25 năm nỗ lực giúp thế giới nhận thức được sự tà ác của ĐCSTQ
- Bình Minh
- •
Trưa ngày 21/4, hàng ngàn học viên Pháp Luân Công và những người ủng hộ ở New York đã tổ chức một cuộc tuần hành và mít tinh lớn tại Flushing, nhân kỷ niệm 25 năm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công tại Trung Nam Hải (25/4/1999). Ông Trần Sấm Sáng, luật sư kiêm Giám đốc điều hành của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc, đã phát biểu tại cuộc mít tinh.
Các học viên Pháp Luân Công kêu gọi tất cả mọi người cùng tham gia giải thể Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và chấm dứt hoàn toàn cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài suốt 25 năm qua.
Ngày 25/4/1999, hơn 10.000 người tập Pháp Luân Công từ khắp Trung Quốc tới bên ngoài Trung Nam Hải, tập trung dọc theo những bức tường đỏ bao quanh khu phức hợp chính phủ trên phố Phủ Hữu để thỉnh nguyện cho quyền tự do tập luyện Pháp Luân Công, môn khí công tu Phật còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
Ông Trần Sấm Sáng ca ngợi Pháp Luân Công vì 25 năm nỗ lực không ngừng, giúp nhiều người hơn nhận thức được sự tàn ác của ĐCSTQ. Ông ca ngợi các học viên Pháp Luân Công là những người bảo vệ tự do và công lý.
Dưới đây là bài phát biểu của ông:
“Kính thưa quý vị,
Vào ngày 25/4/1999, một nhóm người thỉnh nguyện ôn hòa đã tập trung tại Bắc Kinh, xung quanh văn phòng của nhà cầm quyền Trung Quốc. Họ không vung vũ khí hay hô khẩu hiệu, mà chỉ lặng lẽ bày tỏ yêu cầu của mình.
Tuy nhiên, đêm hôm đó, Tổng Bí thư ĐCSTQ, Giang Trạch Dân, đã gửi một bức thư mật cho các đồng nghiệp cấp cao nhất của mình. Ông ta gọi cuộc thỉnh nguyện này là vụ việc lớn nhất ở Bắc Kinh sau sự kiện thảm sát học sinh, sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Ông ta nghi ngờ vụ việc này có mối quan hệ với phương Tây và nước ngoài.
Hơn một tháng sau, vào thứ Hai, ngày 7/6/1999, cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ đã quyết định đàn áp Pháp Luân Công. Thậm chí Giang Trạch Dân còn gọi đây là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ sự kiện thảm sát ngày 4/6/1989.
Sự bóp méo trắng trợn này đáng để suy nghĩ. Có một câu nói nổi tiếng trong ‘Tả Truyện’ rằng: ‘Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội’ (Người dân vốn không có tội gì, nhưng vì có ngọc quý nên lại bị kết tội).
Tại sao cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công lại trở thành điều mà lãnh đạo ĐCSTQ gọi là vụ việc nghiêm trọng nhất?
Trên thực tế, trong thời kỳ đó, một làn sóng thất nghiệp trong giới công nhân của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc lan rộng khắp đất nước, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Trên bình diện quốc tế, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư đã bị đánh bom. ĐCSTQ đang tích cực tìm cách gia nhập WTO, với những triển vọng không chắc chắn.
Những sự cố này càng làm tăng thêm sự lo lắng của ĐCSTQ. Bởi vì nguồn gốc quyền lực của ĐCSTQ là bất hợp pháp vì họ không được bầu chọn. ĐCSTQ luôn lo lắng về việc mất quyền lực, nên tìm kiếm kẻ thù khắp nơi, và coi những người thỉnh nguyện ôn hòa là đối tượng của cuộc đấu tranh chính trị.
Vì vậy, Giang cho rằng: ‘Đây là cuộc đấu tranh chính trị giữa các thế lực thù địch trong và ngoài nước với đảng ta, để tranh giành quần chúng và chức vị’.
Năm sau, tức năm 2000, Giang chủ trương “dùng đức trị nước” và nói về vấn đề liêm chính. Ông hỏi vì sao các quan chức cấp cao và trí thức lại tin vào Pháp Luân Công mà không cần đến Marx và chủ nghĩa xã hội?
Giang Trạch Dân ban đầu tuyên bố rằng ông ta sẽ “tiêu diệt Pháp Luân Công” trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, điều ông ta không ngờ tới là Pháp Luân Công hiện đã lan rộng đến hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Sau 25 năm bị đàn áp, Pháp Luân Công vẫn không biến mất, mà còn trở thành tổ chức lớn nhất chống lại ĐCSTQ. Cuộc đấu tranh của họ từ lâu đã vượt qua xiềng xích chính trị và trở thành biểu tượng của đức tin.
Cá nhân tôi cũng đã được các bạn Pháp Luân Công giúp đỡ. Từ năm 2006, chính nhờ phần mềm Freegate (vượt tường lửa internet) do họ phát triển, cánh cửa đến với thế giới thông tin tự do đã mở ra cho tôi, giúp tôi thoát khỏi những ràng buộc của bức màn sắt thông tin. Ân tình này tôi sẽ luôn ghi nhớ trong lòng.
Ngày nay, ĐCSTQ đang cố gắng chặn Internet. Nhưng tôi tin rằng những người có khả năng vượt qua sự phong tỏa này nhất vẫn là những người bạn Pháp Luân Công. Họ liên tục cập nhật công nghệ của mình ở nước ngoài, phát tờ rơi ở trong nước, và kiên quyết truyền bá sự thật.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lưu ý rằng cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đã đầu độc tâm trí của nhiều người dân Trung Quốc. Họ không chỉ chấp nhận việc chụp mũ Pháp Luân Công là ‘tà giáo’, mà còn tán thành việc tra tấn các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Những người Trung Quốc này đã nhắm mắt làm ngơ trước những câu chuyện nội bộ của ĐCSTQ bị các học viên Pháp Luân Công vạch trần.
Họ không hiểu và không muốn thừa nhận sự nhất quán của các nhà lãnh đạo của tổ chức thổ phỉ ĐCSTQ trong việc duy trì chế độ toàn trị. Vì vậy, mọi người trên thế giới ngày nay sẽ ngạc nhiên rằng vì sao ông Tập Cận Bình vẫn cứng đầu đến vậy.
Tôi cá rằng rất ít người trong số này biết về bài phát biểu ngày 7/6/1999 của Giang Trạch Dân về việc đàn áp Pháp Luân Công, chứ đừng nói đến việc đồng ý với suy nghĩ hiện tại của ông Tập Cận Bình.
Trong 25 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã tiến hành một cuộc đấu tranh gian khổ chống lại chính quyền ĐCSTQ. Thông qua những nỗ lực không ngừng nghỉ, họ đã khiến nhiều người hơn nhận thức được sự tàn ác và tà ác của ĐCSTQ.
Họ đã dùng đức tin và lòng can đảm của mình để trở thành những người bảo vệ tự do và công lý. Chúng ta hãy tri ân những anh hùng này và tự hào về lòng dũng cảm và sự hy sinh của họ.
Cảm ơn quý vị.”
Ba tháng sau cuộc thỉnh nguyện ôn hòa, tháng 7/1999, ĐCSTQ đã phát động một cuộc bức hại có hệ thống trên khắp cả nước. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ban hành một loạt mệnh lệnh đối với các học viên nhằm “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể” và “đánh chết sẽ được coi là tự sát.”
Một số người nói rằng chính vì các học viên Pháp Luân Công đã “bao vây Trung Nam Hải” nên sau này ĐCSTQ mới đàn áp Pháp Luân Công. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Bà Mạnh Giai Mỹ, một cây bút tự do của tờ Mùa xuân Bắc Kinh tại New Zealand, cho biết những gì các học viên Pháp Luân Công đã làm nằm trong quyền cơ bản của công dân về tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận.
Ông Thương Tùng, một nhà bất đồng chính kiến hiện đang sống tại Ireland, nói: “Sự đàn áp và ngược đãi của chính phủ sau đó đã vi phạm sự bảo vệ của pháp luật đối với các quyền cơ bản của công dân. Nó cũng làm mất đi lòng tin của người dân vào chính quyền. Bởi vậy điều đó thật đáng tiếc và bất công.”
Từ khóa Pháp Luân Công Cuộc kháng nghị ngày 25.4 Sự kiện 25.4 Sự kiện ngày 25.4 Cuộc thỉnh nguyện ngày 25.4