Bác sĩ bệnh viện Quân y Tây Kinh: Hiến tạng “căn bản không phải là tự nguyện”
- Minh Nhật
- •
Đầu tháng 2 vừa qua, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã công bố loạt bằng chứng ghi âm cuộc gọi điện thoại trong một cuộc điều tra mới diễn ra 20 ngày, cho thấy chính quyền Trung Quốc vẫn đang tiếp tục việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm. Các điều tra viên của tổ chức này đã giả làm bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân cần cấy ghép tạng để gọi điện tới các bệnh viện ghép tạng tại Trung Quốc nhằm thu thập chứng cứ. Trong các băng thu âm này, đáng chú ý nhất là cuộc nói chuyện với bác sĩ Lý Quốc Vỹ (Li GuoWei), thuộc Bệnh viện Đại học Quân y Không quân Tây Kinh, về việc hiến tạng và cấy ghép tạng.
Bệnh viện Tây Kinh nằm ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, thuộc đại học Quân y Không quân, là bệnh viện hạng 3. Từ ngày 26/12/2019 đến ngày 15/01/2020, WOIPFG lấy thân phận là người nhà của bệnh nhân đã liên lạc với bác sĩ ghép thận Lý Quốc Vỹ để tìm hiểu về nguồn gốc của thận. Hai điều tra viên của tổ chức đã thu được 5 đoạn ghi âm bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng.
Trong các đoạn băng được công bố, bác sỹ ghép thận Lý Quốc Vỹ cho biết bệnh viện có thể tìm được người hiến tạng còn trẻ tuổi và có thể trạng tốt. Ông nói: “Dưới 30 tuổi, không có bệnh nguyên phát. Người nhiều tuổi nhất mới gần 30 tuổi. Tôi nói là 30 tuổi, nếu may mắn còn có thể gặp được người mới hơn 20 tuổi, tức là có thể mới chỉ trong khoảng 20 tuổi, trong khoảng 15 – 20 tuổi, điều này đều có thể xảy ra.”
Ông Lý Quốc Vỹ còn khẳng định, nếu như người nhà bệnh nhân lo bệnh viện lừa dối, dùng người cung cấp tạng cao tuổi, thì có thể đưa bệnh nhân và gia đình trực tiếp đến xem quá trình lấy tạng. Ông nói: “Đến lúc đó, chỉ cần mọi người to gan, chỉ cần mọi người lớn mật, chỉ cần đến lúc đó có người đến bệnh viện chúng tôi, mọi người chỉ cần dám xem thì tôi có thể dẫn mọi người đến tận đầu giường của người đó xem một chút… Nhất định đến lúc đó tôi có thể để mọi người xem một chút, chắc chắn để mọi người tận mắt nhìn thấy người này mới 20 tuổi… Chỉ sợ mọi người nhát gan không dám xem, chỉ cần dám xem thì có thể xem được.”
Khi điều tra viên hỏi nội tạng của người cung cấp có được lấy ra trực tiếp ở bệnh viện Tây Kinh hay không, bác sĩ Lý Quốc Vỹ đã tiết lộ rằng trước đây việc cấy ghép tạng ở bệnh viện này từng được đưa ra ngoài, thực hiện tại biệt thự hoặc phòng khám nhỏ: “Sau khi lựa chọn được người cung cấp tạng rồi, đến lúc lấy tạng, toàn bộ đều được thực hiện ở trong bệnh viện, sẽ không phải làm ở bên ngoài, phòng khám nhỏ gì chứ, hiện giờ không như vậy… Tất cả các thủ thuật trị liệu đều được hoàn thành trong bệnh viện Tây Kinh, sẽ không đưa ông đến biệt thự bên ngoài hay gì đâu… Trước kia xác thật là có.”
Khi được hỏi kỹ hơn về nguồn gốc nội tạng có phải từ chợ đen không, bác sĩ Lý Quốc Vỹ lại tiếp tục phủ nhận: “Trước kia, những điều mà ông nói, thời điểm cách đây khoảng 11, 12 năm thì có rất nhiều. Người ở chợ đen, họ là những người còn sống. Đây là việc từ rất lâu trước kia.”
Khi điều tra viên đặt câu hỏi, người Trung Quốc giảng chôn cất là an yên, việc bảo toàn thi thể là quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, thế thì liệu có thể có nhiều người hiến tạng như vậy được không? Bác sĩ Lý Quốc Vỹ nói: “Đúng như ông nói, người Trung Quốc cảm thấy việc phải lưu lại thi thể toàn vẹn mới là đúng, hiện tại rất nhiều người nói là hiến tạng tự nguyện nhưng kỳ thực căn bản không phải là tự nguyện.”
Trong “Báo cáo chất lượng an toàn và dịch vụ chữa bệnh quốc gia” ngày 9/10/2019 của Ủy ban sức khỏe và vệ sinh quốc gia Trung Quốc có đề cập, số lượng hiến tạng và cấy ghép tạng của Trung Quốc đứng thứ 2 trên thế giới và đứng thứ nhất ở Châu Á. Trong số ca cấy ghép tạng đã hoàn thành vào năm 2018, 87.97% số tạng là có nguồn gốc từ những người sau khi qua đời quyên tặng. 12.03% số tạng là có nguồn gốc từ những người thân của bệnh nhân hiến tạng. Báo cáo nêu, tính đến hết năm 2018, số lượng nội tạng quyên tặng đã vượt quá 52.000.
Nhưng từ cuộc đối thoại với bác sĩ Lý Quốc Vỹ tại bệnh viện quân đội Tây Kinh, có thể đặt ra nhiều nghi vấn: Người dưới 30 tuổi, không có bệnh nguyên phát, có những trường hợp mới 20 tuổi, lại không phải là hiến tạng tự nguyện. Như vậy nguồn hiến tạng là từ đâu nếu không phải là chợ đen? Vì sao trước kia việc lấy tạng của người hiến và việc ghép tạng lại phải đưa ra ngoài thực hiện tại các bệnh viện nhỏ hoặc biệt thự?
Tháng 1/2019, Forbes từng dẫn các chứng cứ của WOIPFG được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2018, cho thấy các bệnh viện Trung Quốc vẫn đang cấy ghép nội tạng từ tù nhân lương tâm.
Ngày 14/11/2019, tạp chí khoa học BMC (BioMed Central) có trụ sở tại Anh quốc đăng tải một bài báo khoa học trong chuyên ngành Đạo đức y khoa (Medical Ethics), phân tích dữ liệu hiến tạng của Trung Quốc. Bài báo cho thấy các dữ liệu này đã bị “làm sai lệch và khống chế một cách có hệ thống” bởi các quan chức Trung ương của chính quyền Trung Quốc.
Liên quan đến vấn đề hiến tặng nội tạng tự nguyện, bác sĩ Lý Huy Qua (Li HuiGe), giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học thuộc Đại học Johannes Gutenberg, trường đại học lớn thứ 5 ở Đức, chia sẻ:
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng trước năm 2010, các cơ quan tạng cho cấy ghép chủ yếu đến từ các tù nhân bị hành quyết. Tuy nhiên, số vụ tử hình, cho dù con số ước tính cao nhất, cũng quá thấp so với số ca cấy ghép được thực hiện. Số ca cấy ghép thậm chí tiếp tục tăng mạnh sau năm 2007, dù thời điểm đó các vụ hành quyết đã chính thức giảm. Có thể thấy, phần lớn tạng cấy ghép không đến từ các tù nhân bị hành quyết, mà từ việc giết hại tù nhân lương tâm vốn không bị kết án tử hình một cách hợp pháp.
Trong cuộc phỏng vấn với một tạp chí nhân quyền của Ý, bác sĩ Lý Huy Qua cũng chỉ ra điểm bất hợp lý lớn nhất trong hệ thống ghép tạng Trung Quốc là thời gian chờ đợi nội tạng thích hợp quá ngắn ngủi: “Thời gian chờ đợi ngắn này chỉ khả thi trong trường hợp có tồn tại sẵn một nguồn tạng sống khổng lồ và ‘những người hiến tạng’ có thể bị giết theo nhu cầu mua bán tạng.”
Trong Tuyên án của Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc công bố vào ngày 17/6/2019, ngài Geoffrey Nice, luật sư Anh Quốc từng đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế, đã tuyên bố chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc phạm tội ác chống lại loài người khi thực hiện hành vi thu hoạch nội tạng trên quy mô rất lớn. Nạn nhân chính không phải là tử tù, mà là tù nhân lương tâm bị bắt giữ chỉ vì tín ngưỡng, trong đó số lượng lớn nhất là người tập Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ.
Bằng chứng ghi âm đề cập tới đăng tải tại đây.
Minh Nhật
Từ khóa Thu hoạch nội tạng Đàn áp tín ngưỡng Dòng sự kiện