Ngày 23/5, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), bà Michelle Bachelet đã đến thăm Trung Quốc. Kênh truyền thông CCTV của Trung Quốc đưa tin bà Bachelet ngưỡng mộ vấn đề bảo vệ nhân quyền của Trung Quốc, tuy nhiên văn phòng của bà Bachelet đã làm rõ “đó là thông tin không đúng”.

W020170522601907792148
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và bà Michelle Bachelet. (Nguồn: mfa.gov.cn)

Văn phòng Nhân quyền LHQ bác thông tin của CCTV

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đã đến Quảng Châu ngày 23/5. Chuyến đi kéo dài 6 ngày này có kế hoạch ​​đến thăm 2 thành phố ở Tân Cương là Urumqi và Kashgar.

Ngày thứ hai trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Bachelet, nhiều hãng truyền thông quốc tế đã tung ra bằng chứng mới có tên “Tài liệu cảnh sát Tân Cương”, ghi lại vấn đề nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, trong đó có hàng ngàn tài liệu và hình ảnh bí mật liên quan đến các trại tập trung ở Tân Cương. Ngày 25/5, ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp qua video với bà Bachelet.

Theo hãng truyền thông nhà nước CCTV của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình nói rằng nhân quyền của Trung Quốc được đảm bảo chưa từng có, rằng không có “nhà nước lý tưởng’ nào hoàn hảo về vấn đề nhân quyền, không cần “sư phụ” dạy bảo nước khác, “không nói đến vấn đề nhân quyền kiểu chính trị hóa, công cụ hóa, tiêu chuẩn kép, và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác với lý do nhân quyền”...

CCTV đưa tin rằng bà Cao ủy Bachelet “ngưỡng mộ những nỗ lực và thành tựu của Trung Quốc trong việc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ nhân quyền và thực hiện phát triển kinh tế và xã hội”.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền LHQ là Elizabeth Throssell cho biết trong email gửi Đài VOA (Mỹ), rằng bà Bachelet đã “khen ngợi những thành tựu của Trung Quốc trong việc xóa đói giảm nghèo”, nhưng về nhân quyền thì không phải như CCTV đưa tin. Những gì bà Bachelet nói vào thời điểm đó là, “Chúng ta sẽ thảo luận về các vấn đề nhân quyền quan trọng, nhạy cảm, và tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp chúng ta làm việc cùng nhau để thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc và trên toàn cầu”.

Phát ngôn viên Throssell cũng kể với Đài VOA rằng bà Bachelet nói “Trung Quốc có thể đóng vai trò then chốt trong các thể chế đa phương” chứ không phải như nội dung phụ đề tiếng Anh của CCTV viết bà Bachelet “ca ngợi vai trò quan trọng của Trung Quốc trong phát huy chủ nghĩa đa phương”.

Nhiều nhóm nhân quyền lâu nay vẫn lo ngại vấn đề ĐCSTQ luôn kiểm soát thông tin thực tế, vấn đề sai lệch trong chuyến thăm của Cao ủy LHQ này là một ví dụ về điều đó.

Cuộc gặp với ông Tập không có trong kế hoạch đã gây chú ý

Cao ủy Nhân quyền LHQ đã tweet ngày 25/5 rằng “Cuộc gặp với Chủ tịch Tập và các quan chức cấp cao rất có giá trị để thảo luận trực tiếp về các vấn đề nhân quyền và mối quan tâm ở Trung Quốc cũng như trên toàn cầu. Để sự phát triển, hòa bình và an ninh được bền vững: phải lấy con người làm trung tâm để bảo vệ nhân quyền và công chính, đây là vấn đề không có ngoại lệ”.

Theo lộ trình do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ công bố trước đó, bà Bachelet không có sắp xếp cho một cuộc gặp video với ông Tập Cận Bình.

Người sáng lập tổ chức phi chính phủ Mỹ Citizen Power, ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli) cho biết hơi ngạc nhiên về cuộc gặp video ngoài kế hoạch. Ông nói với Đài RFA, “Điều này cho thấy đầy đủ rằng ông Tập Cận Bình cảm thấy rất căng thẳng, đặc biệt là trong những năm gần đây thành tích nhân quyền kém cỏi của Trung Quốc đã được quan tâm chặt chẽ trên toàn thế giới, hình ảnh của Trung Quốc, hình ảnh của ông Tập Cận Bình đã giảm xuống một mức thấp mới trên thế giới, ông Tập biết tình hình và cảm thấy cần phải ứng phó”.

Ông Dương Kiến Lợi không ngạc nhiên trước những “lời nói suông” và “khái niệm” lặp đi lặp lại của ông Tập Cận Bình, nhưng ông ngạc nhiên và thậm chí tức giận khi không thấy có thông tin Cao ủy LHQ Michelle Bachelet đặt câu hỏi cụ thể hoặc đi sâu vào các điểm chính về nhân quyền của Trung Quốc.

Ông tin rằng bà Bachelet đã hỏi ông Tập Cận Bình những câu hỏi cụ thể, chẳng hạn như “tài liệu cảnh sát Tân Cương” bị lộ gần đây là thật hay giả? Tội của họ [những người bị quản chế] là gì? Tại sao lại quản chế nhiều người như thế? Để xử bắn hàng loạt? Nếu ông Tập Cận Bình được yêu cầu trả lời vấn đề như vậy, ông ấy sẽ không thể làm rõ thẳng thắn được. Theo quan điểm của ông, chuyến thăm Trung Quốc của bà Bachelet có thể bị ĐCSTQ lợi dụng để đánh bóng cho họ.

Chuyến thăm đầu tiên sau 17 năm

Chuyến thăm Trung Quốc của bà Bachelet là chuyến thăm đầu tiên kể từ năm 2005 của Cao ủy Nhân quyền LHQ, nhưng bà vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề Tân Cương.

Người phụ trách Dự án Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), ông Peter Irwin nói với Đài VOA, “Trung Quốc (ĐCSTQ) có gần 3 năm để đặt nền móng cho chuyến thăm thực địa này, đó là lý do tại sao chúng tôi không nghĩ chuyến thăm này có gì đặc biệt hữu ích. Họ có kế hoạch rõ ràng gây tổn hại cho công việc của văn phòng bà ấy [Cao ủy LHQ], qua đó trình diễn một hiện thực khác cho cộng đồng quốc tế thấy”.

Ngoài ra, trước chuyến thăm Trung Quốc này, bà Bachelet đã không gặp gỡ và liên lạc với các tổ chức nhân quyền và các nhóm xã hội dân sự. Điều này cũng làm dấy lên mối lo ngại của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Bà ấy có thể không nhìn thấy tình hình thực tế về nhân quyền ở Trung Quốc trong chuyến đi này, sẽ bị Bắc Kinh lợi dụng để trở thành công cụ tuyên truyền cho thành tích nhân quyền tồi tệ của ĐCSTQ.

Chuyên gia về Tân Cương tại Viện Công nghệ Ross-Hulman (Mỹ) Timothy Grose nói với Hãng tin DW của Đức, rằng phần lớn quan điểm của các nhà hoạt động nhân quyền khác cùng những người Duy Ngô Nhĩ phải đi tị nạn nước ngoài là: Chuyến thăm của LHQ chủ yếu mang tính biểu diễn.

Ngoài ra, Bloomberg đưa tin rằng một nguồn tin ngoại giao tham gia cuộc trò chuyện video của bà Bachelet với ông Tập Cận Bình tiết lộ, từ góc độ của bà Bachelet thì mục đích chuyến thăm lần này là “thúc đẩy, bảo vệ và tôn trọng nhân quyền” hơn là tiến hành một cuộc điều tra. Do đó ai kỳ vọng quá nhiều vào chuyến đi này sẽ dẫn đến “thất vọng tràn trề”.

Cựu Luật sư: Cao ủy Nhân quyền LHQ khó có thể thấy được sự thật

Theo DW, người phụ trách vấn đề Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) là Sophie Richardson cho biết: “Những ai tiếp xúc với bà Bachelet đều bị chính quyền Trung Quốc biết, những người này cũng sẽ không giấu việc trao đổi với bà Bachelet. Tôi cho rằng chúng ta không phải quá đáng khi nghi vấn: chính quyền ĐCSTQ sẽ trả đũa những người này hoặc tiến hành giám sát”.

Chia sẻ với tờ Epoch Times về vấn đề này, cựu luật sư Bắc Kinh là Tống Mỹ Anh (Song Meiying) chỉ ra từ kinh nghiệm của bản thân, cho biết ngay cả khi Cao ủy Nhân quyền LHQ đến các trại tập trung Tân Cương thì cũng khó mà biết được sự thật. Từ năm 2010 -2012, Tống Mỹ Anh đã bị chính quyền ĐCSTQ giam giữ bất hợp pháp trong 2 năm vì cô tập Pháp Luân Công. Thời gian cô bị giam trong lữ đoàn đầu tiên của Trại lao động nữ cưỡng bức tại Bắc Kinh, khi đó đội phó phụ trách “cải tạo” là Tôn Thụ Ngân (Sun Shuyin) đã đích thân nói với cô rằng đừng mong đợi được cộng đồng quốc tế quan tâm, và cho cô một ví dụ.

Một năm nọ có tổ chức quốc tế đến “khảo sát” trại lao động, cảnh sát ĐCSTQ đã chuyển những người “bất tuân” đi nơi khác. Những người của tổ chức quốc tế đi khảo sát trại lao động dưới “tháp tùng” của cảnh sát, họ đi một vòng rồi ra về. Tôn Thụ Ngân nói rằng tổ chức quốc tế bất ngờ dùng cách “hồi mã thương” trở lại trại lao động, nhưng cảnh sát ĐCSTQ ngay lập tức thông báo cho phía trại lao động và nhanh chóng ra tay chuyển những người bất đồng có thể nói vấn đề cho tổ chức quốc tế đi nơi khác.

Cựu luật sư Bắc Kinh Tống Mỹ Anh cũng có trải nghiệm tương tự, bà nhiều lần bị đưa đến khu đất nông nghiệp phía sau trại lao động hoặc đến trại hoa. Sau khi trở lại nhà giam thì mới được biết lý do vì có một số cơ quan trong nước đã đến thăm. Bà cho rằng trại lao động vẫn rất khắt khe với các đoàn thăm viếng trong nước nói gì đối với các tổ chức quốc tế. Nhiều người bị bỏ tù cũng đã từ bỏ đấu tranh vì họ lo lắng cho người thân gia đình bị nhà cầm quyền không ngừng sách nhiễu.