10 từ Hồ Diệu Bang nói trước khi bị buộc phải từ chức
- Trương Bình
- •
Một cựu quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chỉ ra 4 lý do trong biến cố ông Hồ Diệu Bang bị mất chức Tổng Bí thư hồi năm 1987.
Tháng 12/1986, phong trào sinh viên phản kháng chính trị tại Trung Quốc đã lần đầu xảy ra sau Cách mạng Văn hóa. Nguyên nhân ban đầu là do các sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc phản đối chính quyền không tuân thủ “luật bầu cử mới” và can thiệp vào cuộc bầu cử Nhân đại ở Hợp Phì – An Huy. Hơn 4.000 sinh viên từ Đại học An Huy và các trường đại học khác xuống đường biểu tình “đòi bầu cử dân chủ”, và phong trào lan rộng khắp Trung Quốc.
Sau khi tình trạng bất ổn của sinh viên được dập tắt, ĐCSTQ đã phát động chiến dịch “phản đối giai cấp tư sản tự do hóa”. Dưới chiêu trò của Đặng Tiểu Bình, Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang bị giới nguyên lão ĐCSTQ đấu tố 7 ngày và bị ép phải từ chức, khi đó ông đã nói “10 từ” rồi bật khóc như một đứa trẻ. Một cựu quan chức ĐCSTQ chỉ ra 4 lý do trong sự kiện này.
Thứ nhất, “ý kiến manh động” về vấn đề quân đội
Quan điểm này lần đầu tiên ông Vương Hữu Quần – cựu Giám sát viên Ủy ban Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ, nghe cá nhân nguyên lão Bạc Nhất Ba nói vào mùa xuân năm 1996 khi ông đến thăm Bạc Nhất Ba ở núi Ngọc Tuyền – Bắc Kinh. Vị “công thần” này cho biết rằng ông Hồ Diệu Bang mất chức chủ yếu vì ông ấy đã “nói điều không nên nói” về vấn đề quân đội.
ĐCSTQ nhấn mạnh “quyền lực đến từ nòng súng”, ai nắm giữ “nòng súng” (quyền lực quân sự) là ông chủ. Khi đó, ông Hồ Diệu Bang là Tổng Bí thư ĐCSTQ nhưng ông không giữ “nòng súng”, “khẩu súng” lúc đó trong tay Đặng Tiểu Bình là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nếu Hồ nói bất cứ điều gì về quân đội khiến Đặng không hài lòng, thì sẽ là điều “đại kỵ”.
Thứ hai, chuyện Đặng Tiểu Bình nghỉ hưu
Có lần vào mùa hè năm 1986, Đặng Tiểu Bình trao đổi với Hồ Diệu Bang và đưa ra ý kiến về các ứng cử viên cho Đại hội 13. Đặng nói: “Tôi sẽ từ bỏ hết, không còn làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông từ bỏ một phần [tức chức Tổng Bí thư đang giữ] thay tôi đảm nhận Chủ tịch Quân ủy; còn ông Triệu Tử Dương [khi đó là Thủ tướng] cũng chuyển qua làm Chủ tịch nước, chức Tổng Bí thư và Thủ tướng nhường cho người trẻ làm”.
Ông Hồ Diệu Bang nghĩ ông Đặng Tiểu Bình nói thật, nhanh chóng tiết lộ cuộc trò chuyện riêng ra ngoài.
Sau khi tin này đến tai Vương Chấn, một cựu chiến binh của ĐCSTQ và lúc đó là Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, ông Vương Chấn giận dữ nói công khai tại Trường Đảng Trung ương: “Ai muốn đồng chí Tiểu Bình nghỉ hưu đó là ‘phản động’…”.
Suy nghĩ của Vương Chấn đại diện cho suy nghĩ của nhiều cán bộ kỳ cựu của ĐCSTQ. Vì nếu Đặng Tiểu Bình nghỉ hưu sẽ kéo theo nhiều lãnh đạo cao tuổi độ tuổi 70 – 80 phải làm theo. Lời tiết lộ của ông Hồ Diệu Bang gây nên căng thẳng, cuối cùng trở thành giả thuyết cho rằng đó là lý do “Hồ Diệu Bang bị đấu tố”.
Thứ ba, chống tham nhũng đã gây thù oán
Theo ông Lý Nhuệ – người từng là Thư ký của Mao Trạch Đông, năm 1985 con trai cả của Hồ Kiều Mộc là Hồ Thạch Anh (khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị) đã bị kết án vì tội gian lận trong kinh tế, vụ án được Ban Bí thư Trung ương chấp thuận và được ông Hồ Diệu Bang phê chuẩn. Khi đó, nhân lúc vợ chồng Hồ Kiều Mộc đang họp bên ngoài, một đội do Hàn Thiên Thạch khi đó là Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương dẫn đầu – đã đến khám xét tìm thấy một bao Nhân dân tệ dưới gầm giường của con trai Hồ Kiều Mộc, và vụ án đã được kết luận.
Đây là chuyện mà Hàn Thiên Thạch đích thân nói với ông Vương Hữu Quần. Vì lý do này, Hồ Kiều Mộc thường bắt chuyện với Đặng Tiểu Bình và nói những điều không hay về Hồ Diệu Bang.
Vụ việc gây chấn động lớn ở Trung Nam Hải. Bởi vì con cái của các trưởng lão ĐCSTQ đã lợi dụng quyền lực của cha mẹ để “làm giàu trước”, không chỉ Hồ Thạch Anh mà cả hệ thống. Động thái của Hồ Diệu Bang một lần nữa làm dấy lên bất bình trong giới nguyên lão ĐCSTQ.
Có người từng làm việc cho cựu Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Vạn Lý chia sẻ, lúc đó giới nguyên lão ĐCSTQ ai nấy cảm thấy bản thân gặp nguy, điển hình nhất phải kể là Chủ tịch nước lúc bấy giờ là Lý Tiên Niệm, ông ta đã cảnh báo những người xung quanh và các con: Hồ Diệu Bang không quan tâm chuyện người thân quen gì, phải cẩn thận không rơi vào tay ông ấy thì tôi cũng không cứu được.
Thứ tư, bị buộc tội chống tư sản không hiệu quả
Sau khi ĐCSTQ dùng chính sách cải cách mở cửa, nhiều quan chức và học giả Trung Quốc ra nước ngoài đều thấy giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế, quân sự… của các nước tư bản mạnh hơn Trung Quốc. Do đó có xu thế đề xuất rằng Trung Quốc không chỉ học công nghệ tiên tiến của phương Tây mà cũng nên học hỏi từ chính trị, cơ chế, văn hóa phương Tây…
Trung Quốc những năm 1980 có xu thế học từ phương Tây, trong đó nhiều lời nói và hành động của Hồ Diệu Bang đã đóng một vai trò quan trọng.
Sau xuất hiện phong trào đấu tranh dân chủ của sinh viên vào tháng 12/1986, Đặng Tiểu Bình và nhiều quan chức kỳ cựu hàng đầu khác của ĐCSTQ đã cùng tấn công Hồ Diệu Bang, vì cho rằng làm không hiệu quả trong việc chống lại tư sản tự do hóa.
Hồ Diệu Bang nói 10 từ cuối khi bị buộc phải từ chức
Chương 4 của cuốn sách “Con người Giang Trạch Dân” (Giang Trạch Dân kỳ nhân) mô tả thực trạng khi Hồ Diệu Bang bị buộc phải từ chức, ông đã “nhận lỗi” trái với lương tâm mình, đến mức bật khóc to như đứa trẻ, và nói 10 từ khiến những quan chức cấp cao của ĐCSTQ còn lương tâm phải thấy hổ thẹn.
Theo những người chứng kiến, ông Hồ Diệu Bang đã bị buộc phải từ chức tại cuộc họp về đời sống dân chủ do những quan chức cao nhất như Đặng Tiểu Bình, Trần Vân, Bành Chân, Bạc Nhất Ba, Vương Chấn… tổ chức vào ngày 16/1/1987. Gọi là “từ chức” nhưng nói chính xác có thể xem là “bị phế bỏ”. Tại cuộc họp, khi Hồ Diệu Bang nghe tin mình bị buộc phải từ chức, ông đã choáng váng và sốc đến mức trong một lúc không thể nói nên lời.
Phát biểu từ người bạn lâu năm của ông Hồ trong cuộc họp đó, khiến kết cục của ông càng được khẳng định. Hồ Diệu Bang đã tự kiểm điểm bản thân trái với tâm ý (điều đó khiến ông hối hận cho đến khi qua đời), cuối cùng ông đã nói 10 từ:
“Có thể không làm việc, nhưng cần phải làm người”.
Sau cuộc họp đấu tố, ông Hồ Diệu Bang bật khóc không giấu diếm như một đứa trẻ. Điều làm ông đau lòng là tại sao người bạn tri kỷ suốt mấy chục năm lại có thể “ra tay” với ông vào lúc đó.
ĐCSTQ không cần những người như Hồ Diệu Bang, ai cần “làm người” là phải ra ngoài, ai lên tiếng cho dân chủ tất yếu sẽ là mối đe dọa cho chính quyền chuyên chế. Bành Đức Hoài, Hồ Diệu Bang và sau này là Triệu Tử Dương, đều là những bằng chứng rõ ràng. Giang Trạch Dân là kẻ xu nịnh, dối trá, đàn áp nhân dân không thương tiếc, chính là loại người mà ĐCSTQ cần nhất, vì vậy Giang dần trở thành mục tiêu được các “ông trùm” của Đảng trọng dụng.
Trương Bình, Vision Times
Từ khóa Chính trị Trung Quốc Lịch sử Trung Quốc Đặng Tiểu Bình Hồ Diệu Bang