TQ: 10 chuyện “dị thường” trong phòng chống dịch COVID-19 tại Tây An
- Viên Bân
- •
Dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) đang bùng phát trở lại tại Trung Quốc, một trong những điểm nóng gần đây là tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Do kiên định với chính sách “zero COVID” nên cơ quan chức năng đã phải phong tỏa toàn thành phố Tây An, quá trình chống dịch cực đoan này đã kéo theo nhiều vấn đề bất thường.
Hình ảnh đường phố Tây An sau khi phong tỏa vào ngày 31/12/2021 (Nguồn: STR / AFP/Getty).
1. Lao động nhập cư mạo hiểm chạy trốn khỏi Tây An
Sau khi Tây An bị phong tỏa, có 3 người lao động nhập cư đã liều mạng đào thoát khỏi Tây An: một người đi bộ băng qua dãy núi Tần Lĩnh, một người đạp xe đến Thuần Hóa, người còn lại bơi qua sông Vị trong mùa đông lạnh giá, nhưng cuối cùng tất cả đều bị phát hiện và bị bắt giữ.
Cư dân mạng: Phong tỏa thành phố đồng nghĩa với cuộc sống hàng ngày bị gián đoạn đột ngột, do đó phải đối diện “nguy cơ sinh tồn khắc nghiệt”. Trong cảnh không biết cầu cứu ai, người lao động nhập cư không nhà, không tiền, thì còn cách nào ngoài chạy trốn?
2. Sáu người trong gia đình bị lây vì một người xin đi cách ly không được
Trong quá trình bị phong tỏa phải ở nhà, anh Sun Hui xuất hiện triệu chứng sốt và chảy máu cam trong nhiều ngày liên tiếp. Do công ty anh có đồng nghiệp bị nhiễm COVID-19 nên anh nghi ngờ bản thân bị nhiễm, đã nhiều lần yêu cầu ban ngành liên quan cho đi cách ly nhưng không ai quan tâm, hệ quả kéo theo cả gia đình 6 người lần lượt nhiễm virus ở mức nặng nguy hiểm. Anh Sun Hui đã đành phải liều mạng vào cầu cứu trong nhóm người quản lý (trên mạng internet), hy vọng được cho đi cách ly.
Cư dân mạng: Người chủ động muốn đi cách ly thì không cho đi, còn nhiều người không muốn đi thì bắt đi. Đúng là bi hài!
3. Nhân viên phòng chống dịch nối hàng dài… chuyển rau
Hôm 31/12/2021, một tài khoản Weibo có tên “Phát trực tiếp từ Tây An” (Xian Zhibo) đã đăng tải một đoạn video quay cảnh các nhân viên phòng chống dịch xếp hàng dài để chuyển rau. Tag video là “Nhật ký chống dịch Tây An”, với lời giới thiệu: “Thực phẩm miễn phí do chính phủ gửi đến, cảm ơn những người phục vụ đáng yêu!”
Đoạn video dài 30 giây cho thấy trong một đoạn đường ngắn có đến 28 nhân viên trang bị bảo hộ đầy đủ chuyển nhau những túi rau đến khu dân cư gần đó, khoảng cách mỗi người chỉ chừng 1 mét. Sau khi video xuất hiện đã thu hút chỉ trích của công luận, trong vòng chưa đầy hai ngày đã có hơn 27.000 bình luận.
Cộng đồng mạng: Các nhân viên phòng chống dịch đã làm việc chăm chỉ, nhưng có một thứ gọi là “xe đẩy”, có phải mọi người diễn để làm phim không?
4. Người đàn ông 39 tuổi thiệt mạng sau khi bị 3 bệnh viện từ chối
Theo Dahe Daily của nhà nước Trung Quốc, người đàn ông 39 tuổi người Tây An có tên Lý Hải (biệt danh) đã qua đời vào ngày cuối cùng của năm 2021. Vào lúc 4h40 sáng ngày 31/12/2021, kết quả tử vong do Bệnh viện số 9 Tây An đưa ra là “đột tử, lóc tách động mạch chủ”.
Trước đó 4 tiếng, Lý Hải bị tức ngực và đã nhiều lần gọi đến số khẩn cấp “120” nhưng không ai nghe máy, đành thông báo cho bạn bè đến giúp đỡ; sau đó lại vì không thể có được kết quả kiểm tra axit nucleic kịp thời, nên nhân viên y tế không thể cho vào bệnh viện; sau khi có kết quả lại lần lượt bị 3 bệnh viện từ chối, đến bệnh viện thứ 4 mới tiếp nhận, nhưng bác sĩ cho biết rất ít hy vọng cứu được. Cuối cùng, sau 1:42 phút được các nhân viên y tế Bệnh viện số 9 Tây An cố gắng cứu chữa, Lý Hải được thông báo là “đã chết lâm sàng”.
Cộng đồng mạng: Ở cái thành phố hoang đường này, chỉ cần bạn không chết vì virus thì không tính là chết. Chỉ cần “dọn sạch bộ mặt xã hội” thành công, chính quyền Tây An sẽ toàn thắng!
5. Ra ngoài mua bánh bao về thì bị đánh hội đồng
Vào ngày 31/12/2021, cộng đồng mạng Trung Quốc đăng đoạn video về “Anh chàng Tây An ra ngoài mua bánh bao về thì bị đánh hội đồng”. Video cho thấy một người đàn ông mặc áo sơ mi trắng đang đứng trước cổng khu vực dân cư tranh cãi với nhân viên làm việc của khu dân cư, bên tay trái thanh niên kia cầm điện thoại di động nghi ngờ để quay video, tay phải cầm túi bánh bao. Sau đó thấy có người đàn ông mặc đồ đen đi vòng ra sau anh áo trắng và giật lấy điện thoại di động, tiếp đó là 4 – 5 người đàn ông mặc đồ đen xông vào đấm đá người áo trắng. Bánh bao rơi vãi khắp sàn.
Cộng đồng mạng: Chỉ cần có chút quyền lực là nghĩ cách để phát huy tối đa. Hãy nhìn họ, đánh người dân thường chẳng khác gì đánh cháu họ.
6. Bi kịch sản phụ không thể nhập viện do kết quả kiểm tra axit nucleic quá hạn
Vào đêm ngày đầu tiên của năm 2022, chỉ vì kết quả xét nghiệm axit nucleic quá hạn 2 giờ, người phụ nữ mang thai họ Tôn đi khám bệnh đau bụng cùng người chồng họ Dương đã không được nhân viên bệnh viện Cao Tân – Tây An cho vào. Cô Tôn phải chịu đau đớn và chờ đợi bên ngoài trong thời tiết nhiệt độ gần 0 độ C, cho đến khi máu chảy đầy dưới chân thì là lúc dường như cô đã bị sẩy thai. Mãi đến 10h tối, nhận thấy tình trạng của cô Tôn rất nguy kịch thì bệnh viện mới vội vàng đưa vào phòng mổ, nhưng không thể cứu được đứa con trong bụng.
Cộng đồng mạng: Thảm kịch trần gian như vậy, đến biên kịch phim cũng không viết được. Chống dịch kiểu này là trá hình của giết người!
7. Vĩnh viễn mất người cha vào đêm đầu Tây An phong tỏa
Trưa ngày 2/1, người cha của cư dân mạng Tây An có nick “Hoa Hướng Dương” bất ngờ lên cơn đau thắt ngực, cô đã cầu cứu nhiều bệnh viện địa phương nhưng đều bị từ chối, sau vài tiếng mới kiếm được bệnh viện cho nhập viện thì đã quá muộn! “Tôi đã vĩnh viễn mất cha vào hôm Tây An bị phong tỏa”, cô nói. Trong thời gian này, cô đã gọi 110 nhưng được trả lời không nằm trong phạm vi chức trách của họ; cô lại gọi 120 nhưng phải chờ rất lâu cuối cùng mới được người thông báo họ cần thời gian để sắp xếp xe cấp cứu, nhưng không thể nói cụ thể sẽ mất bao lâu.
Cộng đồng mạng: Điều khủng khiếp trong vụ việc này là vấn đề xem nhẹ sinh mạng con người. Gọi số 110 để được trợ giúp nhưng được báo không nằm trong chức trách? Từ khi còn nhỏ chúng ta đã được chỉ dẫn khi có vấn đề hãy gọi 110 để được giúp đỡ, kết quả là đây!
8. Hệ thống mạng internet bị sập
Theo cnwest.com, 9h ngày 4/1, Ban chỉ huy phòng chống dịch Tây An quyết định bắt đầu đợt kiểm tra axit nucleic mới trong thành phố. Khoảng 9h sáng nhiều người dân thông báo rằng hệ thống mạng internet Tây An bị sập nên không thể thực hiện xét nghiệm axit nucleic. Lúc 9h30 sáng, phóng viên đã đăng nhập kiểm tra nhưng không thể hiển thị mã QR để có thể truy vấn kết quả kiểm tra axit nucleic.
9. Nhân viên chống dịch bôi dầu ăn lên hàng rào
Theo tpo.wang, vào ngày 5/1 tại Tây An tỉnh, Thiểm Tây, nhân viên phòng chống dịch trong một khu phố đã bôi dầu ăn lên hàng rào để ngăn mọi người trong khu phong tỏa trèo qua. Đoạn video gốc ban đầu được các tình nguyện viên trong khu phố quay lại đăng lên nhóm ban quản lý khu vực, sau đó được lan truyền trên mạng internet gây bàn luận sôi nổi.
Sau khi đoạn video được đăng tải trên Weibo, dù có những cư dân mạng đã bày tỏ cảm thông, nhưng cũng có nhiều người chất vấn những người làm nhiệm vụ công ích đáng lý phải tập trung vào xử lý nhu cầu cuộc sống thiết thực cho mọi người, lại đi làm trò “tà đạo”, cho thấy trình độ quản lý thấp kém.
Cư dân mạng: Vô năng bất tài trong ứng phó dịch bệnh nhưng đầy thủ đoạn tồi tệ trong đối phó với người dân.
10. Phát đồ ăn nhưng yêu cầu người dân “cảm ơn chính quyền”
Gần đây, một đoạn video ghi lại cảnh nhân viên phụ trách cung cấp đồ tiếp tế cho người dân Tây An bị cách ly tại nhà đã được lan truyền trên mạng, làm dấy lên phẫn nộ trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Đoạn video ngắn quay cảnh hai nhân viên mặc đồ bảo hộ giao thức ăn đến nhà dân: một người tay cầm túi rau phát cho người dân, nhưng khi người dân chuẩn bị tiếp nhận thì người kia bảo “hãy nói gì đi chứ”, khi người dân hỏi lại “nói gì” thì người làm nhiệm vụ kia bảo “nói gì tự biết”. Lúc này người dân nhận tiếp tế mới “vỡ lẽ”, vội nói “cảm ơn chính quyền, cảm ơn chính quyền”.
Ngoài ra, ngày 6/1 còn có một video cho thấy, có 8 người lớn tuổi ở Tây An đã đặt ngay ngắn những thực phẩm mà họ nhận được trên mặt đất, có 4 người quỳ xuống đất và 4 người đứng, trong đó có 4 người hô lớn “cảm ơn đảng cộng sản, cảm ơn chính phủ, cảm ơn tình nguyện viên, đã làm vì chúng tôi”.
政府的小舅子壟斷了菜攤,又高價賣給了你,你還感謝政府?😆🍾️ pic.twitter.com/Cvfchg9Q5R
— 悉尼閑人 (@Jerry00107966) January 2, 2022
Cộng đồng mạng: Hoang đường như phim hài!
Viên Bân, Epoch Times
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)
Xem thêm:
Từ khóa COVID-19 Dịch bệnh ở Trung Quốc Tây An