Các luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa xét xử 29 người dân Đồng Tâm trong sáng nay, đã có đơn khiếu nại chủ tọa phiên tòa là ông Trương Việt Toàn, vì ông này tuyên bố “việc tiếp xúc giữa Luật sư và bị cáo tại phiên tòa là KHÔNG CẦN THIẾT”.

phien toa dong tam
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, sáng 7/9/2020. (Ảnh: FB Luật sư Nguyễn Văn Quynh)

Sáng nay hôm 7/9, tòa Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm 29 người dân Đồng Tâm vụ án Giết người và Chống người thi hành công vụ xảy ra vào rạng sáng 9/1/2020, tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Trong 29 bị cáo, 25 người bị truy tố tội Giết người với khung hình phạt từ 12 năm tù đến án tử hình. 4 người cáo buộc phạm tội Chống người thi hành công vụ, khung hình phạt từ 2-7 năm tù.

Có 33 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa, gồm các luật sư do bị cáo, gia đình bị cáo mời và các luật sư do tòa án chỉ định bào chữa.

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Trương Việt Toàn.

Lúc 11h11, ông Toàn tuyên bố kết thúc phần thủ tục phiên tòa.

Đáng chú ý, trong phiên làm việc sáng nay, các luật sư bào chữa cho bị cáo đã có đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND TP. Hà Nội về việc, Chủ tọa phiên tòa là ông Trương Việt Toàn đã có hành vi tố tụng trái pháp luật.

Theo đơn, trong thời gian HĐXX hội ý (từ 10h10 đến 11h05), lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa đã ngăn cản các luật sư tiếp xúc với các bị cáo do mình bào chữa.

Sau khi tiếp tục phiên tòa, Luật sư Đặng Đình Mạnh có đề nghị HĐXX cần phải thông báo rõ về việc: “Các luật sư có quyền tiếp xúc với các bị cáo mà mình đang bào chữa tại phiên tòa”.

Tuy nhiên, chủ tọa Trương Việt Toàn đã công khai tuyên bố: ”Các luật sư đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, đã có thời gian tiếp xúc với các bị cáo trước khi xét xử trong trại giam, vì vậy việc tiếp xúc giữa Luật sư và bị cáo tại phiên tòa là KHÔNG CẦN THIẾT”.

“Hành vi của ông Toàn đã xâm phạm đến quyền bào chữa của Luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo. Đây cũng thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, theo nội dung điều 6: “Sự công bằng, bình đẳng” và mục e khoản 2 điều 10 “Thẩm phán không được gây khó khăn cho người tham gia tố tụng” đã nêu tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán”, đơn khiếu nại viết.

Được biết, ông Toàn là người từng xét xử các vụ án liên quan bị cáo là cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son…

don khieu kien 1

don khieu kien 2
Đơn khiếu nại từ các luật sư bào chữa. (Ảnh: FB)

Luật sư Luân Lê viết trên trang Facebook cá nhân:

“KHIẾU NẠI VỀ QUYỀN BÀO CHỮA

Tại phần thủ tục phiên toà sáng nay, khi chúng tôi đề nghị giải quyết vấn đề gặp bị cáo tại phiên toà, do trước đó có người mặc thường phục ngăn cản khiến tôi sửng sốt không hiểu chuyện gì xảy ra, vị thẩm phán nói rằng việc tiếp xúc bị cáo này là “không cần thiết”.

Và ngay lập tức, chúng tôi phải thực hiện việc khiếu nại tới Chánh án toà án TP Hà Nội để giải quyết yêu cầu của chúng tôi về hành vi gây khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền bào chữa, quyền tiếp xúc bị cáo tại phiên toà của luật sư.

Đây là một tiền lệ tôi chưa từng gặp trong các phiên toà trước đây”.

Một diễn biến có liên quan, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) hôm 7/9 đã lên tiếng quan ngại về phiên toà xử 29 người dân Đồng Tâm diễn ra vào cùng ngày vì cho rằng phiên toà không độc lập và kết quả là án bỏ túi.

Hoàng Minh