Chuyện đời nữ du học sinh Canada muốn giải cứu mẹ bị bức hại tại TQ
- Bình Minh
- •
Tháng 8/2021, Lưu Minh Viên chia tay cha mẹ, vượt đại dương tới Canada để theo học chuyên ngành hoạt hình tại Đại học Sheridan, một trong những cái nôi đào tạo hoạt hình hàng đầu thế giới cho những tên tuổi lớn như Disney hay Pixar. Cô nhanh chóng đạt được thành công đầu tiên: giành học bổng Tibor Madjar cho Hoạt hình Hay nhất. Nhưng niềm vui không kéo dài lâu khi Lưu Minh Viên nghe tin mẹ cô đã bị bức hại và giam giữ tại Trung Quốc. Kể từ đó, cô đã dũng cảm đứng lên, đi khắp nơi trên vùng đất tự do và bắt đầu chiến dịch giải cứu mẹ từ cách xa hàng nghìn dặm.
Tuổi thơ sóng gió
Lưu Minh Viên sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cha mẹ cô là những người lạc quan, vui vẻ và tài năng. Mẹ cô, bà Lưu Diễm, là một sĩ quan dân sự xuất sắc trong lực lượng Không quân, sau đó trở thành giáo viên tiếng Anh đại học. Cha cô, ông Lưu Vĩnh, là một nhà điêu khắc, họa sĩ xuất sắc. Vì là con một, Lưu Minh Viên được cha mẹ hết mực chiều chuộng.
Tuy nhiên vào năm 1999, một thảm họa quét qua Trung Quốc đã tước đi cuộc sống bình thường của gia đình Lưu Minh Viên: cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Tháng 7/1999, do đố kỵ với số lượng người tập Pháp Luân Công (hơn 70 triệu người) vượt trên cả số Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, tổng bí thư bấy giờ là Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công trên quy mô toàn quốc, vận dụng toàn bộ bộ máy Công an, Viện kiểm sát và các cơ quan Tư pháp. Vô số người tập Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong.
Vì không từ bỏ việc tu luyện Pháp Luân Công, cha mẹ Lưu Minh Viên đã bị bắt và giam giữ nhiều lần. Bà nội và bà ngoại cô cũng lần lượt bị bắt và giam giữ. Bản thân Lưu Minh Viên cũng từng bị cảnh sát lấy làm “con tin” hòng truy bắt cha mẹ cô. Bởi vậy Lưu Minh Viên buộc phải sống trong cảnh hỗn loạn, sợ hãi và bất an.
Năm 2001, để thoát khỏi cuộc bức hại, cha mẹ đã đưa Lưu Minh Viên 3 tuổi rời quê hương Cát Lâm đến Côn Minh, Vân Nam và bắt đầu gây dựng lại cuộc sống.
Với tài năng xuất chúng, cha mẹ của Lưu Minh Viên đều xin vào làm việc tại Đại học Sư phạm Vân Nam. Hai ông bà đã cống hiến cho nghiên cứu khoa học và đạt học hàm phó giáo sư khi mới ngoài 30 tuổi, được đánh giá là giáo viên chủ chốt trong nhiều năm. Ông Lưu Vĩnh được mời tham gia cuộc đấu giá Vinh Bảo Trai và sau đó được vinh danh là 1 trong 100 họa sĩ hàng đầu Trung Quốc. Bà Lưu Diễm được bổ nhiệm làm chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu và Giảng dạy Ngoại ngữ của Đại học Vân Nam.
Mối duyên với hoạt hình
Thời gian đầu ở Côn Minh là khoảng thời gian hạnh phúc trong tuổi thơ của Lưu Minh Viên. Những lúc rảnh rỗi, cả nhà cô sẽ về biệt thự ở quê, tận hưởng khung cảnh yên bình, thôn dã. Trong những dịp lễ hội, họ sẽ rủ học trò cùng nhau làm bánh bao, trong nhà thường rất náo nhiệt.
Nhưng sự bình yên và hạnh phúc ngắn ngủi này luôn đi kèm với nỗi sợ hãi và lo lắng. Bóng đen của cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn thỉnh thoảng ập đến, khắc sâu trong trái tim của cô bé Lưu Minh Viên, không thể xóa nhòa.
Ở trường mẫu giáo, cô bé không thể hoạt bát, vui vẻ và vô tư như những đứa trẻ khác, mà thường căng thẳng và khép kín, lo sợ bố mẹ sẽ bị công an bắt đi. Nếu cha mẹ về muộn, cô bé sẽ đứng ngồi không yên, nằm nhoài trên bệ cửa sổ, nhìn ra xa và khóc, mong cha mẹ bình an trở về.
Trong những khoảng thời gian đen tối đó, điều mà Lưu Minh Viên thích nhất là xem phim hoạt hình và vẽ tranh. Những câu chuyện và những bức ảnh đẹp đẽ đó đã cuốn cô khỏi cuộc sống thực tại.
“Ngay khi cầm bút vẽ lên, tôi đã ở trong một không gian mà tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Cảm giác hạnh phúc và mãn nguyện này, bất cứ điều gì khác đều không thể sánh được”, Lưu Minh Viên kể.
Cứ thế những bức tranh theo Lưu Minh Viên lớn lên từng ngày. Cô dần thích nghi với khí hậu và nền văn hóa phong phú của thành phố Côn Minh xa lạ. Chớp mắt, gia đình cô đã sống ở đó hơn 10 năm.
Một thời kỳ đen tối
Năm 2012, khi ông Lưu Vĩnh đang điêu khắc một tác phẩm thì bất ngờ bị cảnh sát địa phương bắt giữ và đưa đến Văn phòng Công an quận. Ông bị “nghi ngờ” phân phát tư liệu nói sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bị kết án 4 năm và bị giam tại Nhà tù số 1 Côn Minh.
Suốt một thời gian dài, gia đình của Lưu Minh Viên không thể nhận được bất kỳ tin tức nào từ ông Lưu Vĩnh. Nhà tù đã tước bỏ mọi quyền lợi của ông, gồm cả quyền thăm nom, nói chuyện với gia đình và chuyển thư. Ông còn bị tra tấn và cưỡng bức lao động.
Lúc này, cô bé Lưu Minh Viên đã bước vào cấp ba. Không có sự đồng hành của cha, thường xuyên chuyển nhà, cuộc sống bấp bênh, nỗi sợ hãi và bất an kéo dài, tất cả những điều này đã khiến Lưu Minh Viên ở tuổi vị thành niên trở nên lạc lõng. Cô nghi ngờ tín ngưỡng của cha mẹ, chán học, bỏ học và giam mình trong thế giới ảo trực tuyến.
“Lúc đó, khi đọc sách giáo khoa, hình ảnh cha bị hành hạ trong tù không khỏi hiện lên trong đầu tôi. Chỉ khi cầm bút vẽ lên, lòng tôi mới bình yên trở lại. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi tiếp tục đương đầu với cuộc sống thê lương này”, Lưu Minh Viên nhớ lại.
Khi ông Lưu Vĩnh bị bắt giam, bà Lưu Diễm cũng bị sa thải khỏi trường đại học nơi bà làm việc. Đột ngột bị mất việc và phải chăm sóc gia đình, áp lực trên vai bà nhân đôi. Bà động viên con gái chăm chỉ học tập, thi vào Học viện Mỹ thuật, thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ.
Khi đó, dù kinh tế gia đình rất eo hẹp, bà Lưu Diễm vẫn cho con gái đến Hàng Châu luyện thi ở một phòng tranh nổi tiếng, cạnh Học viện Mỹ thuật Trung ương, để chuẩn bị cho kỳ thi mỹ thuật sắp tới.
Cô bé thủ khoa không được gặp cha mẹ
Việc đào tạo tại phòng tranh vô cùng vất vả, Lưu Minh Viên phải vẽ từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày. Đây cũng là lần đầu tiên cô sống tự lập.
Khi mọi thứ phải dựa vào bản thân mình, Lưu Minh Viên mới nhận ra, “Hóa ra mẹ vẫn luôn chăm sóc và bảo vệ tôi”. Cuối cùng cô cũng hiểu được những nỗ lực và nỗi khổ tâm của mẹ, và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về cuộc sống cũng như về tín ngưỡng mà cha mẹ vẫn luôn kiên trì.
Lưu Minh Viên sử dụng phần mềm vượt tường lửa kiểm duyệt Internet và tìm thấy nhiều sự thật đã bị chế độ cộng sản Trung Quốc phong tỏa. Qua việc đọc 9 bài bình luận về Đảng Cộng sản (“Cửu Bình” – Một trong những cuốn sách cấm được tìm đọc nhiều nhất tại Trung Quốc), Lưu Minh Viên đã nhận ra bản chất tà ác của chế độ và hiểu cha mẹ hơn.
“Cha mẹ tôi không sai, là chính quyền toàn trị này quá ác độc”, Lưu Minh Viên nói. Cô cảm thấy tội lỗi vì đã cố tình xa lánh mẹ mình trong một khoảng thời gian.
Đêm giao thừa năm 2015, Lưu Minh Viên đã gọi điện cho mẹ để chúc mừng năm mới và xin lỗi bà. “Mẹ, con sẽ không bao giờ như vậy nữa, mẹ cứ yên tâm, con sẽ học hành chăm chỉ.” Lưu Minh Viên đã khóc, ở đầu dây bên kia mẹ cô cũng khóc, hai mẹ con đều khóc…
Ngay sau Tết Nguyên Đán, một ngày nọ, Lưu Minh Viên đột nhiên không liên lạc được với mẹ. 2 tuần sau, dì của cô nói với Lưu Minh Viên rằng mẹ cô đã bị cảnh sát bắt giữ vì bà nói cho người khác biết sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Bà Lư Diễm bị giam trong trại giam địa phương và không lâu sau bị kết án oan 3 năm. Cha mẹ đều bị bắt giam cũng là lúc Lưu Minh Viên đang dốc toàn lực chuẩn bị cho kỳ thi của Học viện Mỹ thuật.
Mất đi sự chăm sóc của cha mẹ, Lưu Minh Viên vẫn tiếp tục việc học với sự hỗ trợ của người thân. Cô tập trung toàn bộ sức lực vào việc vẽ tranh, như thể đó là cách duy nhất để cô cảm thấy mừng xứng đáng với cha mẹ.
Sau kỳ thi tuyển sinh đại học, kết quả được công bố, Lưu Minh Viên nổi bật giữa sự cạnh tranh khốc liệt của hàng chục nghìn thí sinh, đỗ thủ khoa khoa thiết kế của Học viện Nghệ thuật Trung Quốc.
Trở lại Côn Minh, Lưu Minh Viên lập tức liên hệ với luật sư để đến thăm nhà tù. Cô muốn báo tin vui cho mẹ, người quan tâm đến cô nhất.
Khi họ đến nhà tù, cảnh sát đã đuổi Lưu Minh Viên ra khỏi cửa và chỉ cho phép luật sư gặp bà. Bên ngoài phòng tiếp tân lầu 1 có một cây thông lớn, Lưu Minh Viên lặng lẽ núp sau bụi cây bên cạnh cây thông, dán mắt vào cửa phòng tiếp tân. Một lúc sau thấy mẹ đi ra, cô gắng sức vẫy tay ra hiệu, thấy mẹ cười rồi lại khóc… Cảnh sát tức giận khi phát hiện hai mẹ con đang gặp nhau “từ xa” và đã nhanh chóng cản trở.
- Xem thêm về Cửu Bình và phong trào thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc tại đây
Quyết định du học
Năm 2017, ông Lưu Vĩnh được ra tù sau khi mãn hạn 4 năm. 1 năm sau, bà Lưu Diễm cũng kết thúc cuộc sống trong tù. Tuy nhiên, vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công nên tư cách giáo sư đại học của họ đã bị tước bỏ, sự nghiệp nghiên cứu trong nhiều năm của họ cũng hoàn toàn chấm dứt. Cha mẹ Lưu Minh Viên phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng.
Vợ chồng bà Lưu Diễm đã cố gắng thực hiện các dự án điêu khắc, phong cảnh và trang trí nghệ thuật. Với sự nâng đỡ của đức tin, sự lạc quan, cùng tay nghề cao, họ ngày càng được các doanh nhân tín nhiệm, công việc làm ăn phát đạt, điều kiện kinh tế cũng ngày càng khấm khá.
Để con gái có thể sống một cuộc sống tự do, gia đình đã quyết định gửi Lưu Minh Viên đi du học.
Năm 2021, Lưu Minh Viên trúng tuyển thành công vào trường Đại học Sheridan ở Canada, một trong những cái nôi đào tạo hoạt hình hàng đầu thế giới cho những tên tuổi lớn như Disney hay Pixar. Tháng 8/2021, Lưu Minh Viên chia tay cha mẹ, vượt đại dương tới Canada. Cô nhanh chóng đạt được thành công đầu tiên: giành học bổng Tibor Madjar cho Hoạt hình Hay nhất.
Nhưng niềm vui không kéo dài lâu, sáng ngày 30/9/2021, khi đang trong lớp học, Lưu Minh Viên bất ngờ nhận được cuộc gọi từ cha mình: Mẹ cô, bà Lưu Diễm, lại bị bắt một lần nữa.
Nghe tin, Lưu Minh Viên vô cùng bàng hoàng: “Không ngờ cha mẹ mới làm lại cuộc đời vẫn không thể thoát khỏi số phận tiếp tục bị bức hại.”
“Đến lượt tôi làm điều gì đó cho cha mẹ mình”
Lưu Minh Viên nói: “Trước đây, cha mẹ tôi chăm sóc tôi, bây giờ đến lượt tôi phải làm gì đó.” Để giải cứu mẹ, Lưu Minh Viên đã kiên trì gọi điện cho cảnh sát và công tố viên giam giữ bà Lưu Diễm, hy vọng công lý sẽ được thực thi. Tuy nhiên, đáp lại cô là những lời chửi bới và lăng mạ.
Ngày 1/4/2022, bà Lưu Diễm bị Tòa án quận Ngũ Hoa của thành phố Côn Minh kết án 3 năm tù phi pháp.
Tại Canada, Lưu Minh Viên đã gặp gỡ các nhà lập pháp, tổ chức họp báo và làm phim, tiết lộ sự thật của cuộc bức hại đối với cha mẹ cô cho công chúng. “Tự do giống như nước, mọi người đều có quyền hưởng thụ”, Lưu Minh Viên nói.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã kéo dài suốt 23 năm, nhiều người tập Pháp Luân Công khác đã bị bức hại tàn bạo. Lưu Minh Viên mong mẹ cô và tất cả người tập Pháp Luân Công bị bức hại đều được trả tự do.
Cô kêu gọi: “Cuộc bức hại này phải chấm dứt!”
Theo Epoch Times tiếng Trung
Bình Minh biên tập
Xem thêm:
- TQ: Giáo viên mẫu giáo tự tử sau khi bị bức hại tại trung tâm tẩy não
- Nhìn từ sự việc giáo viên TQ bị “điều trị tâm thần” vì có tư tưởng khác biệt
- Hồi ức 6 tuổi: MC sống tại New York kể chuyện gia đình vượt qua bức hại
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công Dòng sự kiện cuộc sống sau bức hại