Báo cáo: ĐCSTQ đang xây dựng cơ sở dữ liệu quét mống mắt quy mô lớn
Trong một báo cáo được công bố vào ngày 14/12, Phòng thí nghiệm Công dân (The Citizen Lab) của Đại học Toronto ở Canada cho biết, vì sợ hãi do thiếu tính hợp pháp, cảnh sát Trung Quốc đang thu thập dữ liệu quét mống mắt của người dân ở tỉnh Thanh Hải trên quy mô lớn.
Theo phân tích, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn giám sát toàn bộ người Trung Quốc, và các biện pháp của họ ngày càng cực đoan.
Phòng thí nghiệm Công dân thu thập tất cả các báo cáo công khai có liên quan từ ngày 8/1/2022 – 26/9/2022, nêu chi tiết rằng cảnh sát ĐCSTQ đã thu thập dữ liệu quét mống mắt của 1,2 triệu – 1,4 triệu người ở 3 khu vực của tỉnh Thanh Hải (dân số 5,9 triệu người).
Ngày 18/12, Chủ tịch của một công ty công nghệ cao Nhật Bản, nói với Epoch Times rằng công nghệ quét mống mắt chủ yếu được sử dụng để xác nhận thông tin cá nhân, có thể tương ứng chính xác với từng người một.
Bản thân ĐCSTQ thiếu tính hợp pháp trong việc chấp chính của mình, họ khiếp sợ người dân và rất lo sợ về sự an toàn của chính quyền, vì vậy họ muốn theo dõi và kiểm soát mọi người càng nhiều càng tốt.
Tân Cương và Thanh Hải chỉ là dự án thí điểm. Một khi chính quyền ĐCSTQ thấy thành công, hoặc việc giám sát bằng điện thoại di động không còn đủ để theo dõi tất cả những ai chất vấn chính quyền, ĐCSTQ nhất định sẽ phổ biến kinh nghiệm này ra toàn Trung Quốc.
Trên thực tế, khi chương trình thu thập dữ liệu mống mắt quy mô lớn ở khu vực Thanh Hải bắt đầu vào tháng 3/2019.
Tại một hội nghị an ninh công cộng ở thành phố Hải Đông, cảnh sát đã báo cáo chuyên sâu về vai trò của công nghệ nhận dạng mống mắt trong việc trị an. Các diễn giả mô tả cục diện an ninh trong nước của Trung Quốc ngày càng bất ổn, và rằng ĐCSTQ cần các hình thức giám sát sinh trắc học mới.
Hội nghị nói rằng các hình thức xác minh danh tính truyền thống, như chứng minh thư và hộ chiếu, đang gặp khủng hoảng. Mặc dù các công nghệ sinh trắc học như dấu vân tay, giọng nói, khuôn mặt và DNA đều đóng vai trò quan trọng, nhưng chúng không thể xác định chính xác danh tính thực sự của một người chỉ trong vài giây, và công nghệ mống mắt có thể giải quyết được vấn đề này.
Báo cáo cuộc họp của cảnh sát Thanh Hải tuyên bố: “Nhận dạng mống mắt hiện là công nghệ nhận dạng sinh trắc học nhanh nhất và chính xác nhất, có ưu điểm là tính duy nhất, ổn định và nhận dạng không tiếp xúc, đồng thời có thể liên kết dữ liệu nhận dạng cá nhân với sinh trắc học mống mắt.”
“Thông qua chế độ nhận dạng, xử lý hình ảnh và các phương pháp khác, tiến hành mô tả, khớp và phân loại mống mắt của mắt người, để thực hiện xác thực danh tính cá nhân tự động. Nhận dạng mống mắt nhanh có thể xác định chính xác danh tính thực của một người, và kịp thời báo cảnh sát về những người khả nghi.”
Báo cáo của cảnh sát Trung Quốc không nói rõ các nghi phạm là ai. Báo cáo của Phòng thí nghiệm Công dân cho biết, việc thu thập mống mắt của cảnh sát Thanh Hải nằm ngoài phạm vi của “Luật tố tụng hình sự” và “Luật chống khủng bố”.
Cảnh sát không nhắm mục tiêu vào các nghi phạm hình sự, nạn nhân và những kẻ khủng bố bị nghi ngờ. Thay vào đó, họ sưu tập dữ liệu mống mắt quy mô lớn nhắm vào toàn bộ cộng đồng.
Tiến hành dưới sự lãnh đạo của cảnh sát Trung Quốc
Theo báo cáo, năm 2019, ĐCSTQ đã ban hành “Thông báo về việc tiến hành thu thập thông tin mống mắt” và “Kế hoạch thiết lập một nhánh hệ thống nhận dạng mống mắt trong Hệ thống thông tin điều tra tội phạm của ĐCSTQ” (sau đây gọi là “Kế hoạch thiết lập”), yêu cầu rõ ràng rằng vào cuối năm 2019, phải hoàn thành việc thiết lập hệ thống kho dữ liệu mống mắt của các cơ quan công an quốc gia, tỉnh, thành phố và quận.
Tháng 4/2019, Bộ Công an của ĐCSTQ đã tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Công nghệ Hình sự và Thiết bị Mới của Trung Quốc” tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Sĩ quan cảnh sát của cơ quan điều tra tội phạm cấp 3 của ĐCSTQ và hơn 20 công ty công nghệ đã thảo luận về ứng dụng của hệ thống nhận dạng giọng nói, mống mắt đối với cảnh sát.
“Kế hoạch thiết lập” cũng nêu rõ nhánh hệ thống xác minh danh tính mống mắt cũng sẽ được kết nối với hệ thống dữ liệu an ninh công cộng, và trung tâm dữ liệu lớn cấp 3 của tỉnh và thành phố của Trung Quốc.
Hệ thống dữ liệu an ninh công cộng được Bộ Công an của ĐCSTQ sử dụng cho các mục đích khác nhau như quản lý dân số. Dự án trung tâm dữ liệu lớn đề cập đến việc xây dựng 10 trung tâm máy tính ở Trung Quốc do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của ĐCSTQ đứng đầu bắt đầu từ năm 2020.
Năm 2019, tại thành phố Hải Đông, Thanh Hải (dân số 1,35 triệu người), cảnh sát ĐCSTQ và cảnh sát thôn đã đến từng nhà để thu thập dữ liệu mống mắt của dân làng. Cảnh sát còn đe dọa người dân nếu không hợp tác, họ có thể gặp trở ngại trong việc mua vé đi lại, thậm chí ảnh hưởng đến việc rút tiền, và khám chữa bệnh sau này.
Lao động nhập cư và dân cư trôi nổi cũng được đưa vào phạm vi thu thập thông tin mống mắt
Tại Tây Ninh, thủ phủ của Thanh Hải, cảnh sát đã thu thập dữ liệu mống mắt của trẻ em địa phương, với lý do giải quyết nạn buôn bán trẻ em và các vụ mất tích. Cảnh sát cũng yêu cầu những người có thông tin bị thu thập phải trả 200 nhân dân tệ (28USD), để đưa thông tin quét mống mắt vào kho dữ liệu.
Việc thu thập quét mống mắt quy mô lớn do ĐCSTQ chỉ đạo không có cơ sở pháp lý. Cảnh sát từng đề cập đến việc sử dụng thông tin quét mống mắt để nâng cấp thẻ căn cước quốc gia. Tuy nhiên, “Luật Chứng minh nhân dân” quy định đặc điểm sinh trắc học duy nhất mà người xin cấp chứng minh nhân dân cần đăng ký là dấu vân tay.
Ngay cả cảnh sát ĐCSTQ cũng hiểu rõ rằng họ không có quyền cưỡng bức thu thập thông tin cá nhân như mống mắt và DNA. Tuy nhiên, báo cáo nói rằng cảnh sát ĐCSTQ phải trung thành với ĐCSTQ, vì vậy công việc của họ bao gồm việc đàn áp những người chỉ trích chính trị đối với ĐCSTQ.
Ở Trung Quốc, nơi không có đảng đối lập, không có tòa án độc lập, báo chí tự do hoặc các tổ chức xã hội dân sự có khả năng hạn chế quyền lực của cảnh sát, vậy nên cảnh sát ĐCSTQ được tự do thu thập thông tin mống mắt của bất kỳ ai, và sử dụng nó cho bất kỳ mục đích nào.
Thu thập dữ liệu mống mắt ở những nơi khác tại Trung Quốc
Một trong những dự án thu thập quét mống mắt quy mô lớn đầu tiên do cảnh sát lãnh đạo của Trung Quốc bắt nguồn từ một hoạt động năm 2017 tại Khu tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ.
Cảnh sát Trung Quốc ở Tân Cương đã thu thập dữ liệu sinh trắc học như mống mắt, mẫu DNA, dấu vân tay, và quét khuôn mặt của cư dân địa phương, như một phần trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ. Hiện không rõ cảnh sát đã thu thập được bao nhiêu dữ liệu quét mống mắt ở Tân Cương.
Năm 2017, cảnh sát tại thành phố Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, đã bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin nhận dạng mống mắt tại địa phương. Theo các báo cáo công khai, tính đến tháng 1/2018, kho dữ liệu đã thu thập thông tin quét mống mắt của 300.000 người, chiếm khoảng 13% trong tổng số 2,2 triệu dân của Urumqi.
Ngoài Tân Cương, cảnh sát ở các vùng khác của Trung Quốc cũng triển khai các chương trình thu thập quét mống mắt.
Năm 2018, cảnh sát ở thành phố Trịnh Châu, Hà Nam, đã khởi động chương trình quét mống mắt của những người đăng ký giấy phép lái xe đạp điện.
Theo một bài báo năm 2021 trên tạp chí “Khoa học và Công nghệ pháp y”, kho dữ liệu quét mống mắt ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam có thể lưu trữ 10 triệu lượt quét, tương đương với dân số 10,52 triệu người của thành phố.
Năm 2019, với lý do tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý an ninh công cộng và chống tội phạm, Sở Công an thành phố Bắc Kinh đã thông báo họ sẽ cùng với công ty IrisKing thiết lập một kho dữ liệu có thể lưu trữ 20 triệu lượt quét mống mắt, về cơ bản tương đương với dân số 21,89 triệu người trên toàn thành phố Bắc Kinh.
Tuy nhiên, không có báo cáo công khai nào cho thấy cơ sở dữ liệu của Bắc Kinh hoặc Trịnh Châu đang được sử dụng, hoặc thực sự chứa bản quét mống mắt của mọi cư dân thường trú ở cả 2 thành phố.
ĐCSTQ bức hại nhân quyền ở Thanh Hải
Báo cáo cũng vạch trần các trường hợp ĐCSTQ đàn áp những người bất đồng chính kiến và bức hại nhân quyền của người Tây Tạng ở khu vực Thanh Hải. Báo cáo cho biết, Trung Quốc sử dụng các biện pháp chống tội phạm để bắt giữ và bỏ tù những người bất đồng chính kiến.
Từ năm 2018 – 2021, ĐCSTQ đã sử dụng chiến dịch “chống xã hội đen” để bắt giữ những người phản đối sự hủ bại của ĐCSTQ, những người yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản từ các nhà phát triển thuộc sở hữu nhà nước, hay không hài lòng với việc chính quyền địa phương thu hồi đất.
Sự kiểm soát của ĐCSTQ cũng mở rộng sang quyền sử dụng đất, tái định cư dân số và quyền ngôn ngữ.
Năm 2021, tại khu vực Ngọc Thụ của Thanh Hải, chính quyền địa phương của ĐCSTQ đã hủy bỏ quyền của những người dân du mục Tây Tạng được sử dụng vật nuôi tại địa phương và định cư trong cộng đồng, với lý do bảo vệ sinh thái và cải thiện mức sống của họ.
Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng kỳ thực việc tái định cư dân số ở các khu vực như Thanh Hải, Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông là một hình thức kiểm soát dân số. Trên thực tế, việc biến các khu vực chăn thả nguyên thủy thành những khu bảo tồn sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng thất thoát văn hóa của các dân tộc du mục.
Ngoài ra, quyền ngôn ngữ của người Tây Tạng tại khu vực Thanh Hải cũng bị đe dọa. Kể từ giữa những năm 2010, chính quyền Trung Quốc đã biến tiếng Quan thoại (tiếng Phổ thông) thành ngôn ngữ giảng dạy chính trong các trường học ở khu vực Tây Tạng. Chính quyền cũng đóng cửa các trường dạy tiếng Tây Tạng, và giam giữ những người chỉ trích chính sách này.
Từ khóa Quét mống mắt Mống mắt nhân quyền Trung Quốc thu thập DNA