Bộ Ngoại giao Trung Quốc né tránh tin Lưu Hạc đến Mỹ mở đường
- Huệ Anh
- •
Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, phía Trung Quốc liên tục rút lui, và bây giờ Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) mới đến Mỹ với mục đích cố gắng giải quyết tranh chấp thương mại, cũng để mở đường trước Hội đàm Trump – Tập vào cuối tháng này. Dường như Bộ Ngoại giao Trung Quốc có ý né tránh nhắc đến sự kiện này.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Ảnh: Getty Images)
Lưu Hạc mở đường cho Hội đàm Trump–Tập
Tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP) tại Hồng Kông trích dẫn nhiều nguồn tin cho biết, đại biểu phía Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ là ông Phó Thủ tướng Lưu Hạc mới đến thăm nước Mỹ để trải đường cho Hội đàm Trump–Tập trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Argentina vào cuối tháng này. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có xác nhận về thời gian cụ thể về chuyến đi của Lưu Hạc.
Thông tin này cũng đã được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross (Wilbur Ross) xác nhận, ông nhấn mạnh vấn đề giữa hai nước không thuần túy chỉ có chuyện thương mại, cũng bao gồm vấn nạn người Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ…
Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin, ngày 09/11 Lưu Hạc đã trao đổi điện thoại với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin (Steven Mnuchin), nhưng hai bên không đạt được bất kỳ kết quả gì. Phía Mỹ yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra nội dung cụ thể trước các cuộc đàm phán thương mại, nhưng phía Trung Quốc muốn đàm phán trước rồi sau đó mới đưa ra các phương án cụ thể.
Theo các nguồn thông tin, Trung Quốc lo ngại rằng một khi đưa ra trước nội dung phương án cụ thể thì lợi ích phía Trung Quốc sẽ thiệt hại.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tránh đề cập việc ông Lưu Hạc đến Mỹ
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 13/11, một phóng viên hỏi: Có thể xác nhận thông tin vào ngày 9/11 ông Lưu Hạc trao đổi điện thoại với Bộ trưởng Tài chính Mỹ? Có phải ông Lưu sắp đến Washington để đàm phán thương mại với Mỹ không?
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không trực tiếp trả lời hai câu hỏi này, nhưng cho biết: “Cách đây không lâu, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Trump đã trao đổi qua điện thoại, hai bên nhất trí nhóm đàm phán kinh tế của hai bên phải tăng cường liên lạc, tham khảo ý kiến nhau để thúc đẩy vấn đề thương mại Trung-Mỹ có được giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được”.
Ngày 01/11, ông Tập Cận Bình và ông Trump đã có cuộc điên đàm, đây là lần đầu tiên trong nửa năm qua nhà lãnh đạo hai bên công khai việc trao đổi điện thoại. Sau cuộc nói chuyện qua điện thoại, ông Trump cho biết sẽ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc; sau bầu cử giữa kỳ của Mỹ thì Bắc Kinh đã có ý từ bỏ chương trình “Made in China 2025”. Thông tin cho thấy phía Trung Quốc có lẽ sẽ phải chịu nhượng bộ lớn.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ vào tháng Ba năm nay, hai bên đã xúc tiến bốn vòng đàm phán, nhưng tất cả đều kết thúc trong thất bại.
Trước đó, với sự căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ, kế hoạch viếng thăm Mỹ vào tháng Chín của ông Lưu Hạc đã bị hủy bỏ. Lần này ông Lưu Hạc khởi động lại chuyến thăm Mỹ, một số nhà phân tích cho rằng nguyên nhân chủ yếu là Trung Quốc đã hy vọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ đảng Dân chủ sẽ áp đảo ông Trump, sau đó Trung Quốc sẽ nắm lấy cơ hội để trả đũa ông và hóa giải khủng hoảng thương mại, nhưng không ngờ rằng cả hai đảng của Mỹ đạt được một sự đồng thuận chống lại ĐCSTQ.
Trước khi ông Lưu Hạc đến Mỹ, ngày 7/11, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại vụ của Ủy ban Trung ương, cũng hội đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tại Tòa Bạch Ốc, cho biết sẽ đảm bảo đạt được kết quả tích cực trong cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia Trung Quốc và Mỹ.
Trump kiên định cuộc chiến thương nếu TQ không nhượng bộ
Trong thực tế, có chuyên gia lưu ý rằng, với cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ tiếp tục leo thang, cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ kết thúc, Trung Quốc đang đứng trước bảy nguy cơ lớn: triển vọng thị trường kém làm đồng nhân dân tệ mất giá, hoạt động kinh doanh chịu áp lực lớn làm tăng nguy cơ bất ổn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao làm sức tiêu thụ giảm sút mạnh, vật giá leo thang, thu hẹp xuất khẩu làm đầu tư co lại, gánh nặng trầm trọng mà giới doanh nghiệp gia đình phải chịu gây nguy cơ đối chính quyền địa phương, nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản.
Lúc này, nếu chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc không đàm phán thương mại với Mỹ nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại thì không thể tránh cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp tục leo thang, và thậm chí lan sang vấn đề tồn vong của ĐCSTQ.
Vòng thuế mới của Mỹ với Trung Quốc dự tính sẽ bắt đầu vào ngày 01/01/2019, khi đó mức thuế áp trên 200 tỷ đô la Mỹ hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 25%. Mỹ cũng cảnh báo rằng nếu Trung Quốc đáp trả chống lại nông dân Mỹ hoặc các lĩnh vực khác, “Chúng tôi sẽ ngay lập tức tiến hành giai đoạn thứ ba với mức thuế nhập khẩu ngoài định mức vào khoảng 267 tỷ đô la Mỹ”.
Ông Trump nói: “Chúng tôi đã xác định rất rõ ràng rằng Trung Quốc (đảng Cộng sản Trung Quốc) cần phải thay đổi, chúng tôi đã trao cho Trung Quốc (đảng Cộng sản Trung Quốc) thêm nhiều cơ hội để đối xử công bằng hơn với chúng tôi”. “Nhưng cho đến nay, Trung Quốc (đảng ĐCSTQ) vẫn không chịu thay đổi thái độ”.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Lưu Hạc đàm phán thương mại Hội đàm Trump - Tập