Cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc chỉ trích chính sách chống dịch
- Đổng Lâm San
- •
Ông Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Tài chính, từng là “ái tướng” của cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, nhiều lần công kích chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã thẳng thẳng thắn nói rằng biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch bệnh không phù hợp đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng và toàn diện cho nền kinh tế Trung Quốc.
Theo trang Caixin tại Trung Quốc Đại Lục đưa tin, phát biểu tại “Hội nghị thượng đỉnh Tài chính Kinh tế Phượng Hoàng 2022” (Ifeng Finance (Summer) Summit 2022) vào ngày 16/6, ông Lâu Kế Vĩ đã chỉ ra, hiện tượng “bi kịch của mảnh đất công” đã xuất hiện trong quá trình phòng chống dịch bệnh của các thành phố lớn ở Trung Quốc. Do các biện pháp phong tỏa và kiểm soát không thỏa đáng, dẫn đến mỗi một cá thể trong hoàn cảnh đặc biệt cố gắng mở rộng tài nguyên mà họ có thể được sử dụng, nhưng cuối cùng, cái giá của việc hao tổn tài nguyên lại bị gán cho tất cả những người có thể sử dụng tài nguyên.
Ông Lâu Kế Vĩ nói rằng phương pháp phòng ngừa và kiểm soát y tế cộng đồng của Đại Lục thiên về vây chặn. Việc phong tỏa và kiểm soát không thỏa đáng đã dẫn đến các hậu quả như gây ra tắc nghẽn giao thông, chuỗi sản xuất công nghiệp không kết nối được và nhân sự không thể tiếp tục công việc. Tác động tiêu cực mà nó gây ra là “toàn diện“, không chỉ khó có thể truy cứu trách nhiệm, mà còn gây ra những ảnh hưởng bất lợi đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc, gây thiệt hại cho tất cả những người có liên quan.
“Bi kịch của mảnh đất công” (Tragedy of the commons) bắt nguồn từ một phép ẩn dụ được nhà văn người Anh William Forster Lloyd sử dụng vào năm 1833: Trên bãi cỏ công cộng, có một nhóm người chăn cừu, mỗi người đều muốn có được nhiều lợi ích hơn một chút, cho nên một người chăn cừu nọ đã đem một số lượng lớn cừu đến chăn, rồi sau đó tất cả những người chăn cừu khác cũng làm theo, thế là cỏ trên bãi cỏ cũng theo đó mà hết sạch và thảm kịch đã xảy ra.
Phát biểu nói trên của ông Lâu Kế Vĩ đã làm dấy lên sự chú ý và đồn đoán từ ngoại giới, và được coi là dấu hiệu cho thấy cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ đang xoay quanh vấn đề phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cực đoan.
Vào thời điểm ông Lý Khắc Cường đang cố gắng cứu vớt nền kinh tế vốn đã bị rạn nứt của Trung Quốc, một số ngôn luận chỉ trích chính sách “zero COVID” đã bị xóa khỏi các nền tảng tin tức và truyền thông lớn của Trung Quốc.
Ngô Hiểu Ba (Wu Xiaobo), một nhân vật tài chính nổi tiếng của Trung Quốc, cũng đã đăng tải bài viết “Chỗ chúng ta bị làm sao vậy?” trên mạng xã hội, chỉ ra một số vấn đề nghiêm trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, kết quả là tài khoản Weibo của ông đã bị cấm. Do đó, ngoại giới phần lớn đều không lạc quan về những phát biểu nói trên của ông Lâu Kế Vĩ rốt cuộc sẽ dẫn đến hậu quả thế nào.
Ông Lâu Kế Vĩ được coi là vị “ái tướng” của ông Chu Dung Cơ và là một trong những quan chức “phe cải cách” trong thể chế của ĐCSTQ, quỹ đạo thăng quan tiến chức của ông cũng trùng hợp với quỹ đạo tăng quan tiến chức của ông Chu Dung Cơ. Ngay từ năm 1988, ông Lâu Kế Vĩ khi đó đang làm việc trong Nhóm Tài chính thuộc Phòng Điều tra Nghiên cứu Văn phòng Quốc vụ viện, ông đã được ông Chu Dung Cơ (khi đó là đang là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc gia) đánh giá rất cao. Ông Lâu Kế Vĩ được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Cải cách Hệ thống Kinh tế Thượng Hải ngay sau khi ông Chu Dung Cơ trở thành Thị trưởng thành phố Thượng Hải.
Vào tháng 3/1998, ngay sau khi ông Chu Dung Cơ trở thành Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Lâu Kế Vĩ đang làm Phó tỉnh trưởng tỉnh Quý Châu được điều động đến Bắc Kinh làm Thứ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời kiêm chức Phó Bí thư Đảng bộ của bộ này, tại đây ông tiếp tục chủ trì công tác cải cách tài chính và thuế vụ.
Vào tháng 3/2013, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tháng 11/2016, ông bị miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2019, ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quỹ An sinh xã hội toàn quốc.
Ông Lâu Kế Vĩ đã quen với những ngôn luận táo bạo. Khi còn là Thứ trưởng Bộ tài chính Trung Quốc, ông đã buột miệng nói với một thành viên của Ủy ban công tác dự toán ngân sách Nhân đại (Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc), người đang tranh cãi với ông rằng “Ông không hiểu dự toán”. Sau khi giải nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Lâu Kế Vĩ thường xuyên có những phê bình các vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc.
Đầu tháng 12/2021, một ngày sau khi Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của ĐCSTQ kết thúc tại Bắc Kinh, ông Lâu Kế Vĩ phát biểu tại hội nghị truyền hình “Hội nghị Thường niên Kinh tế Trung Quốc 2021-2022”, đã nêu nghi ngờ về việc công bố chính thức số liệu kinh tế của Trung Quốc “chỉ báo tin vui không báo tin buồn”.
Khi đó, ông Lâu Kế Vĩ đã chỉ ra, trong số liệu thống kê được công bố chính thức, cơ bản không nhìn ra được tầng 3 áp lực đè lên nhau “nhu cầu thu hẹp, xung đột cung cầu, kỳ vọng suy yếu” mà chính phủ nói, “không có con số đủ để phản ánh sự thay đổi tiêu cực đã xuất hiện trong nền kinh tế”, hơn nữa phương thức thống kê số liệu một chiều này sẽ gây khó khăn hơn cho chính phủ đánh giá các vấn đề kinh tế tiêu cực.
Vào thời điểm đó, Đài Á Châu Tự Do bình luận về phát biểu của ông Lâu Kế Vĩ, “Việc đưa ra chỉ trích công khai như vậy với tư cách là một nhân vật cấp cao của chính phủ, đã làm nổi bật mối quan ngại của nhiều người về tính chính xác của dữ liệu kinh tế Trung Quốc.”
Vào ngày 16/2/2019, tại cuộc họp thường niên năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Trung Quốc 50 người, ông Lâu Kế Vĩ đã chỉ trích cải cách mang tính kết cấu nghiêng về bên cung do các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ đề xuất, là thiếu tinh thần cải cách theo định hướng thị trường và đã trở thành một “kiểu phong trào hành chính”.
Vào tháng 3/2019, ông Lâu Kế Vĩ nói với giới truyền thông rằng: “Dù thế nào đi nữa, chiến lược ‘Sản xuất tại Trung Quốc 2025’ (Made in China 2025) cũng không nên được đề xuất. Tôi đã phản đối nó ngay từ đầu”. Ông nói: “Tác động tiêu cực của chiến lược ‘Sản xuất tại Trung Quốc 2025’ là sự lãng phí tiền của người nộp thuế.”, ““Made in China 2025” nói tốt đẹp thế nào đi nữa, nhưng thực tế thì hầu như không đạt được gì.”
Tháng 4 cùng năm, ông Lâu Kế Vĩ bất ngờ thôi chức Chủ tịch Hội đồng Quỹ An sinh Xã hội toàn quốc trước thời hạn. Theo nguồn tin tiết lộ, ông Lâu Kế Vĩ đã mất chức trước thời hạn vì công khai chỉ trích kế hoạch “Made in China 2025” của ĐCSTQ, khiến ông Tập Cận Bình tức giận.
“Made in China 2025” là một chiến lược “Đại nhảy vọt” về khoa học và công nghệ, do ĐCSTQ thực hiện thông qua các khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước để hỗ trợ và bồi dưỡng phát triển các doanh nghiệp lớn. ĐCSTQ hy vọng rằng đến năm 2025, họ sẽ có thể độc quyền Trung Quốc và một phần của thị trường toàn cầu, có thể chủ đạo 10 ngành công nghệ cao hàng đầu và vượt qua các nước như Đức, Nhật Bản, v.v, vào năm 2035.
Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra vào năm 2018, các quan chức Mỹ đã gọi “Made in China 2025” là “lộ trình cho hành vi trộm cắp”. Hành vi trộm cắp bí mật thương mại của ĐCSTQ gây ra mối đe dọa cho Mỹ và ĐCSTQ cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi trộm cắp này. Kể từ đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc rất ít nhắc đến “Made in China 2025”.
Từ khóa Chu Dung Cơ Zero COVID Lâu Kế Vĩ kinh tế Trung quốc