Các khẩu hiệu tuyên truyền cực đoan trong phòng chống dịch của ĐCSTQ
- Cao Tĩnh
- •
“Cán bộ thôn mang mấy cái cuốc, ai ra ngoài thì đánh chết người đó”, đây là lời cảnh báo chống dịch thông qua loa phát thanh của một bí thư thôn ở Liêu Ninh. Chương trình phát thanh phòng chống dịch ở Quảng Đông còn gây sốc hơn: “Từ tối nay, các cặp vợ chồng phải ngủ giường riêng”, “không hôn, không ôm ấp”.
Dù giọng điệu tuyên truyền phòng chống dịch ở các tỉnh, thành phố có sự khác nhau, nhưng các tổ chức cơ sở của ĐCSTQ đều làm chung một việc, đó là chấp hành chính sách phòng chống dịch cực đoan “zero COVID” của chính quyền.
Tây An phòng chống dịch bị cáo buộc vô nhân đạo: “Chỉ cần còn một hơi thở, hãy ở nhà giữ trận địa”
Theo “Tin nhanh Đô thị” của Thiểm Tây, Ban chỉ huy Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh quận Nhạn Tháp, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã đưa ra thông báo vào ngày 8/1 rằng: 196 tiểu khu và 6 điểm trong khu vực văn phòng của chúng tôi đã được điều chỉnh thành các khu vực phong tỏa và thực thi quản lý khép kín. Hãy bắt đầu ngay các biện pháp phong tỏa và kiểm soát đối với các khu vực nói trên, không ai bước chân ra ngoài, đồng thời dán các con dấu chéo trước cửa từng hộ gia đình.
Mới đây, một đoạn video tuyên truyền chống dịch tại cộng đồng Thái Bạch Hinh Uyển, quận Nhạn Tháp, thành phố Tây An, đã thu hút sự chú ý và bàn luận sôi nổi của cư dân mạng.
Một nhân viên phòng chống dịch bệnh cầm trên tay một chiếc loa để truyền đạt thông tin phòng chống dịch bệnh do cấp trên quy định cho người dân trong cộng đồng:
“Chỉ cần còn một hạt gạo, không đến nơi đông người chật chội. Chỉ cần còn một giọt dầu ăn, thì ở trong nhà không thò đầu ra ngoài.”
“Chỉ còn một cọng hành, không đến chợ chen chúc. Chỉ cần còn một hơi thở, thì vẫn ở nhà giữ trận địa.”
Mặc dù tuyên truyền phòng chống dịch của chính quyền nghe có vẻ vần điệu, nhưng những cảnh báo này của chính quyền bị cư dân mạng coi là “vô nhân đạo”.
Việc tuyên truyền phòng chống dịch cực đoan nêu trên của chính quyền Trung Quốc không chỉ là cảnh báo, mà là yêu cầu có sự “triển khai” và thực hiện cụ thể. Theo một đoạn video khác, một người dân Tây An định đi ăn trong cộng đồng, nhưng bị nhân viên phòng chống dịch của cộng đồng ngăn chặn.
Người dân hỏi: Có được ăn cơm không?
Nhân viên phòng chống dịch trả lời: Không được ăn.
Người dân hỏi: Tôi phải làm gì nếu tôi chết đói?
Nhân viên phòng chống dịch: Không liên quan gì đến tôi nếu anh chết đói. Nếu anh không có thẻ thông hành, thì sẽ không được phép ra ngoài.
Thành phố Tây An, với dân số 13 triệu người, đã tuyên bố phong tỏa vào ngày 23/12/2021. Dưới sự giám sát của Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, ngày 4/1, chính quyền Thiểm Tây đã thông báo rằng Tây An “về cơ bản đã đạt 0 ca nhiễm cộng đồng”.
Ngoài việc hàng chục ngàn công dân ở Tây An bị chuyển đến các điểm cách ly và phải chịu đựng đói khát, còn rất nhiều bi kịch do gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống, khám chữa bệnh cho những công dân bị phong tỏa tại nhà.
Ngay sau khi Tây An tuyên bố “0 ca nhiễm”, ngày 8/1, chính quyền thông báo rằng đã có một “người siêu lây truyền” về dịch bệnh ở Tây An. Sau đó, tình hình dịch bệnh tại địa phương trở nên trầm trọng trở lại.
Theo báo cáo từ chính quyền, tính đến ngày 12/1, Tây An có 3 khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao và 37 khu vực trung bình.
Tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Thiên Tân gây tranh cãi: “Đừng gây thêm phiền phức cho đất nước”
Ngày 12/1, Thiên Tân chính thức phát đi thông báo dự kiến tiến hành đợt xét nghiệm axit nucleic thứ hai cho toàn bộ người dân. Đầu tháng này, sau khi trường hợp omicron lây truyền trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở Thiên Tân, chính quyền đã tiến hành các cuộc kiểm tra axit nucleic quy mô lớn trên toàn thành phố từ ngày 8 đến ngày 9/1, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt giao thông.
Theo một đoạn video, trong khi người dân Thiên Tân đang xếp hàng để xét nghiệm axit nucleic vào ngày 9/1, phát thanh về phòng chống dịch bệnh do các nhân viên y tế Thiên Tân thực hiện đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng.
Chương trình phát thanh có đoạn: “Thà nằm ngủ đến bẹp đầu, cũng không mạo hiểm ra ngoài. Thà tự uống say còn hơn ra ngoài dự tiệc. Thà đổ mồ hôi ở nhà hơn là gây thêm phiền phức cho đất nước.”
Đối với đoạn phát thanh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh này, một số cư dân mạng đã mỉa mai rằng: “Nói ngàn lời, vạn lời thì cũng chỉ là nói người dân đừng thêm gây phiền phức cho đảng.”
Cô Vương, một cư dân của quận Tân Nam, thành phố Thiên Tân, nói với Epoch Times: “Thực tế, họ (chính phủ) coi đây là một nhiệm vụ chính trị, có thể là để bảo vệ Bắc Kinh và Thế vận hội Mùa đông.”
Bí thư thôn Hà Nam chửi đổng dân làng: “Có một số người mặt dày không biết xấu hổ”
Mới đây, một bí thư thôn ở vùng nông thôn tỉnh Hà Nam, đã dùng loa phát thanh để thực hiện tuyên truyền phòng chống dịch, và đã được cư dân mạng bàn tán sôi nổi. Bí thư thôn mắng người dân “không nghe lời” trên loa phát thanh: “Có một số người chính là mặt dày không biết xấu hổ”. Ông còn cảnh cáo “Nếu ngày mai tôi lại ra đường tuyên truyền, các người lại tụ tập thành nhóm, các người cứ tụ tập đi, tôi sẽ không khách khí với các người!”
Hiện tại, thành phố An Dương là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở tỉnh Hà Nam. Vào ngày 10/1, thành phố An Dương báo cáo rằng nguồn gốc của đợt dịch hiện tại là một sinh viên đại học trở về nhà từ Thiên Tân, và là ca nhiễm Omicron.
Ngoài An Dương, Vũ Châu cũng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước vào ngày 10/1, thị trưởng thành phố Vũ Châu cho biết rằng nguồn gốc của dịch bệnh trong thành phố vẫn chưa được tìm ra.
Cán bộ cấp cơ sở của ĐCSTQ khác biệt rõ ràng ở miền nam và miền bắc
So với những cán bộ thôn ở Hà Nam, những cán bộ thôn ở phía vùng Đông Bắc như dưới đây có vẻ “không nói đạo lý” hơn.
Theo một đoạn video được cư dân mạng đăng tải, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, bí thư một ngôi làng ở Liêu Ninh đã cảnh báo những người dân địa phương “không nghe lời” qua loa phát thanh: “Cán bộ thôn mang mấy một cái cuốc, tình nguyện viên ở các ngã tư, kẻ nào ra ngoài sẽ đánh chết kẻ đó…”
Hiện tại, biến thể Omicron ở Thiên Tân đã tràn sang những nơi khác như Liêu Ninh, Hà Nam. Ngày 12/1, tại quận Cam Tỉnh Tử, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, 2 người được phát hiện dương tính trong quá trình kiểm tra axit nucleic định kỳ những người trở về thành phố Thiên Tân.
Hai người đều là sinh viên đại học đang hoạt động ở quận Tân Nam, thành phố Thiên Tân. Họ đi chuyến tàu cùng nhau vào ngày 8/1. Con tàu đi qua một số ga ở tỉnh Hà Bắc, những người và khu vực liên quan bị cách ly, phong tỏa. Ngoài ra, công tác phòng chống dịch ở Thẩm Dương, Liêu Ninh và những nơi khác cũng bắt đầu thắt chặt.
Tỉnh Quảng Đông gần đây đã lần lượt báo cáo các trường hợp mới, và Thâm Quyến hiện là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh này.
Gần đây, buổi phát thanh về phòng chống dịch của cộng đồng Liêu Hạ ở thị trấn Hậu Nhai, thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng, và các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền đã lan rộng đến các gia đình.
Tại một địa điểm xét nghiệm axit nucleic ở cộng đồng Liêu Hạ, trong chương trình phát thanh, cơ quan quản lý cộng đồng đã yêu cầu: “Từ tối nay, các cặp đôi phải ngủ giường riêng, ăn riêng, không được hôn, không được ôm ấp. Hy vọng mọi người tuân thủ một chút, kiên trì một chút, cảm ơn vì đã hợp tác.”
Điều đáng nói là các ủy ban khu phố và chi bộ thôn của các cộng đồng dân cư đô thị của Trung Quốc đều là tổ chức đảng cơ sở của ĐCSTQ. Các chi bộ đảng này quán triệt chỉ ý của đảng, trong các phong trào chính trị trong lịch sử của ĐCSTQ, họ thường xông lên tuyến đầu.
Hiện tại, ĐCSTQ đã thúc đẩy “Dự án loa phát thanh nông thôn mới” tại hơn 200 thành phố và quận trên khắp Trung Quốc, đồng thời thiết lập các chuyên mục tuyên truyền như “Tiếng nói hay của Đảng” để tuyên truyền tẩy não người dân bằng hình thức chính xác hóa và tiếp xúc gần gũi với đời sống người dân một rộng rãi.
Cao Tĩnh, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Tuyên truyền của ĐCSTQ Phòng chống dịch bệnh Tây An