Chris Patten: Lịch sử và ký ức vụ Thảm sát Thiên An Môn không thể bị xóa nhòa
- Bình Minh
- •
Ông Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông, nói rằng mặc dù những cuộc mít tinh tưởng niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 không còn, nhưng lịch sử vẫn tồn tại và ký ức không dễ bị xóa nhòa.
Chủ nhật tuần này đánh dấu kỷ niệm 34 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Sự kiện này đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Trước đây, xã hội Hồng Kông cũng rất coi trọng sự kiện này, hàng chục ngàn người sẽ tham dự cuộc mít tinh tưởng niệm.
Trước đây, hàng năm cứ đến ngày 4/6, nhiều người dân Hồng Kông lại đến Công viên Victoria, tham dự các hoạt động thắp nến tưởng niệm quy mô lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền Hồng Kông đã cấm người dân tổ chức các buổi lễ tưởng niệm. Do xung đột chính trị giữa Trung Quốc và Hồng Kông, quyền tự do ngôn luận và hội họp ở Hồng Kông đã có dấu hiệu thụt lùi, việc tưởng niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Năm nay, chính quyền Hồng Kông không ngăn cản người dân đến dự lễ tưởng niệm một cách riêng tư, nhưng đã tuyên bố rằng bất kỳ ai vi phạm pháp luật sẽ bị trừng phạt.
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm ngày 4/6, ông Chris Patten chỉ ra rằng những người biểu tình trong phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 có chung giá trị cốt lõi như người dân Hồng Kông, đó là đứng lên đấu tranh cho tự do và công lý.
Ông Patten cho biết, cả đời ông cũng không thể nào quên tháng 6 của 25 năm trước. Một là ông rời Hồng Kông vào ngày 30/6/1997. Hai là ông cảm thấy được an ủi trước việc người dân Hồng Kông tổ chức lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho các nạn nhân bị giết ở Quảng trường Thiên An Môn trong tháng 6.
Vị Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông cũng chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố gắng xóa bỏ lịch sử, tuy nhiên ông tin rằng ĐCSTQ sẽ không thể dễ dàng thành công.
Mặc dù những cuộc mít tinh tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6 của Hồng Kông không còn nữa, nhưng người dân Hồng Kông ở những nơi khác vẫn nhớ những gì đã xảy ra vào ngày này.
“Chúng tôi hy vọng rằng ngay cả khi bạn âm thầm tưởng niệm dưới sự giám sát của cảnh sát, bạn cũng sẽ nhớ đến những nam nữ thanh niên đã hy sinh vì tự do”, ông Patten nói.
Ông nói: “Họ sẽ được ghi nhớ vì ĐCSTQ không thể dễ dàng xóa bỏ lịch sử của chúng ta, lịch sử của Trung Quốc và thế giới mà họ nghĩ rằng họ có thể xóa bỏ theo cách riêng của họ. Vì vậy, trong khi bạn vẫn đang nhớ, thì mọi người cũng sẽ nhớ.”
Ngoài ra, ông Vi An Sĩ (Steve Vines), cựu chủ tịch Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Hồng Kông, cũng cho biết, buổi thắp nến tưởng niệm tại Công viên Victoria đã bị cấm, tình hình ở Hồng Kông đã xấu đi đến mức gần như không thể tin được.
Ông nói: “Việc tham gia các hoạt động tưởng niệm ngày 4/6 rất quan trọng, không chỉ đối với chúng ta mà còn đối với sự tiếp tục của phong trào dân chủ.”
Ông cũng kêu gọi những người sống ở Anh tham gia vào buổi tưởng niệm, để thấy rằng hy vọng về một Trung Quốc dân chủ vẫn chưa chết.
ĐCSTQ đã làm xói mòn các giá trị và hệ thống của Hồng Kông, từ “bàn tay vô hình” trong những ngày đầu bàn giao cho đến “nắm đấm thấu thịt” trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, người dân Hồng Kông vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ việc kỷ niệm ngày 4/6 khi không được phép tụ tập quy mô lớn. Vậy người dân có thể đến Công viên Victoria để kỷ niệm ngày 4/6 một cách riêng tư không?
Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) không nói có hay không, nhưng ông nhắc nhở những người tham dự hãy tự gánh lấy hậu quả.
Ông Lý Gia Siêu chưa bao giờ đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc liệu có thể tự phát đến Công viên Victoria để tưởng niệm hay không, nhưng luôn nhấn mạnh rằng hành vi của mọi người phải hợp pháp. Chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật sẽ xử lý mọi hoạt động theo pháp luật, bất kỳ ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Nếu cảnh sát tin rằng ai đó đã vi phạm luật pháp Hồng Kông, họ sẽ kiên quyết thực thi pháp luật. Ông nhắc lại rằng việc tham dự lễ tưởng niệm có vi phạm pháp luật hay không tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nhưng những người tham dự cần phải chuẩn bị để đối mặt với hậu quả.
Ngày 4/6/2022, khi Hồng Kông đã bị ĐCSTQ áp đặt thực thi “Luật An ninh Quốc gia”, hoạt động tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn công khai đã bị cấm.
Nhưng dù bên ngoài Causeway Bay và Công viên Victoria có đông đảo cảnh sát canh giữ, nhiều người Hồng Kông vẫn đến tưởng niệm dưới hình thức cá nhân. Người ta thắp nến và ngồi dưới đất đọc sách, dù ngày hôm đó thời tiết mưa gió người dân vẫn làm như vậy. Cũng có người mang theo bó hoa hồng trắng đặt ở đầu đường…
Có quan điểm cho rằng một trong những lý do khiến ĐCSTQ có thể phát triển thuận lợi là vì người ta dễ quên những bài học bi kịch lịch sử mà nhà cầm quyền này gây ra. Vì vậy lễ tưởng niệm nhắc nhở về biến cố Thiên An Môn là phương thức đấu tranh ôn hòa chống lại chủ nghĩa toàn trị của ĐCSTQ.
Từ khóa Hồng Kông Thảm sát Thiên An Môn Sự kiện Lục Tứ