Chính trị hóa môi trường kinh doanh, ĐCSTQ tự đập vỡ nồi của chính mình
- VOA
- •
Trong những ngày gần đây, chính quyền Trung Quốc đối nội thì đàn áp các ‘gã khổng lồ’ công nghệ, đối ngoại thì dùng ‘ngoại giao sói chiến’ để tấn công các đối tác thương mại của các quốc gia khác. Các chuyên gia kinh tế nhận định, môi trường kinh doanh của Trung Quốc đang ngày càng bị chính trị hóa, có thể sẽ đe dọa tương lai kinh tế của chính nước này.
Hôm thứ Ba, trong một cuộc đối thoại trực tuyến với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết sẽ tiếp tục đưa Trung Quốc trở thành một điểm đến quan trọng cho đầu tư nước ngoài và trở thành một công xưởng lớn của thế giới.
Ông nói tại cuộc họp: “Chúng tôi sẽ thêm một bước chủ động cởi mở đối ngoại, tạo ra một môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường hóa, luật pháp hóa và quốc tế hóa, thúc đẩy cải cách phân cấp, quy định và dịch vụ, và tạo ra một môi trường thị trường nơi các công ty trong và ngoài nước được đối xử bình đẳng và cạnh tranh bình đẳng.”
Tuy nhiên, các phân tích chỉ ra rằng hàng loạt hành vi bắt nạt của Trung Quốc đối với các đối tác thương mại nước ngoài không phản ánh đúng cam kết nêu trên, nếu Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép với các công ty trong và ngoài nước về mặt chính trị, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc.
Đối ngoại: Gây áp lực lên các đối tác thương mại
Trong vài tuần qua, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 10 cá nhân và 4 thực thể của Liên minh Châu Âu (EU), bao gồm các nghị sĩ và quan chức ngoại giao. Đây là hành động trả đũa việc EU gia nhập liên minh của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada để phối hợp trừng phạt các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Hậu quả kinh tế của hàng loạt động thái cao giọng này là quá rõ ràng. Chưa đầy ba tháng sau khi Trung Quốc và EU đạt được thỏa thuận đầu tư trên nguyên tắc, Nghị viện châu Âu đã thông báo hủy cuộc họp gần nhất để thảo luận về một thỏa thuận đầu tư. Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện Trung Quốc-Châu Âu cần có sự phê chuẩn của Quốc hội. Thỏa thuận này từng được coi là thành quả quan trọng của Trung Quốc trong việc lôi kéo EU chống lại Hoa Kỳ.
Trung Quốc cũng đang gây tổn hại hơn nữa đến môi trường kinh doanh trong nước, tấn công các công ty nước ngoài đã bày tỏ lo ngại về vấn trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. H&M, Nike, Adidas và các nhà bán lẻ phương Tây khác đã bị tẩy chay vì đã phản đối việc sử dụng bông Tân Cương do các hành vi cưỡng bức lao động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở địa phương này.
Trung Quốc tin rằng chính sách cưỡng bức chính trị này của họ sẽ thành công, bởi vì nhiều công ty nước ngoài trước nay vẫn luôn cân nhắc đến nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc và sẵn sàng thỏa hiệp. Nhiều ngày sau sự cố bông Tân Cương, H&M đã ra thông cáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, hy vọng trở thành “người mua hàng có trách nhiệm” và cũng hy vọng “lấy lại lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc.”
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng do cuộc đàn áp chính trị ngày càng leo thang, các doanh nhân nước ngoài đang tăng cường các đánh giá về môi trường kinh doanh của Trung Quốc, đặc biệt cân nhắc đến việc chính quyền Trung Quốc hiện đang buộc các công ty nước ngoài phải chọn bên.
Người phát ngôn Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung, ông Doug Barry nói với VOA: “Các công ty và thương hiệu đa quốc gia đang và sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất về lao động, môi trường và các thông lệ kinh doanh tốt nhất khác. Chính phủ chủ nhà cần hiểu và ủng hộ yêu cầu này. Nếu không, công ty sẽ bị các bên liên quan buộc phải thiết lập lại một phần hoặc toàn bộ chuỗi cung ứng ở nơi khác.”
Mặc dù các công ty nước ngoài cần thị trường Trung Quốc, nhưng các công ty này đã mang vốn nước ngoài vào, họ mua nguyên liệu, sản xuất sản phẩm và thuê công nhân Trung Quốc tại Trung Quốc. Tất cả những điều này đều thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Chuyên gia thương mại Gary Hufbauer thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Hoa Kỳ), nói với VOA: “Các công ty nước ngoài có trụ sở chính tại Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Canada và Úc đang ở trong tình trạng căng thẳng. Nhiều công ty đã hoãn kế hoạch mở rộng ở Trung Quốc. Một số công ty đang chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ sang các nước khác.”
Ông cũng dự đoán: “Việc mất đi tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể làm giảm 0,5% tăng trưởng GDP của Trung Quốc”.
Đối nội: Tăng cường kỷ luật chính trị đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước
Môi trường kinh doanh liên tục bị chính trị hóa của Trung Quốc cũng được phản ánh trong việc chính quyền thắt chặt kiểm soát đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, điều này đã làm trầm trọng thêm mối quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu, và ngoại giới thậm chí còn đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có cam kết cải cách và mở cửa kinh tế như họ đã tuyên truyền?
Cơ quan Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc mới đây đã phạt Alibaba 2,8 tỷ USD với lý do công ty này lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Nhưng điều bất thường là ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử này lại quay lại bày tỏ lòng biết ơn đối với cơ quan quản lý.
Trong thư ngỏ, Alibaba cho biết : “Sự giám sát và dịch vụ của chính phủ, những lời chỉ trích, sự khoan dung và hỗ trợ từ mọi tầng lớp xã hội là chìa khóa cho sự phát triển của Alibaba trong suốt chặng đường. Chúng tôi biết ơn vì điều này, đồng thời cũng rất kính nể.”
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cố gắng dập tắt những lo ngại từ bên ngoài về việc chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát kinh tế. Kênh truyền thông đảng “Nhân dân nhật báo” đã tuyên bố trong một bài bình luận rằng việc trừng phạt Alibaba “không có nghĩa là phủ nhận vai trò quan trọng của nền kinh tế nền tảng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội nói chung, cũng không có nghĩa là thái độ của nhà nước trong việc hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế nền tảng đã thay đổi.”
Nhưng án phạt cho Alibaba vẫn phản ánh các chính sách không rõ ràng đã đặt ra thách thức như thế nào đối với nền kinh tế thị trường. Sau khi Jack Ma (Mã Vân), người sáng lập công ty, công khai chỉ trích các hạn chế quy định cản trở sự đổi mới, khơi dậy cơn giận của các quan chức cấp cao trong đảng, Alibaba sau đó đã phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý.
Chuyên gia Hufbauer cho biết: “Thông điệp từ Bắc Kinh là, không công ty nào có thể thách thức các quy định của chính quyền, đặc biệt là các công ty lớn”.
Phát biểu của Jack Ma cũng khiến đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group vốn rất được mong đợi đã phải bị hủy bỏ. Kể từ khi tiếp nhận điều tra tới nay, Alibaba đã biểu hiện thái độ hợp tác và cho biết sẽ đảm nhận nhiều trách nhiệm xã hội hơn. Theo ước tính của Bloomberg think tank, định giá IPO của Ant Group có thể sẽ bị sụt giảm một nửa.
Cuộc điều tra đối với Alibaba dường như cũng là sự khởi đầu của một chiến dịch nhằm kiềm chế quyền lực của các nhà lãnh đạo Internet Trung Quốc. Cơ quan Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc đã triệu tập 34 công ty Internet vào hôm thứ Ba (ngày 13/4) để yêu cầu họ tự kiểm tra và “chấn chỉnh” hành vi chống cạnh tranh công bằng của mình. Số này bao gồm những ‘gã khổng lồ’ trong ngành như Tencent, Baidu, Bytedance, Kuaishou…
Một số nhà phân tích tin rằng động thái này nhằm đảm bảo lòng trung thành của các công ty công nghệ lớn đối với chính quyền và tiếp tục phục vụ chính quyền trong lĩnh vực mua lại kỹ thuật số.
Chuyên gia chính sách công nghệ toàn cầu Paul Triolo thuộc công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasian Group, cho rằng các nhà quản lý Trung Quốc đã sử dụng Alibaba như một ví dụ để gióng lên hồi chuông cảnh báo, nhưng các công ty Internet khác có thể không bị ảnh hưởng miễn là họ tích cực thể hiện sự trung thành của mình đối với chính quyền.
Ông nói: “Giữ thái độ khiêm tốn và thường xuyên cúi đầu trước Bắc Kinh, lãnh đạo của các công ty công nghệ khác sẽ không mắc phải những sai lầm tương tự”.
Theo VOA – Đài tiếng nói Hoa Kỳ
Xem thêm:
Từ khóa kinh tế Trung quốc Alibaba H&M môi trường kinh doanh Jack Ma bông Tân Cương Kinh doanh Trung Quốc