Vụ án tại Yên Bái – Sự vô tình của cái ác
- LÊ TRAI
- •
Không như nhiều vụ án mạng khác, vụ nổ súng tại Yên Bái gây nên phản ứng không như lẽ thường trong công luận. Cái ác và sự hả hê trước cái ác, vì một lý do nào đó, bất chợt lại song hành.
Ngày 11/9/2001, Tòa tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới của Mỹ bị một nhóm không tặc lái hai phi cơ đâm thẳng vào. Tổng số 2.996 người thiệt mạng (tính cả 19 kẻ khủng bố); 24 người liệt kê mất tích xem như đã chết.
Vụ khủng bố nhắm vào nước Mỹ như phát đi thông điệp rằng thủ phủ an ninh của toàn thế giới đã thất thủ; không một nơi nào là an toàn. Giữa khi bóng đen “khủng bố” tràn ngập thế giới, có một đoàn đại biểu nhà báo Trung Quốc khi đó đang làm việc tại Mỹ. Khi nhìn thấy tháp đôi bị đâm trúng, nhóm ký giả này đã vỗ tay hoan hô. Câu chuyện do Thượng tướng Lưu Á Châu – Chính ủy ĐH Quốc phòng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc kể lại.
Cũng ông Lưu cho hay, trước đó vài tháng, một nhóm người Phúc Kiến trốn trong xe chở động vật từ eo biển Dover vượt biên vào Anh. Giấc mơ phương Tây mà mỗi người phải trả hàng ngàn USD khiến 58 người chết vì ngạt khí. Trong 60 người, chỉ 2 người sống sót.
Sau khi vụ việc được công bố, Đại sứ quán Trung Quốc không có lấy một người ra mặt. Cuối cùng, người dân Anh ở Dover phải đứng ra cử hành đám tang và truy điệu những người thiệt mạng. Rất nhiều trẻ em tới tham gia, trong tay chúng cầm đồ chơi do Trung Quốc sản xuất. Khi phóng viên hỏi các em nhỏ: “Vì sao các cháu tới tham gia lễ truy điệu?”, đám trẻ trả lời: “Vì họ cũng là người. Đồ chơi mà chúng cháu cầm trong tay có thể do một trong số họ góp phần làm ra”. Trong lễ truy điệu ấy không có một người Trung Quốc nào.
Hai câu chuyện bộc lộ hai thái độ của người Trung Quốc, một trước những người ngoại quốc và một với chính đồng bào của mình.
Hai câu chuyện cho thấy không có ranh giới cho cái thiện và ác. Không có biên giới cho điều nhẫn tâm. Nhưng nếu như trong câu chuyện thứ nhất, tiếng vỗ tay biến những người vô can thành đồng lõa với tội ác, thì sự im lìm lãnh đạm trong câu chuyện thứ hai thậm chí còn đáng sợ hơn. Nó lặng lẽ thừa nhận tình người đã chết trong cộng đồng ấy.
Không còn tình thương giữa những người đồng huyết, không còn niềm tin vào sự kết nối dân tộc. Sự im lìm của từ người dân tới đại diện lãnh sự quán đối với cái chết của những người đồng hương cho thấy nội hàm nhân văn của một dân tộc đã chết dù người dân của dân tộc ấy vẫn đang sống.
Những ngày vừa qua, cộng đồng người Việt cũng vừa trải qua một phép đo về tình người. Ngày 18/8, xảy ra vụ án mạng khiến cả 3 người: Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch HĐND tỉnh, kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đều tử vong, trong đó, nghi phạm chính là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh được cho là đã dùng súng bắn cả hai người kia trước khi tự sát.
Vụ án đã được khép lại với lý do nghi phạm đã chết nên không thể khởi tố vụ án, không thể khởi tố bị can, theo Luật Tố tụng hình sự, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái công bố tại buổi chiều cùng ngày. Quyết định này tới tối cùng ngày có sự thay đổi.
Nhưng những ý kiến trong công chúng thì vẫn chưa dừng lại.
Không như nhiều vụ án mạng khác, vụ nổ súng tại Yên Bái gây nên phản ứng không như lẽ thường trong công luận. Các ý kiến hầu như xoay quanh những phỏng đoán về tìm hiểu động cơ gây án, thay vì lên án hành vi giết người hay quan tâm tới dấu hiệu bế tắc đến cùng đường của nghi án tự sát của nghi phạm.
“Bắn hay lắm” – sự cảm thán trong phần đa dân chúng trên mạng xã hội Facebook không thể không gợi nhắc tới sự hồ hởi của những tướng tá trong quân đội Trung Quốc trước sự kiện 11/9. Một số lãnh đạo thuộc Không quân Bắc Kinh, khi được hỏi cách nhìn của họ về sự kiện 11/9, tất cả đều nói: “Nổ rất hay”.
Nếu gạt đi lớp phủ bề mặt, là hung khí là một khẩu súng có đăng ký và cả nạn nhân lẫn nghi phạm đều giữ những chức vụ đứng đầu tỉnh, đứng đầu cục, thì cái lõi con người trong vụ án này là gì? Là việc ba người bị chết thảm, trong đó nghi phạm chính được cho là tự sát.
Những xem xét về lịch sử quan trường của ba cá nhân, phủ lên những dò xét về nhân cách của nghi phạm, những phỏng đoán sự việc theo diễn biến tâm lý của nghi phạm tại hiện trường… dù tất cả còn bỏ ngỏ, thì chúng dường như đều không xuất phát từ cái lõi con người của vụ án. Chúng xuất phát từ một mặc định căn bản rằng: các cá nhân ấy đều (cần) phải chết.
Những bình luận dường như ngầm thống nhất với nhau rằng, đã tới lúc họ (cần) phải chết, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Và yếu tố “nồi da xáo thịt” trong vụ án liên quan tới giới chức trong chính quyền khiến sự hả hê trước cái ác còn đậm nét hơn cả.
Ngược lại dòng lịch sử, Đại Việt triều vua Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi lấy đức nhân hiếu là cái gốc của mọi người. Trong “Bình Ngô đại cáo” bố cáo với cả nước về việc chiến thắng quân Minh, ông viết dòng mở đầu:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo” (Bản dịch của Trần Trọng Kim).
Ý rằng việc trượng nghĩa chính là làm lòng dân an, làm lòng dân an mới là gốc, còn chiến tranh chỉ vì để chống lại sự xâm lăng mà thôi, là việc bất khả kháng. Nhà chính trị, nhà bác học lỗi lạc của dân tộc chủ trương là hiếu hòa, lấy đạo nghĩa, lấy dân làm gốc.
Kể lại điển tích lịch sử để thấy rằng, cái ác và sự hả hê trước cái ác không nằm trong mạch chảy nhân nghĩa truyền thống của con người. Gốc của đạo lý nằm ở lòng nhân, chữ hiếu. Quan hệ giữa người và người, dù là vua-tôi hay anh-em thì đầu tiên luôn phải lấy “nhân” làm trọng. Sức mạnh của lòng từ tâm đủ sức để cảm hóa lòng người, trừ được cảnh “điếu phạt” khổ ai.
Những dịch chuyển thời đại khiến thời nay, cái ác và sự hả hê với cái ác lại dần được hình thành, dung dưỡng. Nó biểu hiện từ những trang sách giáo khoa với tư duy “thắng-thua”, “ta-địch”, lấy việc điếm xác máy bay, số người chết làm bằng cho thắng lợi. Không những tư duy kẻ mạnh thắng yếu trở thành “bình thường”, mà tâm lý phải đánh thắng, phải trả thù lại được mặc định thành điều tự nhiên.
Vì cái ác được dung dưỡng, nên “mạng chó” bị đòi bằng “mạng người”. Bạo lực và sự tôn thờ vật chất lên ngôi khiến những việc con giết cha mẹ để đòi nhà lại có thể tồn tại. Bạo lực và tranh cướp không từ nơi linh thiêng, từ tục “chém lợn khao quân” đến biến tướng cướp ấn, tranh lộc…
Trên bình diện rộng hơn, chân lý “kẻ mạnh” khiến xã hội bị phân chia lệch lạc giữa người có quyền và người yếu thế, giữa đấu tranh và bị trị. Người có quyền “có quyền” “dạy dỗ” phần còn lại của xã hội. Trong khi phần còn lại của xã hội không ngừng căm phẫn nhưng cũng luôn tìm cách để lọt được vào giới bên kia.
Tới nay, trong sự việc tại Yên Bái, cái ác tiếp tục xảy ra. Nhưng sự hả hê trước cái ác cũng đã không còn cần giấu giếm.
Chúng cảnh báo điều gì? Có người nói: ‘Đừng để quỷ sa tăng biến ta thành quỷ sa tăng’, ý nói sau cơn hận thù thì linh hồn đã thuộc về quỷ dữ. Sự giận dữ của phần đông dư luận trước những nạn nhân của vụ án được cho là bắt nguồn từ sự tức giận trước những cái sai, cái ác được tạo ra bởi bộ máy công quyền. Nhưng sự sai phạm của các cá nhân, nếu có, cần được phân xử bằng pháp luật. Còn hành vi giết người hay cổ vũ cho sự giết người cũng nhất định không được bảo vệ bằng luật pháp.
Sức mạnh thay đổi xã hội không nằm ở sự hả hê với cái ác. Chúng nằm ở việc lý trí để nhận ra rõ ranh giới giữa thiện và ác, giữa giả và chân, ngay cả khi đang đấu tranh để đòi quyền tự do, đòi quyền sống.
Mahatma Gandhi từng nói: “Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân“. Chúng không nằm ở lòng thù hận. Đó mới là gieo mầm nhân quả cho lòng nhân văn của một dân tộc, một quốc gia.
Sự giận dữ có thể làm anh no trong một giờ, nhưng không thể dựa vào cả một buổi tối; sự kéo dài của nỗi giận trở thành thù hận, sự kéo dài của thù hận trở thành ác tâm. – Francis Quarles
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa sự vô cảm của người Việt án mạng Yên Bái Sự vô tình của cái ác sự vô cảm nổ súng tại Yên Bái