Chuyên gia: Trung Quốc đã lợi dụng WTO trong 20 năm
- Ngân Hà
- •
Trung Quốc đã không thực hiện các cam kết về giao dịch công bằng trong hai thập kỷ qua và cũng không sẵn sàng làm như vậy, các chuyên gia cho biết.
“Trung Quốc chưa bao giờ sẵn sàng tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới. Họ đã lợi dụng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO),” Clyde Prestowitz, chủ tịch và nhà sáng lập Viện Kinh tế Chiến lược, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times. Prestowitz cũng là tác giả cuốn “Thế giới đảo lộn: Mỹ, Trung Quốc và cuộc đấu tranh giành vai trò lãnh đạo toàn cầu.”
“Nếu bạn chỉ nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm trong giao thương với Úc, thì thật đáng buồn là họ thực sự đang ngăn chặn hàng nhập khẩu của Úc,” ông nói. “Tất nhiên, Trung Quốc có đưa ra một vài lý do bào chữa.”
Suốt 18 tháng qua, Bắc Kinh đã hạn chế nhập khẩu thịt bò, than và nho của Úc như một phần của biện pháp trừng phạt kinh tế, bên cạnh việc đánh thuế rượu vang và lúa mạch Úc. Tình trạng xuống dốc trong quan hệ ngoại giao cấp cao diễn ra ngay sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Ngày 26/10, WTO đã đồng ý thành lập một nhóm xem xét các mức thuế “quá quắt” của Trung Quốc với rượu vang nhập khẩu từ Úc. Đây là lần thứ ba Úc tìm cách kiện lên WTO về một sản phẩm nông nghiệp trong vòng chưa đầy một năm, theo Hiệp hội Phát thanh Úc.
“Úc là một trong nhiều thành viên WTO đã trực tiếp trải nghiệm điều này,” Đại sứ Úc George Mina nói khi ông trình bày đánh giá thứ tám về chính sách thương mại của Trung Quốc tại WTO ở Geneva ngày 20/10 và 22/10, nói rằng Trung Quốc “ngày càng tăng cường thử thách các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại toàn cầu.”
Nguyên tắc của WTO không cho phép các nước thành viên bất kể lớn tới mức nào áp đặt các điều kiện như vậy với nước khác, ông Mina lưu ý.
Gần 50 đoàn đại biểu tham dự đã chỉ trích việc thực hiện nghĩa vụ của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua tại một cuộc họp kín, theo tờ Politico.
Đại diện Mỹ David Bisbee nói rằng các chính sách kinh doanh của Trung Quốc “đã bóp méo sàn kinh doanh” đối với hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu, bên cạnh những cáo buộc khác bao gồm đối xử ưu đãi với các doanh nghiệp nhà nước, hạn chế dữ liệu, thực thi không tương ứng quyền sở hữu trí tuệ, ăn cắp trên mạng và lao động cưỡng bức.
“Ngày nay, những thách thức này vẫn đặt ra trước chúng ta,” ông nói.
Một nghiên cứu trước đó cũng cho thấy những thực tiễn thương mại không công bằng của Trung Quốc kể từ khi gia nhập WTO năm 2001 đã làm tổn hại sự đổi mới công nghiệp tại các nước phát triển, làm cho nhiều công ty, đặc biệt ở Bắc Mỹ và châu Âu, đánh mất lợi thế cạnh tranh của họ trong các ngành công nghiệp tiên tiến.
Chủ nghĩa tư bản nhà nước
Các báo cáo phát hiện các doanh nghiệp nước ngoài không cảm thấy được chào đón tại Trung Quốc. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc có thể hoạt động tại Mỹ và châu Âu với ít hạn chế hơn nhiều.
Các phòng thương mại nước ngoài tại Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt sự bảo hộ bất công và thiên vị về tài chính với các công ty nhà nước của họ. Đây cũng là trung tâm của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
“Trung Quốc có thể là một nền kinh tế định hướng thị trường, nhưng theo quan điểm của tôi, nó chưa phải là một nền kinh tế thị trường đầy đủ,” nhà phân tích kinh tế Trung Quốc Antonio Graceffo nói với The Epoch Times. “Chính phủ có quá nhiều quyền kiểm soát nền kinh tế và các doanh nghiệp.”
Bằng một vài biện pháp, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tới 40% nền kinh tế Trung Quốc, ngoại trừ các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát, theo Graceffo.
“Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát hoặc doanh nghiệp được hưởng đặc ân nhà nước được tiếp cận nguồn vốn. Họ nhận nguyên liệu thô từ Sáng kiến Vành đai và Con đường,” ông nói.
Các biện pháp phân biệt đối xử cũng bao gồm bảo hộ chính phủ về tranh chấp pháp lý, vay ngân hàng, vay ưu đãi, và trợ cấp.
“Mỹ không có cách nào để có thể khiến điều này trở nên công bằng. Nền kinh tế Trung Quốc, theo quan điểm của tôi, tương hợp nhất với định nghĩa về chủ nghĩa phát xít, tức là chủ nghĩa tư bản nhà nước,” ông nói.
Tiêu chuẩn kép
Phương Tây đã mặc nhiên công nhận tiêu chuẩn kép của Trung Quốc, ông Graceffo nói. “Hầu hết các nước phương Tây có hai bộ quy tắc, một bộ dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, và một bộ dành cho doanh nghiệp Trung Quốc.”
Ông nói: “Các công ty Trung Quốc được phép đầu tư trong hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ, nhưng có một danh sách dài các lĩnh vực mà công ty Mỹ không được phép đầu tư ở Trung Quốc.”
“Có một danh mục khác mà doanh nghiệp Mỹ có thể đầu tư nhưng chỉ với một đối tác liên doanh 51%, và việc đồng ý chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc có thể là một điều kiện để hoạt động trong lĩnh vực đó.”
Luật bảo mật dữ liệu mới có hiệu lực ở Trung Quốc vào ngày 1/9, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp tại nước này phân loại dữ liệu họ xử lý thành nhiều loại khác nhau và quản lý cách lưu trữ các dữ liệu này và chuyển giao cho các bên khác. Dù vậy Bắc Kinh đang bị cáo buộc đánh cắp các dữ liệu nhạy cảm nước ngoài thông qua nhiều cách thức bất hợp pháp, bao gồm đánh cắp và tấn công mạng.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ khiếu nại rằng theo luật Trung Quốc, họ không phải bị bên thứ ba kiểm toán, Graceffo nói. “Nếu một công ty Mỹ đưa ra một tuyên bố kỳ quặc như vậy ở Trung Quốc, họ sẽ lập tức bị đóng cửa và những người chủ có thể bị bỏ tù.”
“Trung Quốc thiết lập các viện Khổng Tử khắp thế giới. Thế giới có được phép thành lập các viện Abraham Lincoln hoặc Trung tâm Socrates ở Trung Quốc không? Tất nhiên là không, luật về sở hữu nước ngoài đối với trường học ở Trung Quốc ngày càng thắt chặt.”
Trong một quy định cuối tháng 7 bề ngoài là để giảm nhẹ cho học sinh, nhà cầm quyền Trung Quốc quy định các cơ sở dạy thêm ngoài trường học nhằm dạy ngoại ngữ, hay sử dụng giáo viên dạy thêm từ nước ngoài là bất hợp pháp.
Những người làm công tác quản lý giáo dục ở Trung Quốc đã chấm dứt 286 quan hệ đối tác giữa các trường đại học Trung Quốc và nước ngoài, như Đại học New York, Đại học Công nghệ Georgia, và Đại học Thành phố London.
Không sẵn sàng thay đổi
Tháng 12 năm nay đánh dấu 20 năm ngày Trung Quốc gia nhập WTO, và các nhà phân tích thấy rằng Trung Quốc không có xu hướng nào thể hiện sẽ thay đổi.
Tại buổi thảo luận của WTO ở Geneva, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao đã phủ nhận những việc làm sai trái của Bắc Kinh, yêu cầu WTO tiếp tục xác nhận quốc gia mình như một nước đang phát triển.
Kể từ khi Trung Quốc trở thành thành viên 143 của WTO ngày 11/12/2001, họ vẫn duy trì quy chế tự tuyên bố là “nước đang phát triển.”
Dù WTO không định nghĩa “phát triển” hay “đang phát triển”, mà để các cá nhân thành viên tự quyết định, sự phân biệt cho phép một nước tự cho là “đang phát triển” thực hiện ít nghĩa vụ hơn bằng cách miễn trừ nhiều điều khoản. Nó cũng chấp thuận khung thời gian dài hơn để tuân thủ quy tắc toàn cầu về thương mại điện tử, trợ cấp, hay các cơ cấu kinh tế do nhà nước điều hành.
Hơn 3/4 thành viên WTO hiện nay tự coi họ là các nước đang phát triển và các nước đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, bao gồm cả Trung Quốc.
“Vì cho rằng nếu họ phải tuân thủ tất cả các luật lệ, họ sẽ không có khả năng kiếm tiền hay phát triển nhanh chóng, do vậy Mỹ và cộng đồng thế giới đã dành cho Trung Quốc một mốc thời gian rất tự do để đạt tới tuân thủ luật lệ 100%,” Graceffo nói.
Còn Trung Quốc, nền kinh tế hiện lớn thứ hai thế giới và quốc gia thương mại hàng đầu, từ chối từ bỏ định vị như vậy.
“Từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, họ dường như không bao giờ có ý định tuân thủ các quy định của WTO,” nhà kinh tế và tác giả Milton Ezrati nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times.
“Không phải là điều kỳ diệu được Trung Quốc tạo ra,” Graceffo nói, mà là các chính trị gia Mỹ khi ấy đã giúp Trung Quốc giao dịch với thế giới.
Ông tin rằng Mỹ nên thúc đẩy giai đoạn hai cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, với những yêu cầu về chuyển đổi cách giao thương và hoạt động.
“Có những vấn đề nền tảng, mang tính hệ thống trong hệ thống kinh tế và chính trị Trung Quốc. Trung Quốc coi bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi những chính sách này là xâm phạm chủ quyền [của họ],” Graceffo nói.
“Và Trung Quốc không bao giờ sẵn sàng làm việc đó,” ông nói.
Trong khi đó, nhiều thực tiễn đang được nhắm tới trong giai đoạn đầu của thỏa thuận hai giai đoạn được ký tháng 1/2020, Ezrati cho biết. Ông tin rằng Mỹ không còn mấy lựa chọn ngoài việc áp đặt các mức thuế trừng phạt đối với hàng hoá xuất khẩu Trung Quốc, và “nêu rõ rằng chúng sẽ được duy trì nếu và cho tới khi Bắc Kinh thay đổi các thực tiễn của họ.”
“[Tuy nhiên] tôi nghi ngờ rằng ông Biden khó có thể, làm vậy, vì ông ta nói ông ta muốn đoàn kết các đồng minh trong hoặc ngoài WTO,” Ezrati nói.
“Ở một khía cạnh, châu Âu dường như quyết định chơi cả hai sân một lúc. Ở khía cạnh khác, WTO đã cho thấy họ không đủ khả năng trừng phạt Trung Quốc vì đã phá vỡ các quy tắc của họ.”
Ngân Hà dịch (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện Trung Quốc vi phạm các quy định của WTO