Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, các bác sĩ, giám định viên tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã bán kết quả giám định pháp y “theo nhu cầu”, mức giá đôi khi chỉ vài chục triệu đồng.

ong phan manh truong
Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự trả lời trong cuộc họp báo chiều 26/12. (Ảnh: bocongan.vn)

Tại buổi họp báo của Bộ Công an diễn ra chiều ngày 26/12, câu hỏi về tiến độ điều tra vụ án tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) được báo chí đặt ra.

Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết vụ việc bị phát giác từ việc một số bệnh nhân đang điều trị bắt buộc tại các cơ sở của các viện pháp y và bệnh viện tâm thần được ra ngoài và sau đó tiếp tục có hành vi phạm tội.

Kể từ khi khởi tố vụ án, ngày 23/6, tới nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 16 người về các tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ, gồm 12 người là viện trưởng, nguyên viện trưởng, phó viện trưởng và các giám định viên của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa và 4 người ngoài viện.

Thiếu tướng Trường cho biết theo tiến độ điều tra mở rộng, sắp tới sẽ khởi tố 25 người nữa về 3 hành vi nêu trên, đồng thời còn có thêm hành vi khác như lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Ông này cho biết thêm Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao củng cố tài liệu, sớm ban hành kết luận điều tra.

Vẫn theo thiếu tướng Trường, giám định pháp y là lĩnh vực chuyên sâu. Trong lĩnh vực giám định pháp y, cả nước chỉ có 2 viện và 5 trung tâm giám định pháp y tâm thần với chưa đến 50 giám định viên.

Trong khi đó, trên thực tế, các giám định viên tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong một thời gian rất dài. Điều này để lại hậu quả lớn cho xã hội, làm méo mó vấn đề thực thi pháp luật.

“Nhiều đối tượng được đi chữa bệnh bắt buộc sau đó được ra ngoài gây án. Có vụ án ở TP.HCM, đối tượng liên quan án ma túy, bị kết án tử hình cũng được ra ngoài”, tướng Trường nói.

Ngoài hành vi nhận hối lộ để làm hồ sơ bệnh án, kết luận giám định pháp y tâm thần cho các đối tượng, lãnh đạo Viện, lãnh đạo các khoa, phòng và bác sĩ điều trị tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có hành vi nhận tiền cho 40 người thuộc diện điều trị bắt buộc tại đây được về thăm gia đình, đi khám bệnh bên ngoài… sai quy định hơn 60 lần.

Căn nguyên do đâu?

Thiếu tướng Phan Mạnh Trường cho hay qua điều tra vụ án đến nay, cơ quan điều tra xác định các đối tượng đã lợi dụng vào chính sách pháp luật của Nhà nước trong miễn giảm trách nhiệm hình sự với những người có bệnh án tâm thần, từ đó móc nối với một số lãnh đạo, bác sĩ, giám định viên Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa để làm hồ sơ, bệnh án, điều trị tâm thần và giám định pháp y tâm thần.

Các hồ sơ giám định tâm thần được “đặt hàng” ở mức bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nhằm được miễn, giảm nhẹ hình phạt hoặc không phải đi chấp hành án phạt tù. Trong số này, có cả những đối tượng phạm tội về ma túy với khung hình phạt tử hình.

Trong khi đó, các bác sĩ, giám định viên tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà có hành vi nhận tiền để ghi các chẩn đoán tình trạng bệnh tâm thần cho các đối tượng theo ý thức chủ quan (không căn cứ vào tiêu chí mà Bộ Y tế đưa ra); đưa ra nhận xét, đánh giá không khách quan, theo hướng có lợi cho các đối tượng giám định pháp y tâm thần trong quá trình tham gia hội đồng giám định pháp y tâm thần.

Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, việc này là do có một số lỗ hổng trong quá trình khám bệnh, giám định pháp y tâm thần và điều trị bệnh bắt buộc cho các đối tượng tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, do sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, không kiểm tra, giám sát thường xuyên của lãnh đạo các cấp và các đơn vị thanh, kiểm tra có liên quan.

Lãnh đạo các cấp của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa không gương mẫu, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khám bệnh, giám định pháp y tâm thần của bác sĩ, giám định viên mà còn có hành vi tham gia cùng thực hiện hành vi vi phạm.

“Thậm chí, có thể nói, tình trạng này đã diễn ra rất phổ biến. Đôi khi có trường hợp giám định tâm thần chỉ mất vài chục triệu đồng là có thể giám định theo nhu cầu mong muốn”, Thiếu tướng Trường nói thêm, thậm chí camera giám sát các bệnh nhân trong bệnh viện không đầy đủ.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết từ công tác quản lý thanh tra giám sát không hiệu quả nên sai phạm xảy ra trong thời gian dài, trong nhiều giai đoạn, liên quan nhiều thế hệ của lãnh đạo viện.

Nguyễn Sơn