Blog: Vấn đề đáng ngại nhất Tập Cận Bình đang phải ứng phó là gì?
- Lương Kinh
- •
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bất ngờ tuyên bố nhà lãnh đạo Tập Cận Bình của họ đã ký “Đề cương hành động phi quân sự hóa quân đội”. Đây là động thái hù dọa của ông Tập trước đối thủ chính trị trong nước hay là nước cờ để ông kiểm soát toàn diện bộ máy quân đội?
Người viết theo quan điểm thứ nhất hơn. Nếu đúng vậy thì phải chăng động thái của ông Tập cho thấy cuộc tranh giành quyền lực trong giới chóp bu của ĐCSTQ đã leo thang đến mức nhạy cảm? Quan điểm của tôi là chính sách ‘Zero COVID’ trong phòng chống COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) đã khiến Tập Cận Bình rơi vào thế bị cô lập, dù trong ĐCSTQ hay xã hội Trung Quốc nói chung, điều đó tạo thêm cơ hội lớn cho các thế lực chống Tập. Khó khăn lớn nhất mà Tập Cận Bình gặp phải hiện tại không phải nguy cơ chính biến, mà vì kiên quyết theo chính sách ‘Zero COVID’ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính của ĐCSTQ và gây nguy cơ cho nền kinh tế Trung Quốc, ngay cả những người luôn ủng hộ ông Tập cũng đã thấy rõ rủi ro này.
Trong bối cảnh như vậy, dù Tập Cận Bình không thừa nhận sai lầm nhưng cũng biết tình hình không ổn và buộc phải buông lỏng để ông Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng toàn bộ đội ngũ cấp cao ĐCSTQ liên quan giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng. Logic của ông Tập rất rõ ràng: nếu ông Lý Khắc Cường và các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ xử lý tốt khủng hoảng kinh tế sẽ giúp ông Tập có cơ hội ghi công và tái đắc cử tại Đại hội 20. Tuy nhiên viễn cảnh khác là nếu nền kinh tế Trung Quốc quá tồi tệ thì e rằng ông Tập chỉ còn nước cờ là kiểm soát toàn diện bộ máy quân sự.
Nhìn lại lý do tại sao Tập Cận Bình đồng ý để Lý Khắc Cường tổ chức buổi họp trực tuyến 100.000 quan chức? Theo tôi nghĩ là các quan chức hàng đầu ở Bắc Kinh đã thống nhất rằng nếu không có biện pháp bất thường như vậy thì không thể khẩn cấp ngăn chặn các chính quyền địa phương nhân danh phòng chống dịch bệnh để thao túng lợi ích ngay trong lúc nền kinh tế Trung Quốc đang nguy cơ, nếu tiếp tục thực hiện biện pháp phong tỏa sẽ dẫn đến đại loạn. Thông điệp của cuộc họp 100.000 quan chức là “chính quyền trung ương không còn khả năng tài chính”, để các chính quyền địa phương hiểu rõ trung ương không thể tiếp tục tiêu tốn chi phí hỗ trợ cho xét nghiệm COVID-19, khiến các chính quyền địa phương phải ngay lập tức dừng lại.
Vấn đề là việc Tập Cận Bình tuyên bố vẫn nắm quân quyền trong tay và đã sẵn sàng kiểm soát toàn bộ quân đội thực sự là một chỉ dấu đối với Lý Khắc Cường và các thành viên Ban Thường vụ khác đang nỗ lực để cứu nền kinh tế. Bởi vì động thái của ông Tập cho thấy bản thân ông không có niềm tin vào việc khôi phục tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Trong thời gian kiểm tra ở Tứ Xuyên, ông Tập bày tỏ lo lắng về những khó khăn việc làm mà sinh viên tốt nghiệp gặp phải, cho thấy ông ấy hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Vì vậy, điều mà nhiều người khó tránh phải nghĩ đến là: phải chăng kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái thì khiến khả năng ông Tập Cận Bình tái nhiệm ở Đại hội 20 lâm nguy? Ngoài ra, còn có vấn đề nữa là liệu Tập Cận Bình có thúc đẩy chiến tranh để đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện khi xảy ra hay không?
Nhận định của tôi là nếu kinh tế Trung Quốc khủng hoảng quá trầm trọng thì Đại hội 20 có thể bị hoãn lại, nhưng không ai muốn tận dụng lúc khủng hoảng kinh tế để lật đổ Tập Cận Bình, vì tôi tin rằng không ai muốn lên tiếp quản đống đổ nát. Tôi cũng tin rằng khi khủng hoảng kinh tế Trung Quốc trầm trọng lên cũng sẽ làm giảm nguy cơ chiến tranh ở eo biển Đài Loan. Vậy thì liệu cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc có thể kéo dài mà không gây ra các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội nghiêm trọng? Nhận định của tôi là khả năng trì hoãn một hoặc hai năm là rất cao, khi đó chiến tranh Nga-Ukraine và cuộc bầu cử Mỹ sẽ làm cục diện thế giới thay đổi gây tác động lớn cho chính trường Trung Quốc từ bên ngoài và mở ra cơ hội cho Trung Quốc “tái khởi động”. Nhưng dĩ nhiên quá trình này cũng có thể tiềm ẩn thảm họa lớn.
Xét về sức mạnh quốc gia hiện tại, Trung Quốc trong thập niên 20 của thế kỷ 21 lẽ ra không nên để nguy cơ bên ngoài một lần nữa chi phối lựa chọn của người dân Trung Quốc như cách đây trăm năm, nhưng Tập Cận Bình không chỉ khiến Trung Quốc mất đi một cơ hội đóng vai trò tích cực trước thế giới trong việc cứu khổ cứu nạn, thậm chí còn khiến trật tự nội bộ Trung Quốc trở nên khó lường, làm tăng nguy cơ tiềm ẩn cho giông tố chính trị quốc tế đang nhạy cảm. Nếu không cẩn thận, nước Nga của Putin sẽ lôi kéo Trung Quốc vào một cuộc chiến tranh hạt nhân ngắn hạn nhưng tàn khốc, trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ có thể xúc tác thêm cho xu thế bùng phát dữ dội của cuộc khủng hoảng tài chính và nợ của Trung Quốc. Nếu hai cuộc khủng hoảng bên ngoài này cộng hưởng với khủng hoảng bên trong của Trung Quốc thì làn sóng di cư của người Trung Quốc sẽ trở thành “cơn sóng thần” tác động toàn thế giới. Đây là “cơn ác mộng Trung Quốc” mà lúc này nhiều người không muốn nghĩ đến nhưng lại không thể không nghĩ đến.
Từ khóa Dòng sự kiện Zero COVID Tập Cận Bình Lý Khắc Cường kinh tế Trung quốc