8 câu chuyện cho thấy tình hình nguy kịch của xã hội Trung Quốc
- Trí Đạt
- •
Đứng trước thực trạng xã hội liên tiếp xuất hiện các vấn đề như đạo đức trượt dốc, tham quan hoành hành, thực phẩm độc hại, công trình bị rút ruột, ô nhiễm môi trường v.v, bất kể người Trung Quốc nào cũng cảm thấy nguy hiểm đang rình rập. Gần đây trên mạng xã hội tiếng Trung lan truyền một bài viết chỉ ra 8 ví dụ điển hình để minh chứng cho việc người Trung Quốc ngày nay dường như không còn tin vào điều gì nữa.
1. Cô gái bị xe đâm cầu xin lái xe đừng cán chết mình
Một vụ tai nạn xe xảy ra tại xã Huỳnh Dương, tỉnh Hà Nam, cô gái bị xe đâm trúng mắc kẹt dưới bánh xe, cô liên tiếp kêu đau và khẩn cầu “đừng cán chết tôi”. Câu nói “đừng cán chết tôi” của cô gái cho thấy một sự khủng hoảng niềm tin đối với xã hội đáng để người ta phải suy nghĩ. Xã hội thiếu mất sự chân thành, mức độ tin tưởng giữa người với người bị hạ thấp, quan hệ với nhau trở nên lạnh lùng… Dường như con người ngày càng bước vào một ‘xã hội không quen biết nhau’.
2. Con trai chết đuối, bạn học gọi 56 cuộc để báo tin nhưng gia đình người bị nạn cho rằng là lừa đảo
Một thanh niên họ Trì tại Vũ Hán vị đuối nước tử vong, bạn học gọi liên tiếp 56 cuộc điện thoại để báo tin cho người cha quê ở Phúc Kiến và người thân, nhưng họ đều không tin và cho rằng người gọi điện là kẻ lừa đảo. Cuối cùng người bạn gọi điện cho anh trai thanh niên họ Trì này, nói rõ ngày tháng năm sinh, nơi sinh, tên họ người thân thích thì người này mới bán tín bán nghi, sau đó gọi điện cho em gái đang ở Vũ Hán, bảo cô này đến xem cụ thể thế nào. Sau khi đích thân xác nhận sự thực, người thân mới tin và gào khóc.
3. Nghề ăn xin kiếm được nhiều tiền, sự đồng cảm ngày càng không đáng giá
Tại Trùng Khánh có một người ăn xin họ Diêu, trước đây thường hành nghề một mình tại khu tàu điện ngầm. Về sau người này cùng vợ, mỗi người dẫn một đứa con, giả vờ chân bị tàn phế không đi lại được để lừa sự cảm thông của hành khách, cứ như thế 3, 4 năm trôi qua. Người ăn xin họ Diêu này nói, mỗi ngày kiếm được 500 tệ ( khoảng 1,6 triệu đồng) là anh ta kết thúc công việc. Anh ta mua 2 căn nhà tại Nam Kinh, dùng cách vừa ăn xin vừa đi du lịch đến các nơi như Hồng Kông, Ma Cao để mua sữa bột cho con. Cư dân mạng Trung Quốc than rằng: “Làm sao chịu nổi đả kích này đây!”
4. Sửa ngày sản xuất sữa bò
Sở Công thương tỉnh Chiết Giang thông báo, gần 3.000 hộp sữa gần hết hạn của hãng Mengniu bị thay đổi ngày sản xuất và đem ra bán. Công ty Mengniu cho biết: “Chuyện này là do giám đốc chi nhánh của công ty tại thị xã Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang thông đồng với người khác, Mengniu hiện đang phối hợp với Sở Công thương, Bộ Công an để điều tra vụ án này”, đồng thời cam kết thu hồi và đổi lại những hộp sữa trong vụ án này. Một lần nữa sữa bò lại làm tổn thương trái tim người Trung Quốc.
5. Vận động viên bị thương rớt lại phía sau, CCTV đã có chuẩn bị từ trước
Vận động viên Lưu Vũ của Trung Quốc bị thương trong Olympic Luân Đôn, chân vừa nhảy vừa rời khỏi trường thi đấu. Một lần nữa vở kịch anh hùng lại được diễn, Đài Truyền hình Trung ương CCTV nghẹn ngào giải thích làm khán giả không khỏi xúc động. Tuy nhiên vết thương của Lưu Vũ đã được CCTV biết trước. Có trang báo đưa tin về việc này nói: “Lưu Vũ biết, CCTV biết, lãnh đạo biết, chỉ có khán giả ngốc nghếch chờ đợi kỳ tích”. Cư dân mạng thì nói: “Ngay cả Lưu Vũ cũng bị lợi dụng để lừa gạt thu hút khán giả, chúng ta còn có thể tin gì nữa đây?”
6. Quyên góp nạn lũ ở Bắc Kinh bị hàng ngàn cư dân mạng chửi rủa
Sau trận mưa lớn ngày 21/7/2012, chính quyền thành phố Bắc Kinh phát đi thông tin trên Weibo kêu mọi người quyên góp, nhưng cư dân mạng lại không tin, và có hàng ngàn câu trả lời “quyên cái em mày” (một thuật ngữ của dân mạng Trung Quốc ý chỉ không tin tưởng vào công việc từ thiện nào đó). Trong cuộc họp báo sau đó, Phó hội trưởng Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc Triệu Bạch Cáp nói ông không hiểu “quyên cái em mày” là có ý gì, nhưng bất cứ tình cảm nào của người dân đều là động lực quan trọng để Hội Chữ thập Đỏ thay đổi cách làm việc hiệu quả hơn.
7. Người già ngã không ai đỡ, người nước ngoài nhìn thấy vừa khóc vừa mắng
Một người lớn tuổi bị ngã trên đường Hoài Hải, thành phố Thượng Hải, đầu bị va đập khiến chảy nhiều máu. Người xung quanh gọi điện thoại cấp cứu nhưng không có ai dám đỡ dậy. Một phụ nữ nước ngoài đi qua, nhìn thấy tình cảnh đáng thương liền lớn tiếng mắng người xung quanh lạnh nhạt, đồng thời người phụ nữ này còn lấy tiền của mình ra với ý muốn trả tiền thuốc thang viện phí. Sau đó cảnh sát đến hiện trường và gọi cấp cứu lần nữa, cuối cùng cụ già cũng được đưa đi viện.
8. Giày da biến thành sữa chua, nỗi khiếp sợ vẫn còn
Mấy năm nay, chức năng của giày da luôn được mở rộng, trở thành “Bách biến tinh quân” trong giới thực phẩm, dược phẩm ở Trung Quốc. Từ đó, giày da không những được người ta đi dưới chân, mà còn được sửa sang tô vẽ, và lên bàn ăn của con người. Nó có thể là sữa chua, có thể là thạch rau câu, có thể là viên thuốc con nhộng. Cư dân mạng còn nhiệt tình chế giễu “Bách biến tinh quân” giày da: “Muốn ăn thạch rau câu, hãy liếm giày da; muốn ăn sữa chua, hãy liếm giày da; bị cảm cúm muốn uống thuốc, hãy liếm giày da”.
Giới trẻ Trung Quốc sinh ra và lớn lên trong một môi trường như thế, toàn bộ xã hội đều bị bao trùm bởi làn khói mù không tin tưởng nhau. Người ta bị rơi tuột vào hố sâu của khủng hoảng niềm tin, muốn được an toàn, nhưng không biết đặt vào đâu. Trong luồng không khí lạnh lẽo ấy, rất nhiều người đã đặt câu hỏi là vì sao. Cũng có người nói, nghèo đến cực điểm còn có thể phất cờ nổi dậy, chứ đạo đức xã hội biến mất rồi thì cơ hội để vực dậy cũng không còn có nữa.
Đạo đức tiêu vong còn nguy hiểm hơn cả bần cùng
Trung Quốc hiện nay, ở góc độ “sống yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy”, đó là một xã hội phồn hoa ẩn chứa nguy cơ bốn bề. Vật chất dù phồn vinh, nhưng thế giới tinh thần lại vô cùng hoang phế hư không. Con người sống trong thời đại buông thả, coi tiền bạc là trên hết, phương diện luân lý đạo đức có quá nhiều thay đổi so với thời “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” còn thịnh vượng, thay vào đó giờ đây chỉ còn có tự tư, giả tạo, thờ ơ, hủ bại, v.v…
1. Khủng hoảng tín ngưỡng
Không ít người dân Trung Quốc không còn có lý tưởng, không có tín ngưỡng, chỉ biết oán trời trách đất, nhưng bản thân lại không muốn trả giá bằng bất cứ thứ gì, hàng ngày ăn không ngồi rồi chỉ biết chìm đắm trong hưởng lạc của cuộc sống, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân cực đoan lan tràn.
2. Đạo đức dần biến mất
Con người bây giờ vì thăng quan mà a dua nịnh hót, vì tư lợi mà không từ thủ đoạn, đối mặt với cái ác mà im lặng không nói gì, thấy nỗi bất hạnh của người khác mà vui mừng trong lòng, thấy người khác sức yếu thế cô mà hống hách ức hiếp. Dưới sự thúc đẩy của kim tiền, sự cuồng nhiệt, đạo đức, hiền tài, liêm khiết đều bị vứt xó, ‘nhân nghĩa lễ trí tín’ bị vứt bỏ, các hiện tượng xã hội đáng lên án liên tiếp xuất hiện như ngược đãi cha mẹ, vứt bỏ con cái, hút hút ma túy, cờ bạc, bán dâm, v.v. Hàng ngày chúng ta đều có thể thấy các tin tức như giết người, trộm cướp, tham ô, hối lộ, mua bán ma túy… Rất nhiều người đã mất hoàn toàn nhân cách cơ bản của con người như: lòng tự tôn, dũng cảm, thiện lương. Người Trung Quốc xưa kia vốn không biết đến cửa chống trộm là gì thì nay nó được lắp đặt khắp nhà, nhưng chống cũng không thể chống hết được, chi phí cho việc phòng chống trộm trên toàn Trung Quốc là con số thiên văn không thể ước lượng.
3. Giả dối tự tư
Toàn xã hội ngập tràn giả dối: thuốc lá giả, rượu giả, thuốc giả, tình giả, ý giả, lời giả dối, văn bằng giả, văn hóa giả, con số giả, thành tích giả, thông tin giả, tin tức giả, ngay cả ảnh cũng có thể giả, lãnh đạo xuống cấp dưới kiểm tra, chuẩn bị đến chỗ nào thì chỗ đó sẽ được sắp đặt trước để giả giàu có và phát triển…
Công trình nghiệm thu chất lượng, đưa tiền nhiều thì đánh giá tác động môi trường sẽ trong ngưỡng cho phép, đưa tiền ít thì chưa đạt ngưỡng, thật chỉ biết chạy theo lợi ích mà không thèm đếm xỉa gì tới luân lý. Nhiều người trong mắt chỉ có tiền, chỉ tìm con đường có tiền mà đi. Ngay cả thanh niên cũng nhiễm độc hại, học sinh lựa chọn ngành học cũng vì sau này có thể kiếm được nhiều tiền. Các ngành học như triết học, lịch sử, địa lý thì chẳng ai ngó ngàng tới. Một số người cũng được coi là có “văn hóa”, nhưng là thứ văn hóa phù phiếm như “văn hóa” đồ ăn nhanh, “văn hóa” sắc tình, “văn hóa” giết người, “văn hóa” rác rưởi. Trên xe bus công cộng dán đầy những hình ảnh mang tính bạo lực giết người, lại còn quảng cáo khắp nơi. Có nhiều người “nghèo” đến nỗi chỉ còn sót lại tiền, họ trở thành robot chuyên kiếm tiền, vì tiền mà có thể giết người phóng hỏa. Trước đây, tại nông thôn, mỗi khi mở hội họp, mọi người đều tranh nhau đến, còn bây giờ thì phải cho tiền để người ta đến. Ngay cả phóng viên muốn chụp ảnh một con trâu, cũng phải trả tiền cho chủ nhân của con trâu đó. Cư dân mạng than thở: “Xã hội này còn điều gì có thể làm cảm động lòng người đây?“
4. Đạo đức xã hội bị lãng quên
Tâm kính trọng trời đất của người Trung Quốc xưa hiện nay không còn nữa, luân lý ngược với lẽ thường, lòng người biến đổi thành hiểm ác. Nhiều người trong môi trường công cộng lạ lẫm đã cố ý phá hoại quy tắc chung. Ai cũng chiếm đoạt tài nguyên một cách điên cuồng, làm môi trường trở nên xấu xí, lẽ nào giọt nước cuối cùng lại không phải là nước mắt của con người sao?
5. Giải trí phù phiếm chiếm cứ không gian phát triển chân thiện mỹ
Mở tivi lên, phần lớn là các chương trình vô bổ, nhí nhố, bạo lực, tuyên truyền… Trong đó những thứ làm người xem cảm động, đề cao tình người và mang tính giáo dục quá ít. Các kênh truyền thông cũng chạy theo tiền, chỉ cần thu hút được ánh mắt theo dõi của khán giả thì việc gì họ cũng dám làm.
Căn nhà dù bạc tỷ, nhưng chỉ một ngọn lửa là có thể thiêu rụi thành tro bụi, điện thoại dù hấp dẫn cũng chỉ mang lại cảm giác hạnh phúc trong khoảng một tháng, xe thì được một năm, nhà có thể là 10 năm, nếu chỉ có vật chất thôi thì không thể mang lại hạnh phúc lâu dài và bền vững. Người Trung Quốc nếu muốn thay đổi và xóa bỏ những vấn đề của xã hội, cần phải coi trọng tác dụng giáo dục của văn hóa, dùng văn hóa để nuôi dưỡng chân thiện mỹ của con người, nuôi dưỡng hành vi và tập quán văn minh, coi trọng đạo đức, thì mới có cơ may còn cứu vãn được tương lai của dân tộc.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc