Việt Nam sẽ sớm mở đường bay thương mại tới Nhật, Hàn?
- Nguyễn Quân
- •
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa ra yêu cầu công an và chính quyền tăng cường hỗ trợ việc quản lý, giám sát cách ly, trong khi các cơ quan khác nhanh chóng mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc… Trước mắt, từ ngày 1/9, Việt Nam sẽ thu phí với tất cả các trường hợp nhập cảnh.
Thông tin do Văn phòng Chính phủ công bố tại thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp hôm 27/8. Ông Phúc yêu cầu xử lý ngay việc mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao…, trước mắt thực hiện chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Phúc đồng ý cho các nhân sự cấp cao của doanh nghiệp Hàn Quốc cũng như các nhà đầu tư có nhu cầu được nhập cảnh, công tác ngắn ngày.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến bay đón công dân Việt Nam, cho các chuyên gia, lao động tay nghề cao nhập cảnh; yêu cầu vừa đảm bảo an toàn vừa phải giảm bớt khâu trung gian.
Từ ngày 1/9, Việt Nam sẽ thu phí với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly; chi phí khám chữa bệnh do ngân sách nhà nước chi trả.
Đề xuất gói hỗ trợ lần 2 sẽ tiếp tục được nghiên cứu, đưa ra để Chính phủ xem xét.
Ngoài ra, ông Phúc yêu cầu Bộ Công an khởi tố các trường hợp nhập cảnh trái phép, các cá nhân, tổ chức, đường dây, cơ sở lưu trú đưa người hoặc tiếp nhận trường hợp nhập cảnh trái phép theo quy định; UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh biên giới phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ nhập cảnh tại khu vực biên giới, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép.
Lo dịch là một chuyện, nhưng lo nhất là thu nhập của người lao động, thất nghiệp tràn lan có thể xảy ra, ông Phúc thừa nhận. Chính quyền các tỉnh, thành phố được yêu cầu có phương án cụ thể để phát triển sản xuất kinh doanh; trường hợp phát hiện có ổ dịch mới thì thực hiện giãn cách xã hội trong phạm vi cần thiết.
Các quy định như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung quá đông người khi không cần thiết vẫn được áp dụng. Ngành y tế được yêu cầu nhanh chóng nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị, tăng hợp tác với nước ngoài, trước hết với các quốc gia có kết quả nghiên cứu vaccine ban đầu.
Từ sáng 30/8 đến sáng 31/8, Việt Nam chưa ghi nhận có ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) mới. Sau hơn một tháng từ đợt tái bùng phát dịch (từ ngày 25/7), số ca nhiễm trong cộng đồng tăng thêm 550 ca, 32 ca tử vong cũng được ghi nhận trong đợt này. Đến hôm 28/8, ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết cơ bản đã đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, cũng tại buổi họp này, ông Long cho biết các chuyên gia y tế xác định mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng. Sẽ có những đợt dịch mới nếu mọi người mất cảnh giác. Dịch bệnh sẽ tồn tại trong thời gian dài nữa, việc phòng ngừa dịch cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời gian trước, gấp đôi, gấp ba so với những gì ngành y tế đã làm.
Đáng chú ý, ông Long lưu ý các tỉnh, thành phải luôn chuẩn bị cho kịch bản xảy ra dịch bệnh, đặc biệt tại các địa điểm nguy cơ cao (cơ sở y tế, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người…). Tuyệt đối không để người đang đợi kết quả xét nghiệm lần 2 đã được ra khỏi khu cách ly tập trung. Người nào kết thúc 14 ngày cách ly tập trung phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà trong 14 ngày.
Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu tăng cường bảo vệ nhân viên y tế, các bệnh viện phải lấy mẫu xét nghiệm nhân viên y tế tại các khoa “điểm yếu” như cấp cứu, hồi sức, khám bệnh, thận nhân tạo… vì đây là nguồn lây bắc cầu.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa lao động xuất khẩu Việt Nam COVID-19 mở đường bay thương mại thu phí cách ly dịch COVID-19