Màn diễn sinh động về nhân quyền của ĐCSTQ tại Olympic Bắc Kinh
- Trần Phá Không
- •
Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 diễn ra với nhiều vấn đề gây tranh luận chưa có tiền lệ: dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), tình trạng giám sát, chi phí khổng lồ, bóng đen vi phạm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các biện pháp cách ly nghiêm ngặt đã cho phép các vận động viên, đoàn đại biểu và phóng viên từ các nước nhập cảnh được chẩn đoán là dương tính với COVID-19 và bị cách ly được chứng kiến cái gọi là mô hình phòng chống dịch Zero-Covid của Trung Quốc. Lúc này, họ mới nhận rõ trong 2 năm qua, người Trung Quốc đã phải chịu đựng như thế nào. Nghĩa là nhân danh phòng chống dịch, chính phủ có thể thực thi mọi biện pháp để tước đoạt và chà đạp nhân quyền. Những thảm cảnh tại Vũ Hán và Tây An là biểu hiện tiêu biểu nhất, khắp Trung Quốc đều có vô số những Vũ Hán và Tây An thu nhỏ, chẳng hạn như Thụy Lệ ở Vân Nam và Vũ Châu ở Hà Nam.
Cuối cùng mọi người mới thực sự tin: vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Trung Quốc là hệ quả của chế độ độc tài.
Nếu còn chưa kể đủ, hãy xem thêm việc cảnh sát ĐCSTQ trực tiếp dàn dựng màn kịch ngăn chặn quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận: Một nhóm cảnh sát ĐCSTQ đã công khai chặn việc đưa tin bình thường của các phóng viên Hà Lan bên ngoài nơi làm lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông, cảnh lôi kéo và ẩu đả này được truyền hình trực tiếp cho cả thế giới để các nước xem thế nào là quốc gia cảnh sát, thế nào là khủng bố nhà nước.
Một bóng đen khác lấp ló trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh là vấn đề Tân Cương. ĐCSTQ đã thiết lập các trại tập trung khắp Tân Cương, giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và lao động cưỡng bức. Để che mắt cộng đồng quốc tế, phía Trung Quốc đã bố trí đặc biệt cho một vận động viên Duy Ngô Nhĩ xuất hiện và thắp sáng ngọn đuốc Olympic tại lễ khai mạc. Nhưng sau khi thắp đuốc, vận động viên này đã nhanh chóng biến mất khiến giới truyền thông không thể phỏng vấn cô cũng như tìm thấy cô. Không còn nghi ngờ gì về số phận bi thảm của người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp nhân quyền: Một người Duy Ngô Nhĩ vừa xuất hiện đã biến mất này là một màn kịch chính trị.
Sự xuất hiện của Bành Soái (Peng Shuai) càng minh chứng cho vấn đề. Một trong những chủ đề của Thế vận hội Mùa đông là “Bành Soái đang ở đâu?”. Dưới áp lực từ tiếng nói của cộng đồng quốc tế, cuối cùng Bành Soái cũng bước ra sân khấu. Chỉ cần nhìn vào những điều kiện tiên quyết mà phía Trung Quốc sắp xếp, để Bành Soái có thể nhận lời phỏng vấn độc quyền với tờ báo thể thao L’Equipe của Pháp, thì hoàn cảnh của Bành Soái hoàn toàn bị phơi bày. Các điều kiện này bao gồm:
– Các câu hỏi do L’Equipe đưa ra phải được gửi trước cho phía Trung Quốc. Có nghĩa là phía Trung Quốc phải xem xét danh sách các câu hỏi, lựa chọn và sửa đổi, đồng thời sắp xếp trước cho Bành Soái và những người có liên quan diễn tập trả lời sao cho kín kẽ không bị lộ.
– Bành Soái chỉ có thể trả lời bằng tiếng Trung do quan chức Ủy ban Olympic Trung Quốc đi cùng phiên dịch lại. Có nghĩa là Bành Soái không được phép sử dụng tiếng Anh hoặc bất kỳ ngoại ngữ nào khác để đảm bảo rằng các quan chức Trung Quốc và giám sát hậu trường có thể nghe hiểu được; còn khi các quan chức Trung Quốc phiên dịch lại thì đó có thể là lời gốc của Bành Soái, hoặc có thể được sửa đổi. Các quan chức Trung Quốc có toàn quyền kiểm soát nội dung các câu trả lời.
– Tờ L’Equipe chỉ được đưa tin đúng theo từng câu chữ trả lời của Bành Soái mà không có bất kỳ sự chỉnh sửa, tô điểm và giải thích thêm.
Tất cả những điều kiện tiên quyết này đều phản ánh tâm thái “kẻ gian chột dạ”. Phía Trung Quốc đã bày binh bố trận nghiêm ngặt như vậy, nhưng Bành Soái vẫn để lộ vấn đề trong cuộc phỏng vấn. Khi một phóng viên của L’Equipe hỏi: Kể từ khi vụ việc giữa cô và ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) bị đưa ra ánh sáng, Chính phủ Trung Quốc đã có biện pháp nào chống lại cô chưa? Bành Soái không trả lời trực tiếp mà chuyển chủ đề: Việc cá nhân và quyền riêng tư của tôi nên tách khỏi thể thao và chính trị.
Điều thú vị là không biết cô nói điều này cho truyền thông hay Chính phủ Trung Quốc? Vì Chính phủ Trung Quốc đã khiến các bài đăng của cô biến mất và hủy tài khoản Weibo của cô chỉ vì cô tiết lộ chuyện cá nhân và quyền riêng tư. Chính phủ Trung Quốc đã liên kết các vấn đề cá nhân và quyền riêng tư của cô với thể thao và chính trị. Lý do rất đơn giản: Nhân vật chính của vụ xâm hại tình dục do Bành Soái vạch trần là cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng ĐCSTQ, ông ta là thành viên của nhóm lợi ích cao nhất và giữ chức vụ cao nhất.
Sự xuất hiện của Bành Soái không những không giải tỏa được những lo ngại của thế giới bên ngoài về hoàn cảnh của cô, mà một lần nữa khẳng định cô đang ở trong hoàn cảnh tồi tệ và bị chính quyền ĐCSTQ theo dõi và quản thúc, biến tướng của một hình thức giam lỏng. Nếu Bành Soái khăng khăng rằng cô vẫn có quyền tự do sống, thì đó chỉ là sự tự do sống có giới hạn. Bành Soái tiết lộ trong cuộc phỏng vấn rằng cô đã giải nghệ, ít nhất cho thấy cô đã mất tự do ra nước ngoài.
Tất cả những điều này, từ việc lập kế hoạch hậu trường và biểu diễn trước sân khấu của ĐCSTQ đều quá vụng về. Cộng đồng quốc tế có thêm một bài học sinh động về vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Trần Phá Không
(Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả.)
Nguồn: Đài VOA
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện nhân quyền Trung Quốc Olympic Bắc Kinh 2022 Bành Soái Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh Zero COVID Duy Ngô Nhĩ Trương Cao Lệ