Việt Nam: Hơn 60% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp
- Hoàng Minh
- •
Thống kê cho biết trong số 13,4 triệu người cao tuổi tại Việt Nam, có tới 64,4% không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Tổ chức Hanns Seidel Foundation đã tổ chức tọa đàm công bố báo cáo quốc gia “Việt Nam với tư cách là một xã hội đang già hóa”, truyền thông nhà nước vừa đưa tin.
Theo TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, tốc độ già hóa của Việt Nam đang tăng rất nhanh.
“Nếu Thụy Điển mất 85 năm, Úc mất 73 năm dân số mới già hóa, thì Việt Nam mới chỉ có 25 năm dân số đã bắt đầu già hóa”, ông Quỳnh nói.
GS.TS Phạm Quang Minh, chủ biên của báo cáo nói trên, cho biết: “Từ năm 2015, tốc độ già hóa của Việt Nam tăng nhanh, vấn đề này đặc biệt nguy hiểm đối với một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế như Việt Nam, đòi hỏi về chính sách cần có những thay đổi để thích ứng với vấn đề này”.
Cũng theo ông Minh, người dân Việt Nam “chưa giàu đã già” vì đa số người cao tuổi mắc các bệnh không lây nhiễm. Do đó, nhu cầu các dịch vụ xã hội cần thiết cho người cao tuổi ngày càng tăng. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của các dịch vụ này còn khá hạn chế và không phải người cao tuổi nào cũng tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc xã hội.
Báo cáo chỉ ra 87 – 89% tỷ lệ các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm là ở người cao tuổi; người trên 60 tuổi từng chịu bạo hành cả vật chất và tinh thần ở Việt Nam là 16%. Có 36,5% tỉ lệ người ở nhóm 60 – 64 tuổi bị các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường; 70% tỷ lệ hộ nghèo của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Báo Vnexpress dẫn lời PGS Nguyễn Tuấn Anh, Phó khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho hay vấn đề đáng lo ngại nhất với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam là hiện phần lớn người cao tuổi đang phải làm việc để tạo thu nhập.
“Gần 46% người từ 60 đến 64 tuổi, gần 30% người từ 70 đến 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống”, ông nói.
Năm 2019, trong số 13,4 triệu người cao tuổi thì chỉ có 23,5% được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, 64,4% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp. “Nghĩa là những người này phải sống dựa vào con cháu, gia đình, họ hàng hoặc phải tiếp tục lao động để mưu sinh”, ông Tuấn Anh phân tích.
PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Xã hội học dự báo, giai đoạn đến năm 2035, cứ hai người trong độ tuổi lao động ở Việt Nam sẽ phải “gánh” không quá một người ngoài tuổi lao động. Nhưng sau năm 2035, dự báo cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải “gánh” 3 người.
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam nói: “Những tiến bộ về y tế, xã hội và kinh tế đã dẫn đến tuổi thọ tăng lên và mức sinh giảm đi, làm dịch chuyển sự phân bố dân số theo hướng già hóa trên toàn thế giới và Việt Nam không phải là một ngoại lệ.
Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam – một nền kinh tế mới nổi với quá trình già hóa dân số đang diễn ra và cuối cùng là một lực lượng dân số già? Đây thực sự là một câu hỏi lớn, cần được các bên liên quan, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu, khu vực tư nhân và các nhà hoạt động xã hội quan tâm, chú ý”.
Từ khóa già hoá dân số ở Việt Nam người già không có lương hưu