10 công ty “đau khổ” nhất Trung Quốc trong năm 2021
- Vũ Chân
- •
Nền kinh tế thế giới năm 2021 tiếp tục bị dịch bệnh COVID-19 tấn công, nhưng thực trạng doanh nghiệp Trung Quốc năm nay thê thảm hơn năm trước rất nhiều dù tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020 chỉ là 2,2%. Dưới đây là 10 công ty lớn chịu nhiều “đau khổ” nhất Trung Quốc vào năm 2021, đó là những công ty hàng đầu trong ngành, hoặc ít nhất là dẫn đầu khu vực.
1. Volkswagen Trung Quốc suy yếu
Trong số 10 công ty ô tô hàng đầu tại thị trường Trung Quốc bị suy thoái trong năm 2021, SAIC Volkswagen và FAW-Volkswagen là nghiêm trọng nhất, lần lượt 18% và 13%. Cùng với sự sụt giảm doanh số bán hàng, vị trí của SAIC Volkswagen giảm đáng kể khiến xếp hạng thị trường giảm từ thứ 2 trong những năm trước xuống thứ 5 (trước tháng 10/2021). Hãng xe hơi Geely của Trung Quốc nhảy lên vị trí á quân, Changan lên thứ 4, và SAIC GM đứng thứ 3. Dù FAW-Volkswagen vẫn giữ vị trí quán quân về doanh số nhưng khả năng cạnh tranh suy giảm đáng kể vào năm 2021, từ tháng 1 – 10, doanh số thương hiệu chính Audi của FAW-Volkswagen đã giảm 11.000 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số của các mẫu xe Bora và Sagitar giảm từ thứ 5 và thứ 6 trong năm 2020 xuống thứ 9 và thứ 10.
Tập đoàn Volkswagen đã quyết định thay đổi người đứng đầu bộ phận kinh doanh tại Trung Quốc. Giám đốc điều hành hiện tại của Volkswagen Trung Quốc là Feng Sihan sẽ rời đi, thay vào đó là Ralf Brandsttter – người đứng đầu thương hiệu xe du lịch của Tập đoàn Volkswagen – sẽ tiếp quản hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc từ ngày 1/8/2022.
Sự thụt lùi của Volkswagen Trung Quốc là hệ quả của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài. Nguyên nhân bên ngoài là do doanh số bán xe năng lượng mới tăng đột biến trong năm 2021, làm thay đổi sâu sắc mô hình thị trường ô tô Trung Quốc. Nguyên nhân bên trong là do Volkswagen Trung Quốc không chuẩn bị tốt cho môi trường mới của ngành nên đã gặp khó. Từ dữ liệu của thị trường Trung Quốc, dù môi trường ngành vào năm 2021 đối mặt với những thay đổi to lớn nhưng mức sụt giảm doanh số bán hàng của 10 công ty ô tô liên doanh hàng đầu nhỏ hơn nhiều so với Volkswagen.
2. Huawei: Doanh thu giảm hơn 30%
Huawei đã có dấu hiệu kiệt sức khi bước vào năm thứ 3 bị Mỹ trừng phạt. Hoạt động kinh doanh của hai nguồn chính gần như bị cắt giảm một nửa, mức tăng trưởng bị đình trệ. Bị ảnh hưởng từ những xung đột địa chính trị quốc tế và dịch bệnh COVID-19 khiến doanh thu ở nước ngoài của Huawei trì trệ và mảng kinh doanh điện thoại di động từng có lãi của họ đã rơi khỏi top 5 ở Trung Quốc, và cơ bản đã tạm biệt tham vọng 5G.
Dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy trong 3 quý đầu năm 2021, Huawei đạt thu nhập 450,971 tỷ RMB (nhân dân tệ), giảm 32,14% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng 46,371 tỷ RMB, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nửa đầu năm 2021, doanh thu từ mảng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh trừng phạt là kinh doanh tiêu dùng chỉ còn 135,7 tỷ RMB, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước… Con chip tiên tiến được thiết kế không thể sản xuất, đó là cốt lõi của tất cả những khó khăn của Huawei hiện nay. Trước khi lệnh cấm năm 2020 có hiệu lực, Huawei đã dự trữ một số lượng lớn chip, từ sau đó phản ứng của Huawei có thể được tóm tắt như sau: đầu tư lượng chip dự trữ hạn chế vào các lĩnh vực có lượng tiêu thụ thấp nhưng lợi nhuận cao, buộc phải rút lui dòng sản phẩm ngược lại.
Chỉ có một điểm sáng của Huawei từ mảng kinh doanh điện toán đám mây, đây đã thành nguồn doanh thu mới chủ yếu của Huawei. Năm qua, tăng trưởng của Huawei Cloud đủ chiếm bớt thị phần của hai ‘gã khổng lồ’ điện toán đám mây khác của Trung Quốc là Ali và Tencent. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Frost & Sullivan, trong nửa đầu năm 2021, Huawei Cloud đã vươn lên vị trí thứ 2 trên thị trường điện toán đám mây của Trung Quốc, chỉ đứng sau Alibaba Cloud.
3. Tương lai tốt đẹp (TAL): Tương lai ở đâu?
Tập đoàn giáo dục quy mô lớn nhất Trung Quốc là “Tương lai tốt đẹp” (Tomorrow Advance Life, TAL) đào tạo từ mẫu giáo đến trung học, được các bậc cha mẹ học sinh tiểu học và trung học ở thành thị Trung Quốc ưa chuộng, có được giá trị thị trường cao tới 58 tỷ USD, doanh thu trong năm tài chính 2021 tăng khoảng 60% lên 1,36 tỷ USD, số lượng học sinh đăng ký trung bình mỗi quý vượt quá 4,67 triệu và có 1.098 trung tâm học tập tại 110 thành phố trên khắp Trung Quốc.
Nhưng tất cả đã tan tành chỉ vì chính sách “giảm kép” (giảm gánh nặng của học sinh học tập ngoài chính quy và giảm tải giai đoạn giáo dục bắt buộc) của chính quyền. Đây là lệnh hành chính được cho là khắc nghiệt chưa từng thấy đối với kinh doanh giáo dục tại Trung Quốc, yêu cầu các cơ sở đào tạo phải được đăng ký thống nhất là tổ chức phi lợi nhuận, không được liệt kê tài chính, vốn để hoạt động, cấm học bù vào kỳ nghỉ đông, nghỉ hè và cuối tuần, còn thời gian cho các lớp học bù được giới hạn kết thúc trước 8 giờ tối.
Chính sách cũng quy định chặt chẽ hơn việc giám sát kinh phí, nội dung đào tạo và quản lý giáo viên của các cơ sở đào tạo. Chính sách “giảm kép” này đã trực tiếp làm lung lay mô hình kinh doanh của các công ty giáo dục như TAL, khiến giá cổ phiếu của hàng loạt công ty kinh doanh giáo dục “rơi thẳng đứng”. Sau năm nay, hoạt động kinh doanh đào tạo đối tượng K9 (mầm non đến trung học cơ sở) ở Trung Quốc Đại lục sẽ bị dừng hoàn toàn, điều này có nghĩa là về cơ bản sẽ bốc hơi hơn 80% doanh thu liên quan hoạt động này khi số lượng lớn cơ sở bị đóng cửa. Ngày 17/12, giá trị thị trường của TAL chỉ còn 2,7 tỷ USD đã giảm đến gần 95%.
Nhìn chung kinh doanh ngành giáo dục là hoạt động béo bở. Ở Trung Quốc, dòng vốn đầu tư quy mô lớn vào ngành giáo dục và đào tạo bắt đầu từ năm 2015 và đạt cao trào từ năm 2018 – 2020. Với sự hỗ trợ của số vốn khổng lồ, các công ty giáo dục và đào tạo hàng đầu đốt tiền để tiếp thị, nỗi lo của phụ huynh cũng theo đó tăng cao, bong bóng trong ngành giáo dục và đào tạo nhanh chóng thổi lớn trở thành “nơi phát tài” của nhiều doanh nhân.
4. Đòn trừng phạt nặng cho Didi
Năm 2021 là năm thảm bại của nhiều công ty Internet Trung Quốc. Alibaba bị phạt 18,2 tỷ RMB, Meituan bị phạt 3,44 tỷ RMB, kinh doanh trò chơi của Tencent đã vấp phải nhiều chỉ trích của công chúng, tuy nhiên công ty Internet bị nặng nhất vào năm 2021 vẫn là Didi. Didi được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 30/6 năm nay, nhưng chỉ 3 ngày sau khi niêm yết đã bị an ninh mạng Trung Quốc thanh tra và cấm đăng ký người dùng mới; đến ngày thứ 5 sau khi niêm yết đã có 25 ứng dụng của Didi bị gỡ do “vi phạm nghiêm trọng pháp luật và quy định về thông tin cá nhân”, đến nay chưa được khôi phục.
Ngày 2/12, Didi thông báo chuẩn bị hủy niêm yết ở Mỹ và đang tìm cách niêm yết trên chứng khoán Hồng Kông. Ngày niêm yết ở Mỹ, giá trị thị trường của Didi là 67,8 tỷ USD, đến ngày 17/12 vừa qua chỉ còn 30,3 tỷ USD, vậy là chỉ trong 5 tháng, giá trị thị trường của Didi đã giảm hơn một nửa. Nhưng Didi chưa phải công ty bị bốc hơi giá trị thị trường cao nhất trong năm nay. Công ty video ngắn Kuaishou đã giảm 80% giá trị thị trường kể từ tháng 2 năm nay đến nay. Nhưng Kuaishou là vì ngành công nghiệp bão hòa, còn Didi là công ty số một với lợi thế tuyệt đối trong lĩnh vực gọi xe trực tuyến.
Mặc dù Didi đã xác nhận kế hoạch rút khỏi chứng khoán Mỹ để chuyển sang chứng khoán Hồng Kông, nhưng tác động của chính sách đối với Didi còn lâu mới kết thúc.
5. “Vua nhôm châu Á” China Zhongwang kêu cứu
Ngày 15/10/2021, công ty nhôm China Zhongwang cho biết họ đã gặp phải những khó khăn nghiêm trọng trong hoạt động và không thể tự giải quyết, cùng ngày có 3 giám đốc độc lập không điều hành của công ty từ chức. Tháng 12, chỉ số thị trường chứng khoán Hang Seng đã loại China Zhongwang khỏi các chỉ số gồm Chỉ số Tổng hợp Hang Seng và Chỉ số Kết nối Hồng Kông của Hang Seng, còn Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến cũng đã loại China Zhongwang khỏi danh sách các cổ phiếu Kết nối Chứng khoán Hồng Kông.
China Zhongwang và các công ty con của nó được gọi chung là Tập đoàn Zhongwang, thành lập tại tỉnh Liêu Ninh vào năm 1993, đến năm 2008 tập đoàn này được biết đến là nhà sản xuất các sản phẩm nhôm công nghiệp lớn thứ hai trên thế giới và lớn nhất châu Á.
Tháng 5/2009 China Zhongwang niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, tạo ra đợt IPO lớn nhất thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhà sáng lập Liu Zhongtian nắm giữ hơn 70% cổ phần khi đó cũng vọt lên trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Giao dịch cổ phiếu của China Zhongwang đã bị đình chỉ kể từ ngày 30/8/2021, và báo cáo nửa năm cũng bị hoãn lại cho đến nay. Giá đóng cửa của công ty trước khi tạm ngừng là 1,68 đô la Hồng Kông/cổ phiếu, thấp hơn gần 80% so với giá khi mới IPO là 7,076 đô la Hồng Kông, khiến tổng giá trị thị trường của China Zhongwang còn chưa đến 10 tỷ đô la Hồng Kông.
Nhìn từ thời cơ môi trường công nghiệp, do được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu nên năm nay nhiều công ty sản xuất nhôm định hình đã có sự tăng trưởng mạnh, trong khi China Zhongwang có lịch sử đầy huy hoàng lại bất ngờ suy thoái nghiêm trọng là rất đáng ngạc nhiên. Giới theo dõi vẫn đang cố “tiêu hóa” tin tức này và chờ đợi công ty tiết lộ lý do cụ thể.
6. Sichuan Languang Dev suy sụp
Tháng 5/2021, Sichuan Languang Dev thành bên thi hành tranh chấp về hợp đồng ủy thác, từ đó họ liên tiếp phải vi phạm không thể thực hiện các vấn đề nợ và thanh khoản.
Trong bối cảnh rối ren nợ nần, xếp hạng tín nhiệm của Sichuan Languang Dev đã nhiều lần bị hạ bậc, chủ tịch Yang Keng từ chức và con trai ông là Yang Wuzheng lên thay; tiếp theo là nhiều lãnh đạo khác liên tiếp từ chức: chủ tịch, giám đốc tài chính, chủ tịch hội đồng giám sát.
Thông báo cho thấy tính đến ngày 30/11/2021, Sichuan Languang Dev đã tích lũy tổng cộng 25,881 tỷ RMB tiền gốc và lãi của khoản nợ chưa trả được. Sichuan Languang Dev là công ty bất động sản niêm yết lớn nhất ở Tứ Xuyên. Trong danh sách công ty bán bất động sản ảnh hưởng nhất Trung Quốc, vào năm 2019 Sichuan Languang Dev xếp thứ 33 và năm 2020 xuống thứ 38. Nguyên nhân chính dẫn đến sự “thất thủ” của ‘anh cả’ bất động sản Tứ Xuyên là quá trình mở rộng nhanh chóng của họ đã làm không tốt khâu kiểm soát chất lượng và bố cục chiến lược đô thị.
Vào thời điểm mới niêm yết hồi năm 2015, doanh thu của Sichuan Languang Dev chưa đến 20 tỷ RMB, nhưng sau đó đã phát triển nhanh chóng, chỉ mất 4 năm để phát triển từ một công ty bất động sản khu vực ở một góc của đất nước Trung Quốc trở thành một công ty bất động sản tầm quốc gia với doanh thu hơn 100 tỷ RMB, nhưng quy mô nợ cũng tăng từ 17,2 tỷ RMB vào năm 2015 lên đến 60,9 tỷ RMB vào năm 2019 (tăng 160%).
Khi mở rộng quy mô quá nhanh và áp lực đầu tư quá lớn, trong khi còn những vấn đề chất lượng, đồng thời nhiều khu đất chiếm dụng quá nhiều vốn mà khó khăn không bán được khiến không thể thu hồi vốn. Về bố cục chiến lược đô thị, trong nửa cuối năm 2018, chính sách cải cách của Trung Quốc làm thị trường bất động sản ở các thành phố cấp 3 và 4 hạ nhiệt. Vào thời điểm này, Sichuan Languang Dev đã mạnh tay vay tiền, di chuyển về phía đông và nam, khiến 70% quỹ đất mới nằm ở các thành phố cấp 3, đã bỏ lỡ thời kỳ điều chỉnh của ngành dẫn đến sự mất cân đối trong bố cục nguồn lực tại đô thị.
7. Suning văng khỏi toa tàu thời đại
Năm 2021 là năm thảm họa của công ty bán lẻ Suning. Công ty được thành lập vào năm 1990 là một gã khổng lồ bán lẻ, sự trỗi dậy của thương mại điện tử cũng khiến Suning dẫn đầu tại Trung Quốc trong lĩnh vực này. Từ ban đầu chỉ là cửa hàng nhượng quyền điều hòa không khí đến phát triển thành một chuỗi cửa hàng thiết bị điện tổng hợp, Suning luôn nỗ lực để hướng vào kỷ nguyên thương mại điện tử cùng sự nổi lên của Ali và JD. Com.
Nhưng cuối cùng Suning đã văng khỏi toa tàu thời đại. Khủng hoảng nợ của Suning dần nổi lên từ cuối năm 2020. Dưới vẻ ngoài cố gắng bắt kịp xu thế của thời đại, nhưng hoạt động mở rộng mô hình kinh doanh mù quáng và yếu kém đi cùng phương thức quản lý lạc hậu đã dần làm lộ ra vấn đề.
Thất bại của Suning do nhiều yếu tố gây ra. Sau sự trỗi dậy nhanh chóng của Alibaba và JD.com, chỉ trong vài năm nhưng Suning từ ông hoàng bán lẻ trở thành kẻ tụt hậu. Từ năm 2014 mảng kinh doanh bán lẻ chính của Suning rơi vào tình trạng thua lỗ và họ lại thực hiện một loạt các khoản đầu tư đa dạng tốn kém vào bất động sản thương mại, siêu thị, thể thao… nhưng không thành công và cuối cùng ngày càng chìm vào khủng hoảng thanh khoản.
8. Kangmei Pharmaceutical gây chấn động vì khai man
Vụ gian lận tài chính 2 năm trước của Kangmei Pharmaceutical (*ST Kangmei) từng gây chấn động, cuối cùng đã được giải quyết vào tháng 11 năm nay, gây ra sóng gió đối với thị trường cổ phiếu A và làm chấn động thị trường vốn Trung Quốc năm 2021. Có 21 bị cáo bao gồm cả công ty niêm yết *ST Kangmei, bị kết án bồi thường 2,459 tỷ RMB cho 52.000 nhà đầu tư. Cựu chủ tịch Ma Xingtian bị kết án 12 năm tù và bị phạt 1,2 triệu RMB, những người khác có trách nhiệm tham gia vào vụ tội phạm chứng khoán này cũng bị kết án.
*ST Kangmei phát triển bằng kinh doanh lĩnh vực y học cổ truyền Trung Quốc, vào cuối tháng 5/2018 giá trị thị trường của công ty đạt mức cao nhất là 139 tỷ RMB, thời điểm đó chỉ đứng sau Hengrui Pharmaceutical (600276.SH) có giá trị thị trường 286,8 tỷ RMB.
Nhưng sau đó, nghi ngờ gian lận tài chính của Kangmei không ngừng nổi lên. Tháng 10/2018 giá cổ phiếu của Kangmei đã sụt giảm và cuối năm nay Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã vào cuộc điều tra. Hiện nay giá trị thị trường của Kangmei đã giảm xuống chỉ còn hơn 20 tỷ RMB, đang tiến hành phá sản và tổ chức lại.
Về gian lận tài chính, *ST Kangmei có thể xem là “bách khoa toàn thư”. Kết quả khảo sát do Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc công bố cho thấy trong thời gian từ năm 2016 – 2018, họ đã sử dụng nhiều cách khác nhau để thổi phồng thu nhập hoạt động, nguồn quỹ tiền, tài sản cố định. Trong báo cáo thường niên năm 2016, 2017 và 2018, Kangmei đã thổi phồng các quỹ tiền lên 22,548 tỷ RMB, 29,944 tỷ RMB, 36,184 tỷ RMB; thu nhập hoạt động tăng 8,99 tỷ RMB, 10,32 tỷ RMB và 8,484 tỷ RMB. Quy mô khai man hàng chục tỷ RMB gây chấn động, những hành vi xấu của Kangmei Pharmaceutical đã để lại dấu vết. Ngay từ năm 2012, một số tổ chức đã đăng tải các bài báo trên các cơ quan truyền thông để vạch trần giả dối của Kangmei. Kể từ năm 2014, cổ đông Liu Zhiqing bắt đầu dùng tên thật tố cáo Kangmei Pharmaceutical với cơ quan quản lý, nhưng trong 4 năm điều tra không có tiến triển. Nhiều bản án được công bố cho thấy Ma Xingtian và Kangmei Pharmaceutical đã nhiều lần hối lộ các quan chức chính phủ và giám sát viên các cấp.
Ảnh hưởng vụ lừa đảo của Kangmei vẫn tiếp tục sau đó 2 năm. Vụ việc đã gây ra vụ kiện tập thể chứng khoán đầu tiên ở Trung Quốc, và hệ quả là tòa án đã tuyên án 21 bị cáo với tổng số tiền bồi thường là 2,459 tỷ RMB. Trong đó có giám đốc độc lập của một công ty niêm yết phải chịu trách nhiệm bồi thường 5% hoặc 10% liên đới, tương ứng với số tiền hàng trăm triệu RMB. Nhiều cơ quan truyền thông cho rằng bản án của Kangmei đã dẫn đến “làn sóng từ chức” giám đốc độc lập của các công ty niêm yết cổ phiếu A. Mặc dù quan điểm này không được dữ liệu thống kê ủng hộ nhưng vẫn làm dấy lên thảo luận sôi nổi về việc bãi bỏ cơ chế giám đốc độc lập của Trung Quốc.
9. Xóa sổ HNA
Trong 5 năm qua, câu chuyện thăng trầm của HNA vượt qua bất kỳ phim quảng cáo bom tấn nào của Hollywood.
Năm 1990, Chen Feng khi đó 37 tuổi đang là trợ lý hàng không của Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam (Hainan) đã vào vai người sáng lập hãng hàng không Hainan (Hainan Airlines), đối tác đồng sáng lập là đồng nghiệp Wang Jian (29 tuổi) tại Tổng Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc. Năm 1993, Hainan Airlines hoàn thành cải cách cổ phần và trở thành công ty sở hữu hỗn hợp sớm nhất của Trung Quốc, cũng là hãng hàng không sớm nhất Trung Quốc giới thiệu cổ đông nước ngoài. Ban đầu chính quyền tỉnh Hải Nam là cổ đông lớn nhất, nhưng sau khi cải cách cổ phần thì chính quyền chỉ còn nắm giữ 5,3%. Thời đầu, Hainan Airlines là một hãng hàng không địa phương nhỏ, nhưng Chen Feng đã phát triển nó thành hãng hàng không lớn thứ 4 của Trung Quốc. Sau đó dưới lãnh đạo của Wang Jian, hãng này đã phát triển thành tập đoàn tài chính với khối tài sản khổng lồ và tham gia vào nhiều lĩnh vực: khách sạn, du lịch, hậu cần, bán lẻ, bất động sản, và tài chính. Đến năm 2017, tài sản của mảng kinh doanh hàng không chỉ chiếm chưa đến 1/8 tổng tài sản của tập đoàn HNA.
Năm 2015, HNA lần đầu tiên lọt vào danh sách Fortune 500 (được hạng 464) do giới doanh nhân Trung Quốc bình chọn; năm 2017 xếp hạng 170; năm 2018 lọt vào top 100. Trong lịch sử kinh doanh thế giới chưa có công ty nào đạt được bước tiến nhảy vọt trong thời gian ngắn như vậy, nhưng mục tiêu của Wang Jian là vào năm 2025 lọt vào top 10 của Fortune 500.
Bước tiến “Đại nhảy vọt” đó là dựa vào các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn, các “vở kịch lớn” lặp đi lặp lại của HNA trong hoạt động thôn tính đã gây choáng váng cho thị trường vốn trong và ngoài Trung Quốc. Một trong những kiệt tác phải kể là việc tháng 2/2016, HNA thông qua công ty con Tianhai để mua lại Ingram Micro được xếp hạng 218 trong Fortune 500. Năm 2015, Công ty đầu tư Tianhai có doanh thu chỉ 720 triệu RMB nhưng lại có thể mua lại Ingram Micro có doanh thu tới 43 tỷ USD. Tháng 7/2017, CEO Tan Xiangdong của HNA cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times (Anh) rằng HNA đã vươn lên hàng đầu thế giới.
Nhưng cuối năm đó, HNA bất ngờ lâm vào tình trạng khủng hoảng thanh khoản do không có khả năng mua lại trái phiếu đáo hạn. Do các vụ mua bán và sáp nhập nợ quy mô lớn, tính đến cuối năm 2017, tổng số nợ của HNA đã lên tới 736,5 tỷ RMB. Tháng 8/2018, Wang Jian đã chết trong một vụ tai nạn ở Pháp, điều tra của cảnh sát địa phương Pháp kết luận đó là một vụ tai nạn, nhưng tin đồn phổ biến ở Trung Quốc cho rằng Wang Jian đã tự tử. Năm 2019, HNA đã từ bỏ trong mọi ngành nghề kinh doanh và nỗ lực bán tài sản để trả nợ, nhưng dây chuyền vốn vẫn ngày càng co lại, người lao động nhiều tháng liền không nhận được lương.
Tháng 2/2020, chính quyền tỉnh Hải Nam đã chủ trì thành lập “Nhóm công tác về HNA”, trong đội ngũ này không có lãnh đạo nào của HNA, tất cả đều là người của chính quyền và điều này cũng báo trước kết cục của Chen Feng.
Ngày 23/10, HNA thông báo việc phá sản và tái tổ chức (dự thảo), kế hoạch đã được các chủ nợ chấp thuận. Ngày 31/10 Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Hải Nam đã đưa ra phán quyết cuối cùng và thông qua phương án tái tổ chức của HNA, đã đi đến hồi kết vụ tái phá sản và tái cơ cấu lớn nhất Trung Quốc này.
10. Ai biết rõ số nợ của Evergrande lớn thế nào?
Với tổng số nợ 1,1 nghìn tỷ RMB, tập đoàn HNA đã được xem là trường hợp tái tổ chức do phá sản lớn nhất ở Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại, nhưng kỷ lục này có khả năng bị phá bởi tập đoàn bất động sản Evergrande.
Ngày 3/12/2021, tập đoàn bất động sản Evergrande thông báo sẽ không thể thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh 260 triệu USD. Vào đêm hôm đó, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã mời ông chủ Xu Jiayin (Hứa Gia Ấn) của Evergrande làm việc và quyết định cử một nhóm công tác đến Evergrande. Kết quả là chính quyền đã công khai can thiệp vào cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande. Bắt đầu từ tháng 6/2021, bùng phát một loạt tin tức tiêu cực về Evergrande như vỡ nợ, không thanh toán được cho dịch vụ quản lý tài sản, nợ lương của nhân viên…
Báo cáo bán niên năm 2021 của Evergrande cho thấy tổng nợ phải trả của công ty là 1,97 nghìn tỷ RMB và tổng tài sản là khoảng 2,4 nghìn tỷ RMB. Nhưng liệu 400 tỷ RMB tài sản ròng còn lại có thể trang trải các khoản nợ ngoài báo cáo hay không, và liệu Evergrande có mất khả năng thanh toán hay không, cho đến nay vẫn chưa ai có thể đưa ra một tuyên bố chính xác.
Nhiều năm qua, Evergrande đã theo đuổi việc nhanh chóng mở rộng quy mô bằng cách dựa trên mô hình đòn bẩy tài chính cao. Phong cách cấp tiến đã tiềm ẩn tác dụng phụ. Các tổ chức tài chính đã thận trọng với Evergrande, điều này thể hiện rõ từ chi phí tài chính của họ…
Tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả lãi của Evergrande cao tới 716,5 tỷ RMB, trong đó 335,5 tỷ khoản vay ngắn hạn cần được hoàn trả trong vòng một năm. Con số này cao hơn tổng nợ phải trả lãi của Country Garden và Vanke. Vay mới để trả cũ là phương thức trả nợ chính của Evergrande. Khi con đường này bị hạn chế bởi chính sách của chính quyền thì Evergrande lập tức lâm cảnh sinh tử. Ngoài ra, nỗ lực đa dạng hóa của Evergrande cũng không thành công. Sau năm 2018, Evergrande đã đặt trọng tâm đa dạng hóa vào xe năng lượng mới, nhưng đến nay tập đoàn này vẫn chưa tạo được cảm giác hiện diện trên thị trường. Tính đến cuối năm 2020, Evergrande đã đầu tư tổng cộng 47,4 tỷ RMB vào xe hơi, nhưng thời hạn niêm yết sản xuất hàng loạt đã thỏa thuận liên tục bị trì hoãn, giá trị thị trường của Evergrande đã giảm từ mức cao nhất vào tháng 4/2021 là 600 tỷ RMB chỉ còn 24,3 tỷ RMB ngày 20/12.
Sau khi bùng nổ khủng hoảng nợ, Evergrande đã bán cổ phần của các công ty con như Hengteng Network và Shengjing Bank, trả lại hàng chục tỷ USD tiền quỹ, nhưng đó chỉ như giọt nước của khoản nợ khổng lồ. Tài sản có giá trị nhất của các công ty bất động sản là đất đai nhà cửa, Evergrande từng đạt được ý định bán 51% vốn cổ phần của Evergrande Property cho và Hopson Chuangzhan, nhưng hai bên hiện đã tạm ngừng giao dịch vì phát hiện ra rằng phần lớn nguồn tài sản của Evergrande Property tiềm ẩn để trả nợ. Việc chấm dứt giao dịch này càng làm ảnh hưởng đến uy tín của Evergrande và khiến thị trường đặt câu hỏi “nợ của Evergrande lớn đến mức nào”.
Sau khi Nhóm công tác của chính quyền tỉnh Quảng Đông vào cuộc, số phận của Evergrande không còn nằm trong tay đội ngũ sáng lập của ông Xu Jiayin. Câu hỏi còn lại là: Liệu họ có giống như HNA, sẽ biến mất sau khi thu xếp hoàn tất xong các khoản nợ?
Vũ Chân, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Huawei didi chuxing Dòng sự kiện Volkswagen HNA Group Evergrande kinh tế Trung quốc