Việt Nam sẽ có một lò phản ứng hạt nhân mới vào năm 2025
- Vĩnh Long
- •
Theo Viện nghiên cứu nguyên tử Việt Nam, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt công suất 0,5 MW chỉ có thể duy trì hoạt động đến khoảng năm 2028. Theo đó, cần một Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới cho ngành năng lượng nguyên tử của quốc gia.
Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân (CNEST) được xây dựng với sự giúp đỡ của Liên bang Nga, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nga dành cho Việt Nam (khoảng 500 triệu USD), gồm hai hợp phần dự án tại Đà Lạt và Hà Nội.
Trọng tâm dự án là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, có công suất dự kiến khoảng 15 MW, cao gấp 30 lần so với lò phản ứng hạt nhân hiện tại ở Đà Lạt.
Dự kiến trung tâm sẽ được đưa vào hoạt động vào thời điểm năm 2025.
Trước đó, vào ngày 23/5/2017 tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký Bản ghi nhớ giữa Thứ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Trần Việt Thanh và Tổng giám đốc Tập đoàn Nhà nước về Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (Rosatom) Alexey Likhachev dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Theo bản ghi nhớ, Việt Nam – Nga sẽ hợp tác triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân (CNEST) trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cần xây dựng CNEST để thay thế lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vì lò phản ứng hạt nhân này chỉ có thể hoạt động đến khoảng năm 2028, cũng là thời điểm vừa sử dụng hết số nhiên liệu hạt nhân hiện có (nhiên liệu của Liên bang Nga). Ngoài ra, lúc đó lò phản ứng này sẽ gần 70 năm tuổi thọ, sẽ là một trong các lò phản ứng có tuổi thọ cao nhất của thế giới.
Viện trưởng Viện nghiên cứu nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành cho biết trong dự án điện hạt nhân, do công nghệ đã được chuẩn hóa, nên việc khó nhất chính là xây dựng, thiết kế lò hạt nhân sử dụng được lâu dài, cấu hình phải đạt được mục tiêu nghiên cứu, sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế.
Cũng theo ông Thành, ngoài đạt được mục tiêu phục vụ nghiên cứu, lò hạt nhân còn phải sản xuất các đồng vị phóng xạ phục vụ cho ngành y tế. Hiện nay, lò hạt nhân ở Đà Lạt mới đáp ứng được 30% đồng vị phóng xạ cho các bệnh viện ở Việt Nam. Khi lò mới hoạt động có thể đáp ứng 100% lượng đồng vị phóng xạ cho y tế.
Cuối năm 2016, Quốc hội thông qua Nghị quyết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với 92% phiếu thuận – dù một số hạng mục của dự án đã được triển khai. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc dừng dự án không phải với lý do công nghệ, an toàn mà do điều kiện kinh tế, Việt Nam cần nguồn vốn lớn cho các dự án trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao, tuyến đường ven biển, hay sân bay Long Thành… Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho biết dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hợp lý, đúng lúc vì nợ công đang quá trần, nếu không sẽ còn tiêu tốn nữa. Theo công bố, từ nay đến 2030, Việt Nam sẽ xem xét đầu tư thay thế các nhà máy điện hạt nhân bằng các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí với tổng công suất 6.000 MW. |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa ninh thuận Đà Lạt Điện hạt nhân