Chuyên gia: Chiến tranh Nga-Ukraine giết chết giấc mơ đường sắt Á-Âu của ĐCSTQ
- Trương Đình
- •
Ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Giá dầu đã leo thang trong những ngày gần đây với mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với mỗi quốc gia. Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến của ông Putin đã giết chết giấc mơ đường sắt Á-Âu của Trung Quốc.
Ngày 1/3, bà Andreea Brinza, Phó giám đốc Viện Châu Á – Thái Bình Dương của Romania, đã đăng một bài viết trên tạp chí “Foreign Policy” (Chính sách Ngoại giao) có tên “Cuộc chiến của Putin đã giết chết giấc mơ đường sắt Á-Âu của Trung Quốc.”
Bà Brinza chuyên phân tích địa chính trị của Trung Quốc và Đông Á, cũng như dự án Vành đai và Con đường của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bà Brinza tập trung vào tác động của cuộc xâm lược của Nga đối với “Cây cầu Lục địa Á-Âu Mới” của Trung Quốc. Đây là một tuyến đường sắt quốc tế từ thành phố Liên Vân Cảng, Trung Quốc ở phía đông đến thành phố Rotterdam của Hà Lan ở phía Tây, với tổng chiều dài hơn 10.000 km.
Cây cầu chạy qua Kazakhstan, Nga và Belarus và trở thành một nhánh quan trọng của dự án Vành đai và Con đường của ĐCSTQ, còn được gọi là “Con đường tơ lụa sắt.”
Tàu hỏa của Trung Quốc băng qua lục địa Á-Âu và bán hàng hóa Trung Quốc sang châu Âu. Hoạt động kinh doanh này đã được Bắc Kinh thúc đẩy mạnh mẽ và trở thành một phần quan trọng của dự án Một vành đai, Một con đường. Nhưng gần một nửa trong số các tuyến đường đó phải đi qua Nga, nơi có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của châu Âu sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Theo lệnh trừng phạt, hàng hóa Trung Quốc có thể khó vận chuyển đến châu Âu bằng đường sắt
Trong năm 2017, khoảng 40 tuyến đường hàng hóa kết nối Trung Quốc và châu Âu. Ngày nay, con số đó đã tăng gần gấp đôi lên 78 tuyến đến 180 thành phố ở 23 quốc gia châu Âu.
Không chỉ số lượng tuyến đường và thành phố tăng lên mà số lượng phương tiện giao thông cũng tăng theo. Năm 2016, chỉ có 1.900 chiếc và đến năm 2021, con số này đã tăng lên tới gần 14.000 chiếc.
Do con số này đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch, nên giá trị hàng hóa được vận chuyển bằng những chuyến tàu chở hàng này cũng tăng từ 8 tỷ USD năm 2016 lên 74,9 tỷ USD vào năm 2021.
Tàu tốc hành Trung Quốc-châu Âu cũng phát triển một trung tâm mới. Thành phố Petersburg ở Nga đã trở thành trung tâm thương mại quan trọng, làm trung gian cho các luồng thương mại Trung-Đức. Vì thời gian được tiết kiệm bằng cách giảm các cửa khẩu qua biên giới hoặc thay đổi khổ đường ray.
Nhưng đó là trước khi Nga xâm lược Ukraine và phương Tây quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga. Bà Brinza cho biết các công ty như DHL, Volvo Cars hay Ligne Roset có thể không còn được phép hoặc sẽ chọn không vận chuyển hàng hóa qua Nga, quốc gia đang bị trừng phạt.
Dù Trung Quốc không muốn công khai lên án cuộc xâm lược của Nga, nhưng họ cũng phải thừa nhận rằng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu có thể giảm đáng kể và kết quả là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng.
Tất cả những thay đổi này đều xảy ra vào năm 2022, năm sẽ tổ chức Đại hội ĐCSTQ rất quan trọng đối với ông Tập Cận Bình. Ông Tập cần đảm bảo phải tái cử nhiệm kỳ thứ 3 thành công tại cuộc họp này.
Bà Brinza cho biết xuất khẩu của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi các vấn đề vận chuyển đường biển, và vận tải đường sắt là một giải pháp thay thế hữu ích và khả thi. Nhưng các biện pháp trừng phạt và đáp trả do cuộc chiến Nga-Ukraine gây ra có thể làm thay đổi xuất khẩu của Trung Quốc, và cản trở tăng trưởng kinh tế của nước này.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của châu Âu sang Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu. Ảnh hưởng này có thể khá lớn khi Trung Quốc xuất khẩu gần 75 tỷ USD sang châu Âu bằng tàu chở hàng, trong khi vận tải biển phải chịu chi phí cao, chậm trễ và không đủ nguồn lực vận tải.
2 yếu tố khác ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa Trung Quốc của nước ngoài
Trở ngại giao thông đường sắt không phải là toàn bộ ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine đối với nền kinh tế Trung Quốc. Bà Brinza nói cần xem xét 2 yếu tố.
Yếu tố đầu tiên là việc Nga xâm lược châu Âu đã làm dấy lên những lo ngại đáng kể và có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt và đáp trả có thể làm tăng đáng kể giá năng lượng, do đó làm giảm sức mua của người tiêu dùng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giá dầu tiêu chuẩn toàn cầu tăng trên 110 USD / thùng vào thứ Tư, chạm mức cao nhất trong nhiều năm. Trong bối cảnh lo ngại rằng sự cô lập kinh tế ngày càng tăng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu. Ngoài ra, giá gas tự nhiên cũng tăng mức kỷ lục.
Yếu tố thứ hai cũng có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng ở các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, một thị trường xuất khẩu quan trọng khác của Trung Quốc và chính bản thân nước này với vai trò người tiêu dùng là giá năng lượng tăng cao.
Những vấn đề như nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm do giá năng lượng tăng, lo lắng về địa chính trị, lệnh cấm hàng hóa đi qua Nga qua Cây cầu Lục địa Âu-Á Mới, cuộc khủng hoảng container, các vấn đề chuỗi cung ứng và vận chuyển đường biển có thể là cú đánh cuối cùng ảnh hưởng đến việc đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm trong năm 2022 mang ý nghĩa chính trị nhất đối với Trung Quốc.
Hiệu ứng cánh bướm này (một sự thay đổi nhỏ trong các điều kiện ban đầu sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền dài hạn và rất lớn, gây hỗn loạn trong toàn bộ hệ thống), cộng với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine có thể sẽ sớm gây ra tác động thảm hại đối với nền kinh tế và tuyến đường sắt Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Cuộc xâm lược của Nga có thể gây mất ổn định cho Cây cầu Lục địa Á-Âu Mới của Trung Quốc. Đây được coi là một trong những dự án thành công nhất của dự án Vành đai và Con đường. Cây cầu này hiện đang đi qua gần khu vực chiến sự.
Không chỉ vậy, Trung Quốc còn có nhiều khoản đầu tư và lợi ích kinh tế ở Ukraine. Theo Cục Thống kê Quốc gia Ukraine, Trung Quốc đã vượt qua Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine vào năm 2019, với tổng kim ngạch thương mại là 18,98 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần 80% so với năm 2013.
Ukraine cũng là một trung tâm quan trọng cho dự án Vành đai và Con đường của ĐCSTQ. Theo dữ liệu của Trung Quốc, tính đến cuối năm 2019, các khoản đầu tư trực tiếp của công ty Trung Quốc vào Ukraine đạt 150 triệu USD.
Năm 2017, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương Trung Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng một tuyến tàu điện ngầm ở thủ đô Kiev. Trong đó Huawei, công ty giúp Ukraine phát triển mạng di động, đã thắng thầu lắp đặt mạng 4G cho tàu điện ngầm Kiev vào năm 2019.
Các nhà phân tích cho rằng nếu chiến tranh vẫn tiếp diễn, việc xây dựng tàu điện ngầm ở Kiev và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực viễn thông của Huawei cũng sẽ dừng lại.
Từ khóa Đường sắt Á Âu sáng kiến 'Vành đai và Con đường' Một vành đai một con đường