Thủy điện Hòa Bình hiện hữu đã và đang gây nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân, đến môi trường sinh thái… nhưng giới chức Việt Nam vẫn tiếp tục xây Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng trị giá 9.220 tỷ đồng.

thủy điện Hòa Bình
Thủy điện Hòa Bình. (Ảnh: Khánh Minh)

Truyền thông nhà nước cho biết giới hữu trách tại Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng vào hôm 10/1.

Công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Tư vấn thiết kế dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1. Tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp chính của dự án là liên danh các đơn vị: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) – Công ty cổ phần xây dựng 47 – Công ty cổ phần Lilama 10.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.220 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% và 70% còn lại bao gồm: nguồn vốn vay thương mại trong nước 4.000 tỷ đồng do Ngân hàng Vietcombank thu xếp và vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ 70 triệu euro của Cơ quan Phát triển Pháp (AfD).

Dự án có tổng công suất 480 MW, bao gồm hai tổ máy, mỗi tổ công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kW giờ/năm.

Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 dự án sẽ phát điện vào quý III/2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV/2024.

Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha, trong đó 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.

Về vị trí, dự án nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy thuộc phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình; sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy.

Những hệ lụy từ nhà máy thủy điện Hòa Bình

Thủy điện Hòa Bình là một trong 5 công trình thủy điện nằm trong hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà (gồm: thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, thủy điện Bản Chát và thủy điện Huội Khoảng).

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình do Liên Xô (cũ) thiết kế và cung cấp thiết bị, khởi công xây dựng 6/11/1979, khánh thành 20/12/1994, với dung tích hồ Hòa Bình hơn 9 tỷ mét khối nước, có công suất 1.920 MW. Trong quá trình xây dựng, công trình này đã cướp đi sinh mạng của 168 người.

Theo một tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên Môi trường biển Việt Nam, sau khi đắp đập, tác động của hồ chứa Hòa Bình đã làm giảm đi khoảng 50% lượng bùn cát hàng năm đưa ra 9 cửa sông là Nam Triệu, Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Trà Lý, Ba Lạt, Ninh Cơ và Cửa Đáy. Do thiếu hụt lượng phù sa bồi đắp cộng với việc thay đổi dòng chảy, sau đắp đập Hòa Bình, xói lở vùng cửa sông đã tăng cao hơn gấp 2 lần.

Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định các đập chứa thượng nguồn đã làm giảm quỹ dinh dưỡng các dạng khác nhau của N (nitơ) và P (phốt-pho) trên các vùng cửa sông ven bờ Bắc Bộ, trung bình giảm khoảng 32 – 44% so với trước khi đắp các đập chứa thượng nguồn.

Sự suy giảm hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước đã làm giảm đi nguồn lợi thủy sản vùng hạ du cũng như làm thay đổi môi trường sống của không ít loài sống trong môi trường nước lợ cửa sông. Nhiều loài thủy sản quý, nổi tiếng xưa kia của sông Hồng, Sông Đà nay đã gần như tuyệt chủng.

“Chưa kể đến một lượng lớn rừng đầu nguồn bị phá hủy để làm thủy điện, những số liệu quan trọng trên cho thấy thủy điện không phải nguồn năng lượng xanh, sạch như người ta lầm tưởng mà nó đang trực tiếp hoặc gián tiếp để lại những hệ lụy đáng lo ngại tới môi trường tự nhiên và hệ sinh thái. Điều này càng khẳng định sự đúng đắn của chúng ta khi cho tạm dừng hàng loạt các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước. Trong tương lai, việc hạn chế và đi tới chấm dứt xây mới những đập thủy điện là điều cần phải tính tới khi Việt Nam đang hướng đến phát triển năng lượng xanh, bền vững”, nghiên cứu cho biết.

GS.TS Đào Trọng Tứ, giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), Hội Tưới tiêu Việt Nam cho biết trên tờ Lao động: “Việc người dân phải liên tục chịu những đợt lũ mà thuỷ điện gây ra chỉ là trước mắt, nghiêm trọng hơn là nguy cơ vỡ đập thuỷ điện liên hoàn thì chưa ai và chưa có thuỷ điện nào công bố kịch bản. Hiện hàng nghìn công trình thủy điện trên cả nước đều chưa có một kịch bản vỡ đập nào hoàn thiện. Đặt giả thiết nếu xảy ra vỡ đập với một trong những hệ thống thủy điện bậc thang thì sẽ là thảm hoạ đối với người dân hạ du”.

5 thuy dien he thong song da
5 công trình thủy điện nằm trong hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà, gồm: thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, thủy điện Bản Chát và thủy điện Huội Khoảng. Theo GS.TS Đào Trọng Tứ, giả thiết nếu xảy ra vỡ đập với một trong những hệ thống thủy điện bậc thang thì sẽ là thảm hoạ đối với người dân hạ du. (Ảnh: google-maps)

“Nếu vỡ đập thuỷ điện Hoà Bình thì toàn bộ 6 tỉnh đồng bằng Bắc bộ ven sông Hồng sẽ bị cuốn trôi ra biển chỉ trong một ngày. Và Hà Nội sẽ ngập dưới 30 mét nước tính từ chỗ cao nhất của nhà ga Hàng Cỏ”, tờ báo viết.

Ngoài ra, tờ báo cũng dẫn lại lời ông Nguyễn Văn Khá, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội Việt Nam khi nhận định về dự án thủy điện Sơn La vào năm 2002, rằng: “Nếu đập Sơn La vỡ, chiếc xe tăng 40 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng. Sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ chìm sâu 4-60m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người”.

Hồi tháng 10/2017, báo chí Việt Nam cho biết hồ thủy điện Hòa Bình phải mở cấp tập tới 8 cửa xả đáy sau nhiều đợt mưa lớn kéo dài làm nước dâng cao hơn giới hạn cho phép gần 5 mét và đạt mức 117/mức tối đa cho phép 120m.

Đợt xả lũ này đã gây ra 244 sự cố trên hệ thống đê điều chạy qua 13 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa…, với tổng chiều dài vị trí đê bị hư hỏng hơn 90km.

thủy điện Hòa Bình, cá lồng chết
Thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến cá chết, người dân chịu thiệt hại nặng nề. (Ảnh: phutho.gov.vn)

Tính riêng TP. Hà Nội, việc xả lũ khẩn cấp hồ thủy điện Hòa Bình đã gây ra 35 sự cố đê điều trên hệ thống đê sông Hồng, sông Đà, thiệt hại nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, rau màu, cây trồng cạn của người dân các địa phương ven sông như: Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm, Long Biên…

Trong đợt xả lũ này, có khoảng 170 tấn cá lồng bè của dân chết, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.

Hoàng Minh (t/h)