CECC kêu gọi LHQ không hoãn việc thẩm tra nhân quyền ở Trung Quốc
- VOA
- •
Ngày 21/4, các thành viên của “Ủy ban Chấp hành của Nghị viện Hoa Kỳ về Trung Quốc” (CECC) đã gửi một bức thư đến Chủ tịch “Ủy ban Liên Hợp Quốc chống Tra tấn”, kêu gọi không trì hoãn việc xem xét các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc vì chính quyền nước này không gửi báo cáo kịp thời.
Trong thư, CECC nói rằng kể từ lần xem xét cuối cùng của Ủy ban vào năm 2015, “tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đã xấu đi rõ rệt”, đặc biệt là ở khu vực Tân Cương.
“CECC lưỡng đảng và lưỡng viện” đã gửi một lá thư cho ông Claude Heller, Chủ tịch “Ủy ban Liên Hợp Quốc chống Tra tấn”, thuộc “Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc” (OHCHR), về việc Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đệ trình báo cáo quốc gia “Công ước chống Tra tấn” của mình theo thời hạn, và kêu gọi ông không trì hoãn việc thẩm tra Trung Quốc.
Chủ tịch của CECC – Thượng nghị sĩ Jeff Merkley, đảng viên Đảng Dân chủ đến từ bang Oregon, và đồng Chủ tịch, Dân biểu Jim McGovern – đảng viên Đảng Dân chủ từ bang Massachusetts, cho biết trong thư rằng Trung Quốc có nghĩa vụ đệ trình báo cáo này trước tháng 12/2019, nhưng đến nay vẫn chưa gửi đến.
Họ đề cập đến một cuộc điều tra tiếp theo do Ủy ban chống Tra tấn tiến hành vào tháng 8/2018, về các báo cáo ngược đãi và quấy rối luật sư ở Trung Quốc diễn ra liên tiếp, thiếu cơ chế điều tra tra tấn độc lập, và thiếu một kế hoạch rõ ràng về việc thực hiện “một số hoặc tất cả các khuyến nghị còn lại” trong các ý kiến tổng kết năm 2015 mà Trung Quốc vẫn chưa trả lời.
Trong các ý kiến tổng kết năm 2015 về Trung Quốc, thư của Ủy ban chống Tra tấn bày tỏ sự quan ngại nghiêm túc về “các báo cáo liên tiếp chỉ ra rằng việc tra tấn và ngược đãi vẫn ăn sâu vào hệ thống tư pháp hình sự, cũng như phụ thuộc quá nhiều vào lời thú tội làm cơ sở định tội.”
Bức thư cũng đề cập rằng những người từng bị giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương đã ghi lại những biện pháp tra tấn phổ biến trong các cơ sở giam giữ ngoài tư pháp trong những năm gần đây.
“Điều đáng tiếc là các báo cáo đáng tin cậy sau khi công bố các ý kiến tổng kết tiếp tục cho thấy, việc các quan chức Chính phủ Trung Quốc tra tấn và ngược đãi những người bị giam giữ vẫn chưa giảm bớt,” bức thư viết.
Bức thư đề cập đến thông tin về việc tra tấn và ngược đãi nhắm vào các cá nhân bị giam giữ ở Trung Quốc được liệt kê trong “Báo cáo thường niên năm 2021 về tình hình nhân quyền và phát triển nhà nước pháp quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, được CECC công bố vào ngày 31/3 năm nay.
Trong đó có trường hợp 3 thanh thiếu niên Tây Tạng ở khu vực Thanh Hải, Tây Tạng bị cảnh sát ngược đãi vì điều hành một nhóm WeChat mà không đăng ký với chính quyền địa phương, và trường hợp của Ngưu Đằng Vũ, Đinh Gia Hỉ và Hứa Chí Vĩnh.
Bức thư viết: “Ủy ban phải tiến hành rà soát kịp thời và kỹ lưỡng việc thực hành nhân quyền của Trung Quốc theo các tiêu chuẩn quy định trong Công ước chống Tra tấn.”
“Từ lần xem xét cuối cùng của Ủy ban vào năm 2015, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc đã xấu đi rõ rệt, đặc biệt là ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, khiến chính phủ Hoa Kỳ và các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã phạm tội diệt chủng và chống lại loài người đối với người Hồi giáo Turkic và các dân tộc khác tại nước này.”
Chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, đồng thời nói rằng những lời chỉ trích về các chính sách liên quan đến Tân Cương của Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác là đang bôi nhọ Trung Quốc.
Theo VOA
Từ khóa Nhà tù Trung Quốc Dòng sự kiện nhân quyền Trung Quốc Tra tấn trong tù