Bệnh viện Trung Quốc bán giấy khai sinh, bị cáo buộc buôn người
- Bình Minh
- •
Gần đây, vụ bán lại giấy khai sinh tại các bệnh viện Trung Quốc Đại Lục tiếp tục gây xôn xao dư luận. Nhiều bệnh viện bị vạch trần việc bán giấy khai sinh để “tẩy trắng” danh tính những đứa trẻ bị buôn bán, hình thành chuỗi lợi nhuận công nghiệp. Các nhà phân tích tin rằng điều này sẽ khiến tội phạm buôn người không bao giờ biến mất.
Ngày 6/11, nhà hoạt động chống buôn người ở Đại Lục, Thượng Quan Chính Nghĩa, tiết lộ trên Weibo rằng sau hơn một năm hoạt động bí mật, ông được biết Giám đốc bệnh viện Kiện Kiều ở Tương Dương, Hồ Bắc, đã thông đồng với nhiều bên trung gian trực tuyến, sử dụng nền tảng Douyin công khai trường kỳ bán giấy khai sinh và sổ tiêm chủng với giá gần 100.000 nhân dân tệ (13.710 USD), để “tẩy trắng” danh tính của những đứa trẻ bị mua.
Băng đảng này còn bán trẻ sơ sinh, với giá hơn 100.000 nhân dân tệ, trải khắp hơn 10 tỉnh trên khắp Trung Quốc.
Theo báo cáo theo dõi của truyền thông Đại Lục, Bệnh viện Kiện Kiều trước đây là Bệnh viện 102, tức bệnh viện nhà nước của Tập đoàn Xây dựng Công nghiệp Hồ Bắc. Sau khi làm việc ở đây hơn 20 năm, Giám đốc Diệp Hữu Chi bị kết án 5 tháng tù vào năm 2010, vì xác định giới tính của thai nhi và thực hiện phẫu thuật phá thai trái phép.
Sau khi bệnh viện này chuyển thành bệnh viện tư nhân, bà Diệp trở thành Chủ tịch kiêm cổ đông lớn, chiếm 80% cổ phần của bệnh viện. Dựa vào đội ngũ tiếp thị mạnh và việc thu thập thông tin về phụ nữ mang thai thông qua “mạng lưới bí mật”, bệnh viện này đã trở thành bệnh viện đứng thứ 3 ở thành phố Tương Dương về số lượng trẻ sơ sinh được sinh ra.
Trước máy quay lén, bà Diệp vừa nói: “Tội chúng tôi phạm phải là tội chết” và “Nguy cơ cực kỳ cao”, vừa đích thân ra ngoài bán và làm giấy khai sinh giả.
Mọi thứ từ hồ sơ nhập viện đến các lần khám thai, hồ sơ sinh, giấy chứng nhận tiêm phòng và tài liệu mạng hệ thống đều được cung cấp cho những kẻ buôn người.
Người tố giác đã đăng một bài viết nói rằng Bệnh viện Kiện Kiều chủ yếu kinh doanh dịch vụ mang thai hộ, việc cấp giấy khai sinh chỉ là một công việc phụ. Những người trung gian mà họ làm việc không chỉ bán trẻ sơ sinh, mà còn thu mua trẻ sơ sinh với giá hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 13.715 USD), liên quan đến hơn 10 tỉnh, số lượng nhiều đến mức đáng kinh ngạc.
Theo ông Thượng Quan Chính Nghĩa, điều tồi tệ nhất là nạn buôn bán trẻ sơ sinh. Một trẻ đã được bán vào tháng 9 năm nay cho một khách hàng ở Tứ Xuyên với giá 110.000 nhân dân tệ (khoảng 15.000 USD). Một trẻ khác được bán vào tháng 10 cho một khách hàng ở Quảng Đông với giá 160.000 nhân dân tệ (21.944 USD).
Trước đó, ông mang bằng chứng chắc chắn đến Ủy ban Y tế, nhưng không ai để ý đến ông. Ông nói rằng mình đã hoạt động bí mật hơn một năm, và đi gần 50.000 km trước khi nắm bắt đầy đủ bằng chứng tội phạm của nhóm về buôn bán trẻ sơ sinh và buôn bán giấy khai sinh.
Kỳ thực, tháng 6 năm ngoái đã có người tố cáo, nhưng khi đến Ủy ban Y tế Quốc gia thì vụ việc bị ỉm đi.
Trước áp lực của dư luận, chiều 7/11, Ủy ban Y tế thành phố Tương Dương đã ban hành báo cáo tình hình về vấn đề “Bệnh viện Kiện Kiều Tương Dương công khai bán giấy khai sinh, bán trẻ sơ sinh”.
Hiện tại, khoa sản phụ của bệnh viện đã bị tạm đình chỉ để chấn chỉnh. Những người có trách nhiệm liên quan bị quản lý, giám đốc bệnh viện bị xử lý hình sự và đang bị điều tra. Tuy nhiên đến ngày 8/11, có tin người tố giác đã bị bắt đi.
Đằng sau việc bán lại giấy khai sinh
Sau Bệnh viện Kiện Kiều ở Tương Dương, Hồ Bắc, các bệnh viện ở thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông, thành phố Nam Ninh tỉnh Quảng Tây và những nơi khác cũng bị vạch trần vì cáo buộc bán giấy khai sinh. Ngay từ năm 2021, nhiều bệnh viện chính thức ở Duy Phường, Sơn Đông đã bị nghi ngờ có liên quan đến nạn buôn bán trẻ sơ sinh.
Theo trang web trung gian, người mua chỉ cần cung cấp thông tin nhận dạng và trả 96.000 nhân dân tệ (khoảng 13.166 USD), bệnh viện sẽ thực hiện theo quy trình sản xuất “bình thường”, xử lý đầy đủ các thông tin chân thực, như lập hồ sơ, khám thai, nhập viện, sinh nở và xuất viện tại bệnh viện.
Sau khi xuất viện 2 ngày “sau khi sinh”, khách hàng có thể đưa “con đã mua” đến bệnh viện để lấy máu gót chân (máu gót chân được lấy sau khi sinh con), sau đó nộp đơn xin giấy khai sinh. Toàn bộ quá trình có thể được hoàn thành tối đa trong vòng 7 ngày.
Trên trang web từ thiện tìm kiếm trẻ em lớn nhất Trung Quốc “Baby back home”, có thông tin chi tiết về hơn 40.000 trẻ em mất tích. Tuy nhiên, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ công bố có bao nhiêu người mất tích ở Trung Quốc. Giấy khai sinh giả đã “tẩy trắng” danh tính của đứa trẻ được mua.
Từ khóa buôn bán trẻ em Xã hội Trung Quốc buôn người