Chuyên gia về vũ khí Clive Woodley, được Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh tài trợ, đã có mặt tại Trung Quốc để thảo luận về “công việc của riêng ông, nhằm phát triển các năng khả tên lửa đạn đạo tiên tiến ở Anh”.

p3157211a816874798
Duyệt binh vũ khí tại Bắc Kinh Trung Quốc năm 2015. (Ảnh: Kremlin.ru/CC BY 4.0)

The Times” đưa tin, ông Woodley, 67 tuổi, là nhà khoa học chính của Tập đoàn Qinetiq, công ty an ninh do Bộ Quốc phòng kiểm soát từ năm 2001-2018 và hiện là nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Viện Vật lý xung kích thuộc Đại học Hoàng gia London.

Theo tạp chí trực tuyến Unherd, tháng Mười năm ngoái, ông đã phát biểu tại một hội nghị ở miền đông Trung Quốc về “một chương mới trong việc phát triển pháo, đạn pháo và tên lửa”. Các nhân vật hàng đầu trong ngành vũ khí của Trung Quốc cũng tham dự.

Năm 2017, ông được Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Khoa học và Công nghệ Chất nổ mời đến Đại học Công nghệ Bắc Kinh thuyết trình về “Tên lửa đạn đạo nội bộ của Tập đoàn Qinetiq”. Phòng thí nghiệm cho biết, ông Woodley đã trả lời các câu hỏi một cách “tận tâm và chi tiết” và có “các cuộc thảo luận hào hứng với giảng viên và sinh viên.”

Ông đã tiến hành “nghiên cứu sâu” về khoa học chất nổ cùng với các học giả hàng đầu của Trung Quốc liên quan đến ngành công nghiệp bom mìn. Ngoài ra, ông Woodley còn chủ trì các hội nghị dành riêng cho việc khám phá các chủ đề tương tự. Hơn nữa, nhà khoa học quốc phòng nổi tiếng Phùng Trường Căn còn đồng chủ trì Hội nghị Công nghệ Quốc phòng Quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2018 với ông Woodley. Các chủ đề được thảo luận gồm phát xạ điện từ và cơ học xung kích. Một số nghiên cứu của ông được tài trợ bởi Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng, thuộc Bộ Quốc phòng.

Một nguồn tin chính phủ làm việc về chính sách đại học nói với The Times: “Thật điên rồ khi chúng ta không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn hành vi lố bịch là cung cấp công nghệ tốt nhất của chúng ta cho một quốc gia thù địch.”

Ông Charles Parton, một cựu quan chức ngoại giao đã làm việc ở Trung Quốc 22 năm, cho biết hành vi này “là một hình thức hợp tác với ĐCSTQ thực sự rất nguy hiểm. Điều này còn mang tính đe dọa hơn cả gián điệp trực tiếp.”

Ông nói thêm: “Hiện tại, không có chế tài pháp lý nào ngăn chặn hoặc trừng phạt bất kỳ ai tiếp tay cho một quốc gia thù địch tăng cường sự thù địch theo cách này.”

Tập đoàn Qinetiq cho biết, họ đã có “các quy trình mạnh mẽ để xem xét kỹ lưỡng nhân viên của chúng tôi và các hoạt động của họ bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.”

Chính phủ Anh cho biết: “Chúng tôi có các thủ tục chặt chẽ, để đảm bảo rằng các hợp đồng nghiên cứu sẽ không đóng góp vào các chương trình quân sự ở nước ngoài. Hơn nữa các cá nhân hoặc tổ chức có liên kết với nước ngoài không có quyền truy cập vào những nghiên cứu nhạy cảm của chúng tôi.”

Ông Woodley không phải là một nhân viên làm công ăn lương tại Đại học Hoàng gia và không tiến hành nghiên cứu ở đó. Tối ngày 26/5, ông cho biết: “Bộ Quốc phòng đều biết về các hoạt động của tôi.”

Trường đại học này cho biết: “Đại học Hoàng gia không tiến hành nghiên cứu cơ mật. Chúng tôi có chính sách xem xét mối quan hệ và quy trình thẩm định rất chặt chẽ. Cam kết của chúng tôi đối với An ninh quốc gia của Vương quốc Anh được đặt lên vị trí quan trọng hàng đầu.”