Cách tra tấn các nhà hoạt động nhân quyền trong trại giam Trung Quốc
- Tuyết Mai
- •
Từ tháng 7/2015, Bộ Công an Trung Quốc thực hiện kế hoạch truy quét bắt bớ hơn 300 luật sư đấu tranh vì nhân quyền thuộc 23 tỉnh thành khác nhau trên toàn quốc, gọi là đại án trấn áp 709. Trong số những luật sư được thả hiện nay, có người đã tiết lộ cùng BBC các thủ đoạn tra tấn trong nhà tù Trung Quốc từ tháng Tám năm nay, nhưng vì bị chính quyền Trung Quốc đe dọa nên đến tận gần đây những tiết lộ này mới được BBC công bố.
Tháng Tám năm nay, hãng tin BBC đã thực hiện chuyên đề phỏng vấn luật sư bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc là Tạ Yên Ích (Xie Yanyi) liên quan đến vụ án ngày 09/07/2015 (đại án 709). Sau khi nhận trả lời phỏng vấn BBC, vì bị chính quyền cảnh cáo nên đến mãi ngày 28/10 vừa qua, bài trả lời phỏng vấn này mới được công bố. Trả lời phỏng vấn, luật sư Tạ Yên Ích đã kể lại chi tiết sự việc bị chính quyền ngược đãi, cho biết điều khó khăn nhất không phải đau đớn thể xác mà là quãng thời gian cô độc trong tù.
Nửa năm không thấy ánh sáng
Theo trả lời của luật sư Tạ Yên Ích, anh đã bị công an Trung Quốc cưỡng ép ngồi xổm trên chiếc ghế đẩu, ngồi từ 6 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm. Sau 15 ngày chịu cực hình này, chân của Tạ Yên Ích dường như không còn cảm giác gì, đi vệ sinh rất khó khăn. Ngoài ra Tạ Yên Ích còn bị bỏ đói, chịu tra hỏi kéo dài hơn 10 tiếng, bị đánh đập. Khi Tạ Yên Ích ngủ thì luôn có người giám sát bên cạnh, cả đêm yêu cầu giữ cho cơ thể cố định theo một tư thế.
Nhưng đối với luật sư Tạ Yên Ích thì những cực hình này không đáng sợ bằng cảm giác cô độc ở trong tù. “Tôi bị biệt giam trong căn phòng nhỏ, nửa năm không thấy ánh sáng, cũng không có bất cứ thứ gì để đọc, ngoài bị bắt ngồi trên ghế đẩu, hoàn toàn không có việc gì làm”, Tạ Yên Ích nói, “tình cảnh như thế có thể làm cho người ta bị điên. Tôi hoàn toàn bị cách ly với thế giới. Đây là cực hình, biệt giam còn đáng sợ hơn bị tra tấn.”
Ngoài ra, chính quyền còn dùng hình ảnh, video của vợ và con Tạ Yên Ích để uy hiếp, cho biết sẽ bắt luôn cả vợ của anh, công việc và học hành của con anh cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tạ Yên Ích cho rằng thủ đoạn tàn nhẫn của chính quyền “có tác dụng răn đe và gây khiếp sợ đối với một số người. Nhưng đồng thời cũng rèn luyện cho một số người khác năng lực chịu đựng áp lực, càng thêm kiên định, quyết tâm.”
Giống như những luật sư khác, khi được thả anh cũng bị đe dọa, nhắc nhở không được trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, nhưng anh không quan tâm đến lệnh cấm này. “Có thể có một số nguy hiểm, nhưng tôi cho rằng lên tiếng là trách nhiệm của tôi”, Tạ Yên Ích cho biết, “xã hội mà tước đoạt tư tưởng và tự do ngôn luận của con người thì không thể chấp nhận được.”
Tạ Yên Ích là luật sư nhân quyền Trung Quốc, quê ở Quảng Đông, từng đại diện cho hàng chục vụ án xâm phạm nhân quyền, trong đó có nhiều vụ án về Pháp Luân Công. Năm 2003 đã lên tiếng tố cáo lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm Giang Trạch Dân tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương là làm trái Hiến pháp. Năm 2008 xuất bản “Nghiên cứu phong trào hòa bình dân chủ”, qua đó khởi xướng những giá trị về hòa bình và dân chủ.
Tháng 9/2015, trong đợt trấn áp các nhà đấu tranh nhân quyền trong nước của công an Trung Quốc, trong số người bị bắt có Tạ Yên Ích (được gọi là đợt trấn áp 709). Ngày 5/1 năm nay Tạ Yên Ích được thả về nhà sau 553 ngày bị giam bất hợp pháp.
Phóng viên BBC bị đe dọa
Sau khi về nhà, Tạ Yên Ích vẫn bị giám sát và đe dọa, chuyện này được thể hiện rõ trong lần trả lời phỏng vấn BBC này. Để tránh camera giám sát, nhóm phóng viên BBC phải đi vào theo đường tầng hầm. Dù vậy, trong lúc phỏng vấn vẫn bị gián đoạn, vì hơn chục người đàn ông tụ tập bên ngoài nơi ở của luật sư Tạ.
Sau khi phỏng vấn xong, đoàn làm phim của BBC cũng đi ra từ tầng hầm, nhưng khi ra ngoài họ bị đám thanh niên bao vây, chúng gõ vào cửa kính xe và ra lệnh mở cửa xe. Sau quá trình giằng co khoảng một tiếng, đoàn phim mới rời đi được.
Sau chuyện này, chính quyền đã đến cảnh cáo Tạ Yên Ích: Không được có bất cứ động thái nào trong thời gian tổ chức hội nghị quan trọng nhất của Đảng. Vì vấn đề an toàn của Tạ Yên Ích mà chuyên đề phỏng vấn đến ngày 28/10 mới được công bố.
Vụ án 709 đến nay đã kéo dài hơn 2 năm, theo tài liệu công bố mới nhất từ trang mạng luật sư về nhân quyền (chrlawyer), đến 6h tối ngày 17/10/2017 có ít nhất 321 luật sư, nhân viên pháp luật, nhà đấu tranh nhân quyền, và người thân gia đình họ bị triệu tập phỏng vấn, hạn chế xuất cảnh, quản thúc tại gia, giám sát cư trú, bắt giữ, cưỡng bức mất tích.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa luật sư nhân quyền Sự kiện 709 Đàn áp nhân quyền