Vụ Mobifone mua 95% AVG: Nhận hối lộ 3 triệu USD là ‘xưa nay chưa từng có’
- Phạm Toàn
- •
Đó là nhận xét của Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đức Sáu.
Ngày 3/9, Ủy ban Tư pháp đã có phiên họp toàn thể.
Báo cáo tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết từ 1/10/2018 đến 31/7/2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ.
Đáng lưu ý là xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo gây lo lắng trong nhân dân. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều; xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai. Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, tín dụng đen, cầm đồ, đòi nợ thuê.
“Tình trạng tham nhũng vặt trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình như vụ 3 cán bộ thuộc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố về tội nhận hối lộ khi tiến hành thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc” – Thứ trưởng cho biết thêm.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha đánh giá vi phạm pháp luật và tội phạm tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan, nhân viên nhà nước và tham nhũng trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong người dân, công luận. Tuy nhiên, các vụ việc được phát hiện vẫn chưa được nhiều.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Ủy viên Ủy ban Tư pháp cho rằng báo cáo công tác phòng, chống tội phạm của Chính phủ nhập chung các vụ tham nhũng với một loạt tội phạm kinh tế, buôn lậu thì thấy tội phạm tham nhũng rất ít, trong khi tình hình chung theo nhận định của nhiều cơ quan chức năng và cử tri thì tội phạm tham nhũng còn nhiều.
Theo ông Nghĩa, một số vụ án rất to nhưng khi đưa ra xét xử thì lại không thấy tội danh về tham nhũng. Đến nay, chỉ có vụ MobiFone mua 95% AVG mới thấy khởi tố tội nhận hối lộ, còn nhiều vụ nằm trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo nhưng không thấy hành vi tham nhũng.
Nói thêm, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đức Sáu cũng cho rằng như vụ AVG tới nay bị can thừa nhận nhận hối lộ tới 3 triệu USD thì xưa nay chưa từng có.
Chính phủ cần báo cáo rõ danh tính những Chủ tịch UBND tỉnh không chịu thi hành án hành chính
Phiên thảo luận của các cơ quan tư pháp tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội còn nổi lên vấn đề thi hành án hành chính.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/7/2019, TAND các cấp đã chuyển giao cho các cơ quan thi hành án dân sự 2.057 bản án hành chính để theo dõi. Cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 551 việc (trong đó có 224 việc kỳ trước chuyển sang), ra 491 văn bản thông báo tự nguyện thi hành án, đăng tải công khai 112 quyết định buộc thi hành án…
Kết quả, các cơ quan hành chính đã thi hành xong 215 việc (39%) đang tiếp tục thi hành 336 việc. Riêng đối với 50 vụ việc người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, mới chỉ 32 bản án, quyết định được chính quyền thi hành.
Chính phủ nêu nguyên nhân khiến việc thi hành án chậm trễ, không triệt để là vì số lượng các bản án, quyết định hành chính đang phải thi hành còn cao; chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện chấp hành; 90% các bản án, quyết định của toà án về vụ án hành chính phải thi hành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai hết sức phức tạp, có tính lịch sử,…
Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Hùng nhận xét: “Tôi cứ nghĩ án hành chính là phải thi hành đạt 100%, người đứng đầu phải gương mẫu chấp hành, nhưng đáng buồn là kết quả thi hành có 39%. Năm nào tỷ lệ thi hành án hình sự cũng thấp, đọc rất là buồn. Vậy trách nhiệm người đứng đầu ở đâu?”, ông Hùng cũng đề nghị Chính phủ phải báo cáo uỷ ban nhân dân nơi nào, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh nào không chấp hành việc thi hành án, bản án nào, ở đâu chưa được thi hành cũng cần công khai để đại biểu giám sát.
Phạm Toàn
Xem thêm:
Từ khóa Hối lộ MobiFone mua 95% AVG