Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc cấm đưa tin bất lợi về Nga
- Từ Hi
- •
Ngay khi Nga chính thức tấn công Ukraine vào ngày 24/2, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố tinh thần “đưa tin tích cực” về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine; người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cũng không công nhận Nga “xâm lược”. Hiện nay tin tức về cuộc chiến Nga-Ukraine đã lọt vào top tìm kiếm nóng, còn giới dư luận viên ĐCSTQ thì cổ vũ cho Putin.
Vài diễn biến mới của hoạt động xâm lược
Hôm 24/2, Nga đã phát động tấn công quân sự vào Ukraine cả trên bộ, trên biển và trên không, đây là hoạt động tấn công quân sự lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II do một nước này nhắm vào một nước khác.
Một số trung tâm chỉ huy quân sự của Ukraine đã bị tấn công. Theo các nhân chứng, khói đen bốc lên nghi ngút từ các tòa nhà của Bộ Quốc phòng và trụ sở tình báo ở Kiev. Cuộc họp báo của cố vấn tổng thống Ukraine vào ngày 24/2 cũng cho biết bị tấn công bởi một làn sóng tên lửa thứ hai của Nga.
Hiện tại, nhiều thành phố ở Ukraine đã bị tấn công đạn pháo, những tiếng nổ vang dội ngay tại Thủ đô Kiev, cảng Biển Đen tại Odessa, Malibo, thành phố biên giới phía nam Karkov và thành phố tiền tuyến phía đông Kramatorsk.
Theo nguồn tin từ Ukraine, thiệt mạng của quân đội Ukraine đã vượt quá 40 người và hàng chục quân nhân bị thương.
Có một đoạn video trực tuyến cho thấy cảnh người dân một địa phương ở Ukraine đang đạp xe trên đường thì bất ngờ bị trúng đạn pháo, thổi bay người này xuống đất; một đoạn video khác cho thấy người này nằm gục bên cạnh chiếc xe đạp, cơ thể bị che kín bằng một tấm vải xanh, một phần tứ chi bị gãy, hiện trường bê bết máu.
Được biết Ukraine hiện đã đóng cửa không phận đối với các chuyến bay hàng không dân dụng và thực hiện thiết quân luật trên cả nước.
Bộ Ngoại giao ĐCSTQ tránh gọi hành động của Nga là “xâm lược”
Về cuộc tấn công Ukraine mà Nga thực hiện bất chấp lên án của toàn cầu và các lệnh trừng phạt của nhiều nước, ĐCSTQ từ chối gọi hành động tấn công quân sự của Nga đối với Ukraine là “xâm lược”, điều này đã thu hút sự chú ý từ giới quan sát quốc tế.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/2 của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, có người đặt câu hỏi liệu ĐCSTQ có cung cấp cho Nga vũ khí nào không? Hay có những kế hoạch trợ giúp về vũ khí cho Nga không?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh không nói rõ việc quân đội Nga tiến vào Ukraine, chỉ cho biết rằng Trung Quốc không muốn thấy “những gì đã xảy ra ở Ukraine”. Bà Oánh cũng nhấn mạnh rằng “có lẽ đây là sự khác biệt giữa Trung Quốc và các bạn phương Tây, và chúng tôi sẽ không vội kết luận”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cũng ra thông báo cho biết vào ngày 24/2, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Sergei Lavrov của Nga, được ông Lavrov giải thích về tình hình ở Ukraine và quan điểm của Nga. Ông Vương Nghị cho biết “Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước”, nhưng lại cho rằng vấn đề Ukraine có bối cảnh lịch sử phức tạp và đặc biệt, và Trung Quốc hiểu rõ “‘những quan ngại hợp lý’ của Nga về các vấn đề an ninh”.
Ban Tuyên giáo Trung ương cấm đưa tin bất lợi về Nga
Các phương tiện truyền thông ĐCSTQ đã đưa tin theo đúng những phát biểu trên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ. Tài khoản Weibo của kênh quốc tế Tin tức Bắc Kinh (Bjnews) thậm chí còn đề cập việc không được phép đăng nội dung “bất lợi cho Nga” và “thân phương Tây”. Tuy nhiên hiện chia sẻ này đã không thể tìm thấy được.
Từ ảnh chụp màn hình có thể thấy rằng nội dung của Weibo yêu cầu hoạt động đưa tin phải dựa theo nội dung đăng tải từ các kênh truyền thông chủ chốt của ĐCSTQ như Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa xã, CCTV.
Về vấn đề này, ông Trình Ích Trung (Cheng Yizhong), trước đây là người tham gia sáng lập tờ Nhật báo Đô thị phương Nam (Southcn) và Tin tức Bắc Kinh cho rằng tin tức này là đáng tin cậy. Ông nói với Đài Á châu Tự do rằng quan chức ĐCSTQ luôn áp dụng mô hình kiểm soát này đối với các tin tức thời sự và quốc tế quan trọng. Việc này 100% do yêu cầu từ Ban Tuyên truyền. Không chỉ có Tin tức Bắc Kinh mà cả các cơ quan truyền thông khác cũng phải theo như vậy. Về lập trường và ý kiến trong cuộc xung đột quốc tế lớn này, tất cả đều mang tính chất chung và chỉ có thể công bố nội dung theo Tân Hoa xã, CCTV và Nhân dân Nhật báo.
Một chuyên gia truyền thông kỳ cựu khác của ĐCSTQ (yêu cầu giấu tên) cũng chỉ ra rằng ngay cả các kênh truyền thông từ các cá nhân tự làm cũng phải tuân theo những hạn chế nội dung tương tự khi bình luận về cuộc xung đột này. Dù giới trí thức Trung Quốc từ lâu đã rất ghét Nga và Putin, ngay cả những người theo chủ nghĩa dân tộc chống phương Tây cũng không thích Nga vì việc Nga chiếm đóng những vùng đất rộng lớn trên lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, do bị kiểm soát thông tin nên những tiếng nói chống Nga này đã bị chặn và bị xóa, do đó các phát ngôn ủng hộ Nga được đưa ra không thực sự đại diện cho dư luận Trung Quốc.
Đặc biệt vấn đề tuân thủ kiểm soát ngôn luận này càng được chú trong trong bối cảnh “lưỡng hội” (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân và Đại hội Đại biểu Nhân dân) của ĐCSTQ sẽ được tổ chức vào tuần tới.
Một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông ở Trung Quốc Đại Lục tiết lộ rằng giới chức quản lý truyền thông tại các địa phương đã nhận được thông báo miệng từ các ban tuyên giáo và thành ủy, yêu cầu ban biên tập phải “tuân thủ nguyên tắc tính Đảng”, theo đó ưu tiên “đưa tin tích cực” trong xung đột Nga – Ukraine phù hợp với lập trường của ĐCSTQ.
Động thái hướng tới hợp lý hóa cuộc tấn công vào Đài Loan
Cần lưu ý quan chức ĐCSTQ đã né tránh vấn đề chiến tranh Nga – Ukraine và cố gắng diễn tả về tính chất cần thiết của cuộc chiến, mục đích cuối cùng là sử dụng cuộc chiến Nga – Ukraine để hợp lý hóa lập trường của ĐCSTQ trong vấn đề ý đồ thôn tính Đài Loan.
Ông Trương Gia Nghĩa (Zhang Jiayi), một cựu phóng viên của một cơ quan truyền thông có trụ sở tại tỉnh Hà Bắc chỉ ra rằng: “Thực tế, việc Nga (xâm lược) Ukraine là sai trái, điều đó chắc chắn là đi ngược lại các nguyên tắc của chủ nghĩa nhân đạo, nhưng các nhà chức trách muốn sử dụng điều này để nói với người Trung Quốc rằng họ có thể làm điều tương tự đối với vấn đề Đài Loan, họ có thể tính toán vấn đề Đài Loan (như Nga) đang làm với Ukraine”; “Sau khi chính phủ xây dựng các quy tắc tuyên truyền này, cho dù đó là các học giả, giới truyền thông, hay thậm chí là các người nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc cũng sẽ phải tuân thủ quy tắc chính thức này khi bày tỏ quan điểm và ý kiến , từ đó ảnh hưởng đến cơ đánh giá của công chúng”.
Tính đến 0:00 ngày 25/2, biến cố Ukraine đã đứng đầu danh sách tìm kiếm nóng của Weibo, theo đó vô số phát ngôn đưa ra cổ vũ Nga, trong khi Putin đã trở thành một thần tượng của giới dư luận viên ĐCSTQ.
Một số “thông tin tích cực” từ cư dân mạng Weibo tiêu biểu như: “Có thông tin cho rằng quân đội Nga đã bị tổn thất lớn. Có vẻ như quân Nga ra tay quá nhẹ”, “Nga: Cộng hòa Nhân dân Ukraine được thành lập. Trung Quốc: Việc thống nhất Đài Loan cần hoàn thành trước tháng Ba”…
Từ khóa Hoa Xuân Oánh Dòng sự kiện Tuyên truyền ĐCSTQ Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine Nga tấn công Ukraine