Báo cáo: ĐCSTQ cưỡng bức thu thập DNA người dân trên diện rộng
- Tiêu Nhiên
- •
Một báo cáo điều tra cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cưỡng bức thu thập DNA của mọi người (gồm cả trẻ em trong các nhà trẻ) tại Tây Tạng.
Ngày 5/9, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) đã công bố một báo cáo điều tra, cáo buộc cảnh sát ĐCSTQ cưỡng bức thu thập DNA của mọi người gồm cả trẻ em, ở ít nhất 14 địa điểm trong 7 vùng hành chính của Tây Tạng. HRW coi đây là thủ đoạn để tăng cường giám sát và có thể vi phạm quyền con người và quyền riêng tư.
HRW đã đưa ra kết luận thông qua các các tài liệu đấu thầu và thông tin bị rò rỉ từ cơ quan chức năng ĐCSTQ. Các tài liệu mua sắm trên trang web của cơ quan chức năng ĐCSTQ cho thấy, tháng 7/2019 Văn phòng Công an Tây Tạng đã tổ chức đấu thầu công khai cho “xây dựng cơ sở dữ liệu DNA” với kinh phí là 10 triệu nhân dân tệ.
Báo cáo điều tra chỉ ra, cảnh sát địa phương cho rằng DNA được thu thập để chống tội phạm, cảnh sát đã đi sâu vào các vùng nông thôn để thu thập mẫu máu từ các hộ gia đình (trong đó bao gồm tất cả trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở lên), mọi người không được quyền từ chối.
HRW cho biết, các nhà chức trách ĐCSTQ đã thu thập dữ liệu DNA mà không có sự đồng ý của người dân và không nêu rõ mục đích của động thái. Không có bằng chứng công khai nào cho thấy mọi người có thể từ chối tham gia hoặc cảnh sát có đủ bằng chứng tội phạm đáng tin cậy để hỗ trợ việc thu thập.
Những thông tin công khai từ truyền thông của ĐCSTQ cho thấy, từ năm 2013 chính quyền Tây Tạng đã thực hiện “Dự án Kiểm tra Sức khỏe Quốc gia”. Các tài liệu chính thức của nhà chức trách Trung Quốc do HRW thu được vào đầu năm 2017 cho thấy, chính quyền Tân Cương đã bí mật thu thập DNA của các cư dân địa phương từ 12 – 65 tuổi với lý do “kiểm tra sức khỏe”.
HRW cho rằng DNA là thông tin nhạy cảm cao và việc thu thập mẫu máu mà không có cơ sở hợp lý là vi phạm quyền con người và quyền riêng tư. Việc thu thập, xử lý và sử dụng dữ liệu di truyền gây ra những rủi ro đáng kể về quyền riêng tư đối với trẻ em.
Việc thu thập dữ liệu DNA của ĐCSTQ được thực hiện trên toàn bộ người dân. Trong đó quy mô hoạt động thu thập ở Tây Tạng và Tân Cương vượt xa những nơi khác tại Trung Quốc. Điều này phản ánh nỗ lực của ĐCSTQ trong việc tăng cường hơn nữa việc giám sát người dân địa phương và mở rộng đến tất cả mọi người ở những vùng xa xôi.
Theo thông tin, chính quyền ĐCSTQ đã triển khai rộng rãi các công nghệ giám sát như camera nhận dạng khuôn mặt và quét mống mắt ở Tân Cương. Người dân Tân Cương được yêu cầu thu thập mẫu máu khi xin thẻ căn cước và hộ chiếu. Từ năm 2017 thời Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương của ĐCSTQ do ông Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu) phụ trách, đã đề xuất sử dụng các công nghệ như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để duy trì sự ổn định ở Tân Cương.
Giám sát mở rộng đến vùng nông thôn Tây Tạng
Truyền thông Đức Deutsche Welle chỉ ra, từ tháng Một năm nay chính quyền ĐCSTQ đã phát động chiến dịch “chuyến thăm lớn, nghiên cứu lớn và giải quyết lớn” ở Tây Tạng. Kế hoạch này yêu cầu các đồn cảnh sát cấp thôn/trấn tiến hành các chuyến thăm “điều tra sự thật” trong từng hộ gia đình, kiểm soát sâu vào các đơn vị cấp thôn bản, trong đó có thu thập DNA.
Kể từ năm 2020, ở Tây Tạng bắt đầu xuất hiện các đồn cảnh sát cấp thôn làng. Việc nhà chức trách mở rộng mạng lưới cảnh sát cơ sở ở Tây Tạng được coi là một nỗ lực mở rộng mô hình giám sát từ các thành phố và thị trấn đến các ngôi làng có người Tây Tạng sinh sống.
Cộng đồng người Tây Tạng quen với việc giải quyết tranh chấp bằng các lạt ma, già làng và lãnh đạo thôn bản, nhưng trong những năm gần đây Chính phủ ĐCSTQ đã nhấn mạnh rằng nếu người dân có vấn đề chỉ nên nhờ đến cảnh sát. Giới phân tích cho rằng đây là biện pháp để cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát người Tây Tạng.
Từ khóa Tân Cương Người Duy Ngô Nhĩ Tổ chức theo dõi nhân quyền Dòng sự kiện thu thập DNA Người Tây Tạng