Bùng phát “chính sách tem phiếu” thịt lợn tại Trung Quốc Đại Lục
- Huệ Anh
- •
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang đã khiến giá thịt lợn tại Trung Quốc Đại Lục liên tiếp tăng cao, cơ quan chức năng ở nhiều khu vực đã phải ban hành lệnh quy định giá, quy định lượng mua cho phép.
Ngày 3/9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy giá bán sỉ thịt lợn trong cả nước vào tuần trước (26/8 – 1/9) lên mức 34,59 Tệ/Kg (CNY), tăng 8,9% so với tuần trước đó.
Lệnh giới hạn giá và hạn chế mức mua lan rộng đến gần 10 tỉnh thành
Tờ Tin tức Bắc Kinh (Bjnews) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay đã có gần 10 tỉnh (thành phố, huyện) bao gồm Nam Ninh, Hải Khẩu, Giang Tây, Quảng Đông, Giang Tô, Tứ Xuyên… ban hành lệnh giới hạn giá và giới hạn mức mua cho phép.
Ví dụ, hôm 27/8, cơ quan chức năng huyện Vưu Khê tỉnh Phúc Kiến cho biết, địa phương thực hiện chính sách giới hạn mức giá và giới hạn mức mua cho phép vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, các ngày lễ như Trung thu, Quốc khánh. Giá bán thịt lợn thấp hơn 15% so với giá bình quân thị trường. Thịt ba chỉ và chân giò chỉ hạn chế cho mỗi siêu thị được mua 100 kg/ngày, còn thịt nạc và sườn thì hạn chế 50 kg/ngày; mỗi người dân một lần mua chỉ được mua hai loại, mỗi loại giới hạn mức 1 kg.
Ngày 1/9 chính quyền thành phố Nam Ninh tỉnh Quảng Tây đã ban hành thông báo yêu cầu 10 thị trường rau hàng đầu của thành phố giới hạn giá thịt lợn trong mức mua hạn chế. Trong đó có nơi thực hiện chính sách phiếu mua thịt lợn, theo đó mỗi người dân chỉ được mua mức 2 cân thịt (tương đương 1kg).
Về vấn đề phân phối “phiếu bình ổn giá thịt lợn”, Đài Á Châu Tự Do (RFA) chia sẻ ý kiến của một thị dân nơi có thực hiện chính sách này cho biết, loại vé này chỉ dành cho người của một số tổ chức, dân thường khó lòng có được.
2019年—肉票【跳樓大减價】 pic.twitter.com/MykIOqHxSu
— 慕容 (@murongshaoqiu) September 4, 2019
Hình ảnh Twitter tem phiếu thịt lợn (@murongshaoqiu)
Liên quan đến hiện tượng giá thịt lợn tăng vọt này, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc tuyên bố rằng giá thịt lợn ở Trung Quốc không liên quan gì đến căng thẳng thương mại Trung-Mỹ mà do vấn đề nguồn cung. Giới truyền thông nhà nước tại Đại Lục cũng nhấn mạnh rằng nguyên nhân do dịch tả lợn châu Phi lan rộng làm nguồn cung khan hiếm, nhưng nhiều người dân không đồng ý với tuyên bố trên.
Đài RFA dẫn ý kiến của người đàn ông họ Đặng (không muốn tiết lộ tên thật) sống ở một thành phố phía nam Trung Quốc Đại Lục, cho biết: “Lý do chính là từ cách đây hai năm, khi đó cơ quan chức năng đã cưỡng chế đóng cửa nhiều trang trại lợn vì cái gọi là vấn đề bảo vệ môi trường; ngoài ra cũng vì cuộc chiến thương mại nên cơ quan chức năng cho nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn từ Nga, chính nguồn thịt lợn này đưa dịch bệnh vào nước.”
Về nguồn dịch bệnh lợn châu Phi, ông Đặng cho biết rằng có nguồn gốc từ vùng Irkutskaya thuộc miền đông Siberia của Nga. Năm 2018, do cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tác động đến việc nhập khẩu thịt lợn của Mỹ, có thông tin chỉ ra cơ quan chức năng cho nhập khẩu thịt lợn thay thế từ Nga, làm dịch tả lợn châu Phi lan sang Đại Lục.
ĐCSTQ xem duy trì ổn định thịt lợn như “quân lệnh”
Hiện tại, giá thịt lợn trên khắp Trung Quốc Đại Lục không ngừng tăng mạnh, đã lên mức cao kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Kiểm soát giá thịt lợn đã trở thành “nhiệm vụ chính trị quan trọng”. Gần đây Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cho biết, bảo đảm nguồn cung thịt lợn là “quân lệnh” của Trung ương ĐCSTQ, cũng nhấn mạnh rằng nếu giá thịt lợn bất ổn có thể khiến bất ổn lây lan đến cả ngày kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ xây dựng chính quyền (quốc khánh).
Bên cạnh đó, Chính phủ của ĐCSTQ cũng triển khai hội nghị nhằm xây dựng chính sách liên quan, bao gồm cả việc phục hồi hoạt động nuôi lợn; hủy bỏ lệnh cấm và hạn chế chăn nuôi lợn; chính sách khích lệ nông dân mở rộng quy mô chăn nuôi.
Có nhận định từ giới chuyên gia cho rằng tình hình khó khăn thị trường thịt lợn hiện nay tại Trung Quốc Đại Lục chưa thể sớm bình ổn được trong ngắn hạn, dự kiến trong tháng này giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng cao.
Đối với chính sách mới khuyến khích nuôi lợn hiện nay, tờ Epoch Times (Mỹ) dẫn ý kiến của một hộ nông dân ở Hồ Nam cho biết chính sách này có nhiều vấn đề, ông nói: “Không tìm giải pháp xử lý dịch tả lợn mà lại đi khuyến khích mọi người nuôi lợn là làm hại người dân, sẽ khiến nhiều người phá sản vì lợn bệnh. Còn nguy hiểm hơn là tình trạng người ta bất chấp tất cả để giết mổ lợn bệnh mang bán.”
Video về tem phiếu mua thịt lợn được cư dân mạng chia sẻ.
Hãng tin Reuters dẫn quan điểm của công ty dịch vụ tài chính quốc tế INTL FCStone cho biết, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc Đại Lục đã giảm từ 54 triệu tấn trong năm 2018 xuống còn 38 triệu tấn trong năm nay, và sẽ tiếp tục giảm trong năm tới, muốn phục hồi lại mức 50 triệu tấn cần khoảng thời gian 7 năm.
Điều đáng nói là với sự leo thang của cuộc chiến thương mại, thuế quan của ĐCSTQ đối với thịt lợn Mỹ đã tăng lên 72% kể từ ngày 1/9. Không chỉ vậy, Thời báo Tự Do (Liberty Times) của Đài Loan chỉ ra, gần đây ĐCSTQ đã hủy bỏ đơn đặt hàng thịt lợn của Mỹ với mức 147.000 tấn trong năm nay và năm tới. Ngoài ra, sau căng thẳng trong quan hệ giữa ĐCSTQ với Chính phủ Canada, từ hồi tháng Sáu năm nay ĐCSTQ cũng đã đình chỉ việc nhập khẩu thịt lợn từ Canada.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc phát hành tem phiếu mua thịt heo thịt lợn tăng giá dịch tả lợn châu Phi Dòng sự kiện