Tình hình chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thời ông Tập Cận Bình có vẻ như đã bước vào giai đoạn mơ hồ nhạy cảm, vấn đề này thể hiện qua nhiều tin đồn về yêu cầu nội bộ đề nghị ông Tập chỉ định người kế nhiệm. Dường như cả Thủ tướng Lý Cường đương nhiệm và “phế thái tử” Hồ Xuân Hoa đều cho thấy có động thái, nhưng thành viên trẻ nhất trong Thường vụ Bộ Chính trị là ông Đinh Tiết Tường dường như cũng có tính toán…

Tap Can Binh
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. (Nguồn ảnh: PEDRO PARDO/AFP qua Getty Images)

Lý Cường và Hồ Xuân Hoa cạnh tranh nhau?

Theo Tân Hoa Xã – cơ quan truyền thông của ĐCSTQ – đưa tin ngày 12/10/2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gặp Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội.

Trước đó tại Bắc Kinh ngày 11/10, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình gặp Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lương Cường.

Theo thông lệ của ĐCSTQ, nếu lãnh đạo của Đảng gặp mặt nguyên thủ nước ngoài thì thường sẽ do người đứng đầu Đảng ra mặt, nếu không thể gặp mặt cũng sẽ tiến hành cuộc gọi điện thoại để trao đổi, ví dụ trong những năm gần đây, ông Tập Cận Bình đã có nhiều cuộc trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nhiều lần gặp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng lần này lại đổi vai cho Thủ tướng Lý Cường là người gặp ông Tô Lâm, còn ông Tập Cận Bình lại gặp người cấp thấp hơn của Việt Nam là ông Lương Cường. Không biết liệu sắp xếp có phần khác thường này là ngẫu nhiên hay có chủ ý gửi một loại tín hiệu chính trị nào đó?

Tổng biên tập Quách Quân (Guo Jun) của Epoch Times cho biết trong “Diễn đàn ưu tú” rằng những tin tức gần đây từ Bắc Kinh đã chỉ ra, trong Phiên họp toàn thể lần 3 của ĐCSTQ vào tháng 7 năm nay, các nguyên lão (những lãnh đạo cao nhất đã nghỉ hưu nhưng vẫn có ảnh hưởng chính trị nhất định) của họ đã đặt ra một số ý kiến, trong đó quan trọng nhất là cần làm rõ cơ chế người kế nhiệm – thực tế chính là bày tỏ sự không hài lòng với việc ông Tập Cận Bình sửa đổi Điều lệ Đảng và Hiến pháp để cầm quyền không nhiệm kỳ

Nếu vấn đề này có thực thì ai sẽ là người kế nhiệm Tập Cận Bình?

Về vấn đề này, Đỗ Văn (Du Wen), một cựu quan chức ĐCSTQ và học giả luật pháp sống ở châu Âu, đã phân tích trong chương trình “Diễn đàn ưu tú” rằng ông cảm thấy người có nhiều khả năng kế nhiệm ông Tập Cận Bình nhất trong tương lai là Thủ tướng đương nhiệm Lý Cường.

Ông cho rằng vì tư duy kinh tế của ông Lý Cường theo hướng nới lỏng quy mô lớn chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng, phản đối chính sách chi li vì quá chi tiết có thể dẫn đến hiệu quả thấp, không thể kích thích nền kinh tế, thậm chí gia tăng bất bình đẳng xã hội…

Xét theo tình hình hiện tại, chính ông Lý Cường là người đã thuyết phục ông Tập Cận Bình thay đổi cái gọi là chính sách chi li như về “các biện pháp kiểm soát bất động sản”“không đầu cơ nhà ở”… Bởi thực tế cho thấy các biện pháp đó đã gây thảm bại cho nền kinh tế Trung Quốc, nhiều vấn đề khác cũng tương tự. Ông Đỗ Văn cho rằng ông Tập Cận Bình cũng muốn thay đổi, nhưng nhóm người của ông ấy đều là những người tầm thường, trong số họ thì ông Lý Cường được coi là một người có năng lực hơn.

Ông Đỗ Văn tiết lộ hiện ngoài ông Lý Cường, những nhân vật có khả năng nổi lên ở Trung Nam Hải là Phó chủ tịch Chính hiệp Hồ Xuân Hoa, người đang dẫn đầu. Vì sức khỏe của Tập Cận Bình không tốt, nên ĐCSTQ có thể phải đối mặt với nhiều thay đổi bất cứ lúc nào.

Ông Hồ Xuân Hoa với tư cách là người kế nhiệm được cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào chỉ định, đã bất ngờ không vào Bộ Chính trị tại Đại hội 20, thời điểm đó công luận xôn xao việc cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào bị đưa ra khỏi lễ bế mạc Đại hội 20. Từ đoạn video đăng trên mạng cho thấy, ông Hồ Xuân Hoa khi đó nhìn thẳng về phía trước, khoanh tay trước ngực và tỏ ra tức giận đến mức như không thốt thành lời. Từ đó, ông Hồ Xuân Hoa cũng bị xem như “phế thái tử”, những thuộc cấp cũ của được ông coi trọng ở Nội Mông cũng lần lượt bị bắt giữ, làm dấy lên suy đoán liệu có chuyện gì sắp xảy ra với ông hay không.

So với những người trước đây được coi là người được chọn kế nhiệm ông Tập Cận Bình, ông Hồ Xuân Hoa là người khá kín tiếng, ông sinh năm 1963 và có chút lợi thế về tuổi tác.

Theo ông Đỗ Văn, ông Hồ Xuân Hoa từng là người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở huyện Ngũ Phong tỉnh Hồ Bắc và được nhận vào Đại học Bắc Kinh. Ông ấy đã có đầy tham vọng chính trị từ khi còn nhỏ. Theo Hồ Xuân Hoa cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học thì ông được mời làm việc ở nhiều cơ quan trung ương, Ban Tổ chức Trung ương đã lấy ý kiến ​​và hỏi ông muốn đi đâu. Ông nói muốn đến nơi khó khăn nhất, nơi quê hương và nhân dân cần nhất, và đã chọn đi Tây Tạng. Tuy nhiên, sau khi đến Tây Tạng, ông không hòa hợp với người dân địa phương như nhiều người tưởng tượng, thay vào đó, ông cố gắng tìm cách giao kết các nhà lãnh đạo. Ông Hồ Xuân Hoa đã phục vụ và duy trì quan hệ rất tốt với một số nhân vật quan trọng khi đó, tiêu biểu như ông Hồ Cẩm Đào. Sau đó từ Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, ông được thăng chức Tỉnh trưởng, Bí thư Tỉnh ủy các nơi như tỉnh Hà Bắc, tỉnh Quảng Đông – được xem là người được chọn tiếp quản quyền lực cao nhất của ĐCSTQ. Mặc dù tất cả những gì Hồ Xuân Hoa làm đều là vì mục tiêu đó, nhưng ông không ngờ rằng đã thất bại vào giây phút cuối cùng, nên đương nhiên không cam tâm.

Khi khuynh hướng chuyên quyền của ông Tập lộ rõ, những quan chức tương đối trẻ như Hồ Xuân Hoa đã lần lượt bị bắt và biến mất. Ông Hồ biết bản thân mình cũng là cái gai trong mắt ông Tập nên ẩn mình nhẫn nhịn, phát huy đến cực độ khả năng xu nịnh, giúp bảo toàn sinh mệnh chính trị. Có tin cho rằng ông Tập Cận Bình từng giải thích với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào về lý do Hồ Xuân Hoa không trở thành người kế nhiệm dù trong quá khứ không mắc sai lầm nào, đó là do ông Hồ Xuân Hoa chỉ có năng lực tầm thường và không có thành tích chính trị nổi bật, không nên tiếp tục làm Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Thường vụ Bộ Chính trị, vì không có lợi cho cái gọi là tương lai với nhiều rủi ro và thách thức hơn.

Ông Đỗ Văn cho biết, sau Hội nghị toàn thể lần 3 ĐCSTQ khóa 20, ông Tập Cận Bình đã có ý định nghỉ hưu, phe Đoàn Thanh niên và các trưởng lão của ĐCSTQ hy vọng rằng ông Tập có thể khôi phục lại cơ chế người kế nhiệm. Lúc đó với tư cách từng được xem là ‘người kế nhiệm’ giúp Hồ Xuân Hoa có cơ hội và một tia hy vọng. Đỗ Văn chỉ ra rằng ông Hồ Xuân Hoa trước đây vốn kín tiếng, nhưng bây giờ có muốn “lộ tiếng” cũng khó. Dù bị gạt ra ngoài lề nhưng ông không cam tâm, luôn tận dụng mọi cơ hội để thể hiện bản thân nhiều nhất có thể, tăng cường sự hiện diện chính trị và cố gắng hết sức để không lọt ra khỏi vòng trung tâm của ĐCSTQ.

Vào ngày 8/10/2024, một số phương tiện truyền thông hàng đầu của ĐCSTQ đã đăng một bài viết của Hồ Xuân Hoa có tựa, “Bảo vệ lãnh đạo của ĐCSTQ đối với Chính hiệp”. Bài viết mô tả 5 giai đoạn về duy trì sự lãnh đạo của ĐCSTQ đối với Chính hiệp.

Điều bất thường là ở đầu mỗi giai đoạn đều viết “Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh”, sau đó mới viết về cách hiểu và thực hiện lời của ông Tập. Ông Hồ Xuân Hoa trước đó thường khá tín tiếng, bất chợt có bài viết như vậy khiến công luận và giới quan sát không khỏi cảm giác kỳ lạ.

Về vấn đề này, ông Đỗ Văn chỉ ra trong bài viết đó dường như ông Hồ Xuân Hoa đặt ông Tập Cận Bình ngồi lên đầu, tuy nhiên mục đích nhắm vào là cải thiện sự hiện diện chính trị của bản thân.

Sơ qua tình hình hiện tại trong ĐCSTQ của Hồ Xuân Hoa, Lý Cường, và Đinh Tiết Tường

Nhà bình luận Trung Nguyên đã có bài viết trên Epoch Times chỉ ra rằng ông Hồ Xuân Hoa được coi là đang nổi lên lại, ông từng là ứng cử viên kế nhiệm của phe Đoàn Thanh niên và vẫn còn ưu thế về tuổi tác nên có thể còn được một số nguyên lão ủng hộ. Tuy nhiên, một mắt xích quan trọng là Hồ Xuân Hoa cần phải trở lại Bộ Chính trị và được đề bạt vào Thường vụ Bộ Chính trị. Ông Trung Nguyên tin rằng phe của ông Tập Cận Bình sẽ ngăn chặn ông Hồ Xuân Hoa.

Theo ông, nếu vì lý do sức khỏe khiến ông Tập Cận Bình không thể tiếp tục tại vị thì thông thường người đứng thứ hai trong số các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ sẽ tiếp quản cương vị lãnh đạo ĐCSTQ (hiện là ông Lý Cường), và hơn nữa ông Lý Cường cũng “luôn trong tinh thần sẵn sàng”. Hiện tại quyền lực của ông Tập Cận Bình đã không còn mạnh mẽ, ông Lý Cường sẽ cảm thấy cơ hội đã đến, khó có thể chấp nhận người khác trèo trên đầu mình. Nhưng ngoài danh nghĩa là nhân vật số hai trong Đảng, hầu như ông không có ưu thế nào khác, và các trưởng lão cũng có thể không nhất thiết ủng hộ Lý Cường. Bởi vì ông ta đã từng thay mặt ông Tập Cận Bình trấn áp phe Thượng Hải, nên các thành viên thường vụ đã nghỉ hưu thuộc phe Giang Trạch Dân, đặc biệt là phe Thượng Hải, đương nhiên ghét ông Lý Cường và sẽ ngăn cản.

Hơn nữa, ông Lý Cường thiếu mối quan hệ ở Bắc Kinh. Ngay người trong phe ông Tập cũng không ưa ông Lý Cường. Nhiều quan chức thân cận với ông Tập Cận Bình cảm thấy năng lực và trình độ của ông Lý Cường không hơn họ, vậy mà lại làm thủ tướng. Nếu ông Lý Cường muốn tiếp quản, có thể có đối thủ mạnh trong phe Tập.

Một động thái phản ánh tâm lý của ông Lý Cường, được tờ Ming Pao (phương tiện truyền thông thân ĐCSTQ ở Hồng Kông) đưa tin, là ngôi nhà tổ tiên của gia đình ông ở làng Đông Áo – Thụy An tỉnh Chiết Giang vốn được mở cửa cho khách du lịch đến thăm, nhưng sau Đại hội 20 đột nhiên bị phong tỏa bằng lưới sắt, xung quanh mộ tổ tiên của gia đình ông cũng được lắp đặt rất nhiều camera giám sát, được nhân viên bảo vệ canh gác 24/24, nghiêm cấm người ngoài đến gần.

Ông Đỗ Văn nói rằng ông Tập Cận Bình có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề người kế nhiệm, đó là “người của tôi” – mà theo quan điểm đó thì là ông Lý Cường hay ông Đinh Tiết Tường tiếp quản. Nhưng phe Đoàn và các trưởng lão của ĐCSTQ rõ ràng thích ông Hồ Xuân Hoa kế nhiệm hơn.

Về nhân vật Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường. Bài của Trung Nguyên viết chỉ ra rằng ông ấy sinh năm 1962 có lợi thế về tuổi tác, là người trẻ nhất trong số 7 thành viên Ban Thường vụ ĐCSTQ. Khuyết điểm của ông ta là không có kinh nghiệm làm việc ở địa phương và chưa bao giờ quản lý các công việc thực tế, chủ yếu làm thư ký và phụ trách văn phòng, còn thời gian ở Thượng Hải là thư ký chính của ông Tập Cận Bình và sau đó theo ông Tập vào tận Trung Nam Hải. Trung Nguyên cho rằng ông Đinh Tiết Tường đã theo ông Tập Cận Bình từ lâu và từng phụ trách Văn phòng Trung ương nên biết rõ nội tình ĐCSTQ, nắm thóp được không ít nhân vật quan trọng, ít nhiều có thể lôi kéo được phe cánh. Vì vậy ông Đinh Tiết Tường có thể từ lâu đã tự coi bản thân là “người kế vị”, chẳng qua cố gắng hết sức để che giấu ý đồ. Tuy nhiên, ông ấy nếu muốn được sự thừa nhận của giới nguyên lão là rất khó khăn, có vẻ không đủ tầm làm “ngựa ô”.

Trung Nguyên chỉ ra rằng vấn đề lớn nhất đối với ĐCSTQ hiện nay có lẽ không phải là chuyện ông Tập Cận Bình tại nhiệm hay vấn đề cán cân quyền lực, mà là bước đi tiếp theo. Hầu hết giới quyền quý cấp cao đều không sẵn lòng từ bỏ những đặc quyền, lợi ích đã có được, mà vẫn cố gắng duy trì quyền lực có được nhờ chế độ Đỏ mà họ bám vào, do đó vẫn  tìm cách xác định người kế nhiệm lãnh đạo ĐCSTQ để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Học giả luật Đỗ Văn cũng cho rằng đây có thể là thời điểm khó khăn và hỗn loạn nhất đối với ĐCSTQ kể từ khi thành lập, khó khăn cả bên trong và bên ngoài. Với khả năng ông Tập Cận Bình có thể không nắm quyền, chắc hẳn vấn đề người kế nhiệm sẽ là cuộc chiến sống còn nội bộ giữa giới thân tín của ông Tập và phe ông Hồ Xuân Hoa.