Vương Kỳ Sơn “xuất trận dập lửa” giải quyết tranh chấp thương mại Trung-Mỹ
- Huệ Anh
- •
Tổng thống Mỹ Trump sắp gửi một “siêu đội” tới Trung Quốc gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và phó tướng Vương Kỳ Sơn để cùng thương lượng về các vấn đề phức tạp trong tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 24/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump cho biết trong vài ngày tới Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin sẽ tới Trung Quốc để đàm phán thương mại.
“Siêu đội” của Mỹ
Vào ngày 25/4, WSJ Mỹ (Wall Street Journal) dẫn nguồn tin cho biết, ông Trump sắp cử một “siêu đội” đến Bắc Kinh, thời gian có thể là ngày 3/5 đến ngày 4/5. Phái đoàn gồm có Bộ trưởng Tài chính Mỹ Muchchin, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, và Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Navalo.
Giới quan sát có nhiều quan điểm cho rằng Lighthizer và Navarro có thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh. Navarro từng nói rằng Bắc Kinh đánh cắp công nghệ nhưng lại không thừa nhận “cả thế giới đều biết họ là kẻ lừa dối”.
Vương Kỳ Sơn “xuất trận dập lửa”
Ngày 25/4, SCMP Hồng Kông (South China Morning Post) dẫn nguồn tin cho biết, các đại biểu của Mỹ sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn.
Vào ngày 17/3 năm nay, ông Vương Kỳ Sơn nhậm chức phó chủ tịch nước. Cho đến nay ông Vương Kỳ Sơn mới nhậm chức được hơn một tháng nhưng đã gặp nhiều nhân vật chính trị quan trọng của các nước, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Nepal, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Việt Nam, quan chức Văn phòng Nội các Anh, Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines.
Ngày 26/4, Nhật báo Kinh tế tại Hồng Kông đưa tin, ông Vương Kỳ Sơn tham gia nhiều các hoạt động ngoại giao cho thấy ông đang phụ trách công việc đối ngoại của Bắc Kinh, đang trợ giúp ông Tập Cận Bình xử lý hai nguy cơ lớn: xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc và Biển Đông Việt Nam.
Tuy nhiên “kế hoạch dập lửa” của ông Vương Kỳ Sơn có thành công hay không phải chờ theo dõi.
Ba nhượng bộ liên tục của Trung Quốc
Có nhà bình luận vấn đề Trung Quốc chỉ ra đây có vẻ là một tin tốt lành, nhưng liệu cuộc chiến thương mại có chấm dứt không phải xem vào gần đây hai bên đã làm gì, không phải họ nói gì. Chìa khóa vấn đề phụ thuộc vào thực tế Trung Quốc đã nhượng bộ bao nhiêu, Mỹ là bên khởi động cuộc chiến thương mại, chỉ có Bắc Kinh có nhượng bộ thì đàm phán thương lượng mới có thể xúc tiến.
Như vậy trên thực tế, Chính phủ Trung Quốc có nhượng bộ nào không? Dĩ nhiên là có! Thậm chí ông Tập Cận Bình đã liên tục nhượng bộ ba vấn đề quan trọng: xe hơi, dược phẩm, và trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Sản xuất xe hơi
Hôm 26/4, Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã chủ ý giảm một nửa thuế nhập khẩu đối với dòng xe chở khách để đổi lấy việc Mỹ rút lui trước trong cuộc chiến thương mại. Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Chính phủ Trung Quốc đang xem xét kế hoạch giảm thuế quan nhập khẩu xe ô tô xuống 10% hoặc 15%. Biểu thuế hải quan hiện hành đối với ô tô nhập khẩu ở Trung Quốc là 25%. Quyết định liên quan có thể được công bố ngay trong tháng tới.
Một số phân tích chỉ ra, việc Trung Quốc giảm thuế quan nhập khẩu ô tô sẽ tác động đến ngành công nghiệp ô tô trong nước, và người tiêu dùng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ động thái này.
Tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã đề xuất một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 5 năm trong vấn đề mở cửa ngành công nghiệp chế tạo. Đối với ngành công nghiệp ô tô, đến năm 2023, các hạn chế khác nhau sẽ được dỡ bỏ. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào sản xuất các loại ô tô khác nhau, đồng thời các hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ được loại bỏ hoàn toàn. Việc nhượng bộ đáng kể đối với Mỹ là: đồng ý hủy bỏ các hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với các loại xe chuyên dụng (special purpose motor vehicle) và các loại xe năng lượng mới trong năm nay.
Như vậy là Trung Quốc tạo khả năng để các nhà sản xuất xe điện của Mỹ, tiêu biểu như Tesla và Ford, mở nhà máy sản xuất xe năng lượng mới tại Trung Quốc. Miễn là họ không bị ép phải chuyển giao công nghệ và tổ chức liên doanh, họ có thể vào thị trường Trung Quốc để thu hồi lại được chi phí lớn đã đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, dù sao Trung Quốc vẫn là thị trường rất hấp dẫn.
Vì với những doanh nghiệp nước ngoài này, việc bắt buộc liên doanh không khác gì việc buộc chia sẻ lợi nhuận với một đối tác không có giá trị thị trường và đóng góp thực tế. Buộc chuyển giao công nghệ có nghĩa là đưa công nghệ mà bản thân doanh nghiệp phải mất rất nhiều công sức tiền của cho nghiên cứu và phát triển để nuôi dưỡng một đối thủ cạnh tranh trong tương lai.
Thuốc chống ung thư
Giới quan sát còn chỉ ra, nhượng bộ thứ hai của ông Tập Cận Bình là từ ngày 1/5 sẽ áp dụng mức thuế quan bằng không (0) trong nhập khẩu thuốc chống ung. Đây là tin tốt cho các hãng dược phẩm Mỹ và bệnh nhân ở Trung Quốc, nhưng kết quả thực tế như thế nào còn phải chờ xem.
Báo mạng Tân Hoa (Xinhuanet) Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia cho biết, mức thuế quan bằng không hứa hẹn giá thuốc chống ung thư giảm 20%.
Thực tế, việc giảm thuế quan đối với các loại thuốc đã xảy ra trước đó, năm ngoái thuế quan đối với 27 loại thuốc từ 3% – 6% đã giảm xuống còn 2%. Một số loại thuốc chống ung thư có mức thuế khác nhau, từ 2%, 5% và 6%, loại thuốc khác nhau thì mức thuế cũng khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung thì tỷ lệ thuế quan trong tổng giá thuốc không cao.
Đối với người tiêu dùng, vấn đề giá thuốc nhập khẩu quá cao không chủ yếu trong biểu thuế quan nhập khẩu, mà là thuế giá trị gia tăng và bị đội giá do qua nhiều lớp lưu thông. Sau khi thuế quan bằng không, Chính phủ Trung Quốc vẫn có thể dùng cách can thiệp vào dòng lưu thông hàng hóa để triệt tiêu vấn đề thuế quan bằng không mang lại ưu thế cạnh tranh cho các hãng dược phẩm của Mỹ.
Ngoài ra, tiêu thụ thuốc nội còn có tiền hoa hồng, trong khi đối với thuốc nước ngoài thì không có nên các bác sĩ không kê vào toa thuốc, chưa kể vấn đề bảo hiểm y tế, nạn hàng nhái làm các công ty dược phẩm nước ngoài có thể không được hưởng lợi gì đáng kể.
Thậm chí giới phân tích còn đưa ra cảnh báo, Bắc Kinh có thể thông qua phi thuế quan, nhưng Đảng kiểm soát mọi thứ và thâu tóm ngành công nghiệp dược phẩm, liên kết với giới tư bản quan lại làm cho mọi việc trở lại trạng thái ban đầu. Vì bản thân chính quyền Trung Quốc không chịu ràng buộc gì, nó có thể can thiệp vào môi trường sản xuất công nghiệp từ nhiều khía cạnh và mắt xích khác nhau. Đây thực sự là cuộc đấu giữa hai hệ thống chính trị trong vấn đề thương mại.
Trái phiếu Chính phủ Mỹ
Chính phủ Trung Quốc vẫn đang tăng cường nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ, năm 2017 đã nắm giữ tăng lên hơn 120 tỷ đô la Mỹ. Thông điệp được Bắc Kinh đưa ra là không sử dụng nợ của Mỹ làm vũ khí, bày tỏ mối quan hệ tốt đẹp với Trump.
Giới quan sát có nhận định, ba chiêu nhượng bộ của ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy Trump cử phái đoàn tới Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể Trump chưa thể thỏa mãn, sớm hay muộn cuộc đấu sẽ tập trung vào vấn đề thể chế, các khoản trợ cấp xuất khẩu quy mô lớn của Bắc Kinh có thể thay đổi và kế hoạch năm 2025 có thể cần được sửa đổi. Nếu Trung Quốc đưa ra các hạn chế hành chính đối với các công ty của Mỹ thì Trump sẽ trả đũa, dù trong hệ thống dân chủ của Mỹ thì hành động sẽ bị hạn chế, nhưng trong trường hợp Trung Quốc không tuân thủ quy tắc thì hành động trả đũa cũng không phải quá khó khăn để đưa ra.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Donald Trump Vương Kỳ Sơn chiến tranh thương mại Mỹ Trung