Trong 40 mỏ vàng được phát hiện, có 14 mỏ trung bình, 26 mỏ nhỏ, phân bổ tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An.

viet nam phat hien 40 mo vang voi tru luong gan 30 tan
Mỏ khai thác quặng bỏ hoang với làn nước xanh ngọc lam ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. (Ảnh: Scout901/shutterstock)

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố kết quả đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội” (đề án).

Ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản, cho biết thời gian thực hiện đề án kéo dài gần 8 năm.

Kết thúc vào năm 2024, đề án đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên 13.081 km2; thực hiện 498 lỗ khoan với tổng chiều sâu hơn 46.000 m, trong đó 90% lỗ khoan gặp thân quặng.

Đề án đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc-wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp… Trong đó, có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ.

Trong số các mỏ khoáng sản kim loại, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng.

Theo Thông tư số 60/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn, tài nguyên cấp 333 được khoanh định trong phạm vi cấu tạo địa chất thuận lợi cho thành tạo khoáng sản trên cơ sở xử lý, tổng hợp kết quả nghiên cứu địa vật lý, địa hóa – khoáng vật kết hợp với một số các công trình khoan, khai đào đơn lẻ.

Về mức độ đánh giá địa chất: Cấp tài nguyên 333 là phần tài nguyên được đánh giá, xác định sơ bộ về hình dạng, thế nằm, sự phân bố các thân khoáng. Chất lượng khoáng sản xác định theo kết quả lấy các mẫu ở các vết lộ tự nhiên, công trình địa chất hoặc ngoại suy theo tài liệu của phần kề cận có mức độ nghiên cứu địa chất chi tiết hơn.

Mức độ tin cậy địa chất của cấp tài nguyên tối thiểu đạt 20%.

Về mức độ đánh giá khả thi về kỹ thuật công nghệ và hiệu quả kinh tế: Cấp tài nguyên 333 là phần tài nguyên được đánh giá ở mức khái quát về khai thác nên chưa rõ việc khai thác, chế biến khoáng sản từ nguồn tài nguyên này có hiệu quả kinh tế hay có tiềm năng hiệu quả kinh tế.

Trong 40 mỏ vàng, có 14 mỏ trung bình, 26 mỏ nhỏ, phân bổ tại các tỉnh: Điện Biên (1), Lai Châu (5), Hà Giang và Yên Bái (2), Cao Bằng (3), Tuyên Quang (8), Lạng Sơn (3), Bắc Kạn (8), Sơn La (2), Thanh Hóa (4), Nghệ An (4). Khoáng sản đi kèm có bạc, đồng, antimon.

Cùng với đó, tại mỏ đồng ở Lùng Thàng (xã Bản Qua và Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), khoáng sản đi kèm có vàng; đã xác định được tài nguyên cấp 333 khoảng hơn 420 kg vàng.

Đề án cũng đã khoanh định 7 khu vực có triển vọng khoáng sản ẩn sâu, dự báo 15 diện tích phân bố đá magma có tiềm năng khoáng sản chiến lược; điều tra chi tiết 3 khu vực địa nhiệt ở Điện Biên, Lai Châu và Sơn La; phát hiện các di chỉ địa chất và cảnh quan địa mạo có giá trị.

Đề án đã hoàn thành bản đồ địa chất – khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 toàn khu vực Bắc Bộ và tỉnh Nghệ An, thu thập 14 bộ mẫu vật điển hình và bàn giao cho các tỉnh sử dụng.

Theo Báo cáo Tổng kết Chiến lược phát triển khoáng sản đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với hơn 5.000 điểm mỏ và khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau, bao gồm than đá, quặng sắt, titan, apatit, bauxite, và nhiều loại vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc khai thác không theo quy hoạch, trái phép hoặc vượt quá giới hạn cho phép đã dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Phần lớn các mỏ khai thác quy mô nhỏ sử dụng phương pháp thủ công hoặc bán cơ giới, dẫn đến hiệu suất thấp, lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chẳng hạn, trong khai thác titan, nhiều đơn vị chỉ tách ilmenite, còn lại bán thô zircon và monazite ra nước ngoài, không tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim, năm 2021.

Ngoài ra, khai thác bừa bãi gây ra xói mòn đất, phá hủy rừng, ô nhiễm nguồn nước và không khí. Các bãi thải không được quy hoạch hợp lý còn gây sạt lở, bồi lấp dòng chảy và ảnh hưởng đến đất canh tác.

Nhiều doanh nghiệp không kê khai đầy đủ sản lượng khai thác, dẫn đến thất thu thuế tài nguyên. Việc xuất khẩu khoáng sản thô, trái phép qua biên giới cũng làm giảm giá trị kinh tế mà tài nguyên mang lại, theo báo cáo về xuất khẩu khoáng sản năm 2023 của Tổng cục Hải quan Việt Nam…

Minh Long