Ngoài 9 tỉnh đã đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay mới, gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Tây Ninh, mới đây, Yên Bái kiến nghị đưa sân bay quân sự trong tỉnh vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Công suất dự kiến 0.8-1 triệu hành khách/năm.

yen bai de xuat phat trien luong dung san bay quan su cong suat 1 trieu khach nam
Sân bay Yên Bái hiện là sân bay quân sự cấp 2 do Trung đoàn 921, Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng quản lý. (Ảnh: baoyenbai.com.vn)

UBND tỉnh Yên Bái vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục Hàng không Việt Nam xem xét bổ sung Cảng hàng không Yên Bái (sân bay Yên Bái) vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện tại, sân bay Yên Bái là sân bay quân sự cấp 2 do Trung đoàn 921, Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng quản lý thuộc địa phận các xã: Nga Quán, Cường Thịnh, huyện Trấn Yên; phường Nam Cường và xã Tuy Lộc, TP. Yên Bái.

Sân bay Yên Bái có tổng diện tích 279,47 ha, chiều dài đường cất, hạ cánh là 2.400m. Giới chức tỉnh nà cho rằng sân bay Yên Bái thuận lợi cho việc sử dụng theo hình thức lưỡng dụng, kết hợp khai thác dân dụng và quốc phòng.

Cụ thể, UBND tỉnh Yên Bái đề xuất đầu tư Cảng hàng không Yên Bái trở thành sân bay cấp 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Vị trí chức năng trong mạng cảng hàng không dân dụng toàn quốc là cảng hàng không nội địa.

Sân bay Yên Bái có công suất dự kiến từ 0,8-1 triệu hành khách/năm; dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); thời kỳ quy hoạch là 2021 – 2030 – UBND tỉnh Yên Bái đề xuất.

Trước đó, vào ngày 10/11, Cục hàng không Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về đề xuất, bổ sung cảng hàng không sân bay Yên Bái vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cục Hàng không Việt Nam nhận định sân bay Yên Bái khả thi cho khai thác hàng không dân dụng. Theo cơ quan này, tương lai khi sân bay Sa Pa hoạt động, cần lập phương thức bay bổ sung và sẽ nghiên cứu thống nhất công tác phối hợp điều hành vùng chồng lấn giữa 2 sân bay.

Ngoài Yên Bái, 9 tỉnh khác đã đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay mới, gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Tây Ninh.

Trước đó, tại dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050  trình Thủ tướng, Bộ GTVT xác định từ nay tới năm 2030, cả nước có 28 sân bay và cần hơn 403.000 tỷ đồng để đầu tư. Tại dự thảo quy hoạch, Bộ GTVT đã loại những sân bay do địa phương đề xuất do không đáp ứng đủ tiêu chí. Tuy nhiên, vì vẫn có nhà đầu tư muốn làm sân bay nên địa phương lại đề xuất.

Tại buổi tọa đàm huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không do Bộ GTVT tổ chức vào chiều 4/11 vừa qua, ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết nếu đầu tư 28 sân bay giai đoạn 2021-2030 như đề xuất mới đây của Bộ GTVT thì số vốn cần trên 400.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Bộ GTVT mới cân đối được 265.991 tỷ đồng, cần huy động thêm 128.000 tỷ đồng từ tư nhân. Với việc 10 tỉnh đề xuất xây sân bay tức cần thêm nhiều nguồn lực tư nhân hơn nữa.

Đưa ra ý kiến, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị tham gia xây dựng dự thảo quy hoạch sân bay) cho hay quy hoạch sân bay không phải căn cứ theo nhu cầu nhà đầu tư, mà phải căn cứ vào tổng thể phát triển cho toàn vùng và toàn xã hội, tức phải căn cứ nhu cầu thực tế tại địa phương, khu vực để đề xuất quy hoạch. Nhà đầu tư cần khảo sát kỹ, đánh giá, nhìn nhận bằng góc nhìn của doanh nghiệp, chứ đừng nhìn bằng “con mắt nhà tài trợ”.

Sơn Nguyên