Theo Bộ Y tế Việt Nam, việc tạm dừng việc thông báo số mắc COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) hàng ngày để tránh gây hoang mang cho người dân vì số nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch.

F0 dieu tri tai nha
Một hộ dân tại ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hạnh Trung, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà, tháng 12/2021. (Ảnh: txcailay.tiengiang.gov.vn)

Sáng 5/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Bộ Y tế đã báo cáo chi tiết về tình hình dịch bệnh, đồng thời xin ý kiến việc tạm dừng thông báo số ca nhiễm hằng ngày.

Theo báo cáo do Bộ Y tế công bố, so với tháng trước, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên cả nước tăng 197,9%, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỷ lệ tử vong/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%).

Tính trong tháng 2/2022 so với tháng trước: số ca nhiễm trong nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.

Bộ Y tế nhận định, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca).

Theo Bộ Y tế, số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc-xin COVID-19, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, và “hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế”.

Vẫn theo báo cáo, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP Hà Nội và TP.HCM thay thế dần biến thể Delta. Sở Y tế Hà Nội cho hay đã ghi nhận biến thể Omicron ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron; tại TP.HCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene.

Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo cho phép tạm dừng việc thông báo số mắc COVID-19 hàng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch. Mặc dù vậy, 7 tiêu chí còn lại không được đề cập theo hướng đưa vào bản tin công bố.

Tại Quyết định 218/BYT-QĐ ngày 27/1/2022 thay thế Quyết định 4800/BYT-QĐ ngày 12/10/2021, Bộ Y tế xác định 3 tiêu chí xác định cấp độ dịch vẫn bao gồm: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian; Độ bao phủ vắc xin; Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Từ 3 tiêu chí này, Bộ Y tế chia nhỏ thành 8 tiêu chí, gồm:

– Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân.

– Tỷ lệ ca bệnh phải thở oxy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người.

– Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân.

– Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo phải đạt tối thiểu 75% tổng dân số tại thời điểm đánh giá (mức cũ là 70%).

– Tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi trở lên ở người thuộc nhóm nguy cơ cao phải đạt tối thiểu 90% số đối tượng phải tiêm chủng tại thời điểm đánh giá (mức cũ là 80%).

– Tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân: khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã.

– Tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh COVID-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện/100.000 dân tại thời điểm đánh giá.

– Tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100.000 dân.

Trong thời gian số ca nhiễm tăng mạnh ở đợt bùng phát thứ 4, Bộ công bố số nhiễm 3 lần/ngày, vào 6h, 12h, 18h hàng ngày, sau đó chỉ công bố vào lúc 6h và 18h, nay công bố 1 lần vào lúc 18h. Đáng lưu ý, ngoài hàng trăm nghìn ca mắc mới do Bộ Y tế công bố trong ngày, gần đây, số ca mắc đăng ký bổ sung hiện tăng lên hàng chục nghìn ca do các tỉnh thành báo lên.

Theo bản tin gần đây nhất của Bộ Y tế vào cuối ngày 5/3, Việt Nam tăng thêm tới 173.258 ca nhiễm, gồm 131.780 ca tại 63 tỉnh thành và 41.441 ca do tỉnh Phú Thọ, tỉnh Thái Nguyên đăng ký bổ sung. Hà Nội tiếp tục “leo thang” về số ca nhiễm với mức kỷ lục mới 25.013 ca.

Với tổng cộng 4.232.520 ca nhiễm kể từ khi phát hiện dịch (đợt dịch thứ 4 có 4.225.053 ca), Việt Nam hiện đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ về tổng số ca COVID-19. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 42.847 ca nhiễm).

Trung bình số tử vong do COVID-19 trong 7 ngày qua là 97 ca. Với tổng số ca tử vong 40.726 ca (chiếm 1% tổng số ca nhiễm), Việt Nam hiện xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ. Tính theo số ca tử vong trên 1 triệu dân, Việt Nam xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong do COVID-19 của Việt Nam xếp thứ 6/49 (đứng thứ 3 trong ASEAN); tính theo số tử vong trên 1 triệu dân thì xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Nguyễn Quân