BBC: Trẻ em Duy Ngô Nhĩ bị ĐCSTQ tách khỏi cha mẹ
- Minh Nhật
- •
“Hàng nghìn đứa trẻ Duy Ngô Nhĩ vô tội đang bị tách khỏi cha mẹ và chúng tôi đã liên tục làm chứng. Tại sao thế giới lại im lặng khi biết sự thật này?”
Một người mẹ Duy Ngô Nhĩ trong bài báo của BBC.
Ngày 4/7/2019 vừa qua, BBC dẫn kết luận từ một báo cáo điều tra do hãng này ủy thác, cho biết trẻ em người Duy Ngô Nhĩ tại phía Tây Tân Cương đang bị ĐCSTQ tách khỏi cha mẹ một cách có hệ thống.
Tiến sĩ người Đức, Adrian Zenz, người dẫn đầu nghiên cứu do BBC ủy thác, cho biết: chỉ trong một thị trấn tại phía Tây Tân Cương, nhóm điều tra đã thu thập được 400 trường hợp trẻ em Duy Ngô Nhĩ bị tách khỏi cả cha lẫn mẹ, do họ bị bắt vào các trại tập trung của ĐCSTQ tại Tân Cương.
Cộng đồng quốc tế ước tính có từ 1 đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa vào các cơ sở giam giữ tại Tân Cương, nơi họ bị tẩy não và tra tấn. Mặc dù vậy, chính quyền ĐCSTQ thường xuyên phủ nhận việc gọi các trung tâm này là các “trại tập trung”. Thay vào đó, họ gọi đây là các “trung tâm giáo dục cải tạo” nhằm mục đích “hạn chế khủng bố”.
Trong khi ĐCSTQ giam giữ những người Duy Ngô Nhĩ trưởng thành, họ cũng bắt đầu nhanh chóng xây dựng hàng nghìn cơ sở trường học toàn thời gian theo kiểu quân đội, dành cho trẻ em Duy Ngô Nhĩ. Việc “vũ trang” hệ thống giáo dục và chăm sóc xã hội là một chính sách giáo dục chính trị “dựng tóc gáy” của chính quyền ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ, theo ông Adrian Zenz.
Tại Nam Tân Cương, chính quyền cũng dành khoảng 1,2 tỷ USD nhằm xây dựng và nâng cấp các cơ sở mẫu giáo, bao gồm việc mở rộng và trang bị hệ thống an ninh. Chỉ trong năm 2017, số trẻ em nhập học mẫu giáo tại Tân Cương đột ngột tăng hơn nửa triệu. Hơn 90% con số tăng trưởng này là trẻ em Duy Ngô Nhĩ, theo số liệu chính quyền công bố.
Trong các trường học của nhà nước, các ngôn ngữ địa phương bị cấm, và học sinh phải trải qua “giáo dục tư tưởng”.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh, đã phủ nhận kết quả điều tra do BBC công bố và nói: “Nếu có trường hợp nào mất con, hãy cho chúng tôi tên tuổi và chúng tôi sẽ tìm kiếm cháu.” Tuy nhiên ông Lưu Hiểu Minh không đưa ra giải thích nào liên quan tới 400 trường hợp trẻ bị mất cả cha lẫn mẹ chỉ trong một thị trấn của Tân Cương, do họ bị đưa vào trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ.
Đáng chú ý, thông qua chính sách Hán hóa của ĐCSTQ tại Tân Cương, người Hán đã chiếm hơn một nửa dân số tại đây. Tuy nhiên, chỉ những người Duy Ngô Nhĩ mới là mục tiêu của các chiến dịch từ phía chính quyền.
Năm 2017, chỉ trong vòng 9 tháng, chính quyền Trung Quốc đã xét nghiệm máu của từng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, từ đàn ông, phụ nữ cho tới trẻ em. Những người Hán tại Tân Cương không bị xét nghiệm. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc xét nghiệm máu trên quy mô lớn như vậy chỉ có thể phục vụ cho một mục đích là xây dựng một ngân hàng nội tạng sống.
“Chính quyền Trung Quốc tuyên chiến với đức tin”, Sam Brownback, đại sứ đặc biệt của Mỹ về tự do tôn giáo bình luận. Ông cũng hướng cộng đồng quốc tế tới tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do ĐCSTQ hậu thuẫn, điều mà ông mô tả là “gây sốc cho lương tâm của bất cứ ai”.
Ông Sam Brownback dẫn kết luận của Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, cho biết “tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn”.
Nạn nhân của tội ác này trước đây chủ yếu là những người tập Pháp Luân Công, một phong trào khí công bị đàn áp tại Trung Quốc từ năm 1999. Sau đó, việc thu hoạch nội tạng đã nhanh chóng lan sang các nhóm tín ngưỡng khác tại Trung Quốc.
Đặc biệt sau khi người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào các trại tập trung ở Tân Cương, nhiều nhà hỏa thiêu đã được dựng lên một cách bất thường, cùng với đó là một đường bay dành riêng cho việc chuyên chở nội tạng được xây dựng tại đây.
Nguy cơ việc thu hoạch tạng từ người Duy Ngô Nhĩ có nguy cơ diễn ra trên diện rộng sau hơn 1 thập kỷ thu hoạch tạng từ nhóm Pháp Luân Công, đã khiến những người vận động chống lại hành vi này “cảm thấy chúng ta đang sống trong một cơn ác mộng”, nhà báo được đề cử giải Nobel Hòa bình, ông Ethan Gutmann chia sẻ.
Ông Ethan Gutmann cũng chỉ ra, việc cộng đồng quốc tế hầu như không có phản ứng gì trước sự vi phạm trắng trợn nhân quyền và tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc chính là sự “sụp đổ của các giá trị phương Tây“.
Minh Nhật
Xem thêm:
Từ khóa Tân Cương Thu hoạch nội tạng Đàn áp tín ngưỡng Dòng sự kiện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Diệt chủng văn hóa đàn áp Pháp Luân Công